Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, vừa chỉ đạo các cơ quan xem xét lại tính hiệu quả của loa phường. Vấn đề tưởng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, lại được xới lên, bàn bạc, tranh cãi, về một hình thức truyền tin phiền nhiễu vào bậc nhất này.

Loa phường đã hoàn thành sứ mạng của mình! - 0

Tôi từng đọc tác phẩm của nhà văn Trung Quốc, Giả Bình Ao, trong đó có nhắc đến một cán bộ địa phương, có biệt tài bố trí sắp xếp những chiếc loa truyền thanh sao cho loa nọ chĩa đúng vào loa kia, để khi các loa đồng loạt phát lên, thì bài hát có sức cộng hưởng, khoan vào tai người nghe!

Loa phường ở Việt Nam, cũng có đặc điểm tương tự.

Chúng được treo trên các cột điện, với khoảng cách không xa nhau lắm, mục đích là để tất cả mọi người cùng nghe được, không bỏ sót đối tượng. Tôi đi hầu khắp các thành phố trong nam ngoài bắc và thấy rằng, loa phường hoạt động vào khoảng thời gian khá giống nhau:

Buổi sáng là 5 giờ đến 6 giờ; buổi chiều thì khoảng từ 17 đến 18 giờ, cá biệt có nơi còn phát cả buổi trưa.

Tóm lại, đó là khoảng thời gian mà người dân hoàn thành công việc, trở về nhà.

Nội dung thông báo của loa phường thì đủ dạng, chủ yếu là phổ biến các chủ trương chính sách của địa phương như thuế má, đất đai, an ninh trật tự, dịp cao điểm thì có thêm những thông tin khác như bầu cử, treo cờ Tổ quốc … Thậm chí, có một số nơi, còn phát cả các chương trình văn nghệ, bài hát chào mừng, diễn văn phát biểu của lãnh đạo địa phương!

Khi báo chí thông tin về việc lãnh đạo Hà Nội yêu cầu xem xét tính hiệu quả của loa phường để có hướng xử lý, đã có rất nhiều người, nếu không muốn nói là đại đa số tỏ ra vui mừng. Thậm chí có người còn nói quá lên rằng, chỉ cần xoá bỏ loa phường, lãnh đạo Hà Nội đã thu phục được hoàn toàn lòng dân! Vì sao vậy? Vì mọi người đã quá mệt mỏi với hình thức thông tin có tính chất “tra tấn” này rồi.

Giờ hoạt động của loa phường đúng vào giờ nghỉ ngơi sau một buổi một ngày lao động vất vả mệt nhọc, khiến nhiều người phát cáu.

Thông tin lại được phát đi phát lại nhiều lần, nhiều ngày trong một đợt tuyên truyền.

Âm thanh dội vào các bờ tường, vọng vào các ngõ ngách, khi đến tai người nghe, không những khó lĩnh hội chính xác mà còn gây đau đầu, mất ăn mất ngủ.

Trên mạng xã hội, đã có rất nhiều người than phiền về việc bị loa phường quấy nhiễu. Hài hước hơn, có thanh niên còn tự biên tự diễn kịch bản “cãi nhau với loa phường” và quay video đưa lên mạng. Tôi tin, nếu có một cuộc thăm dò ý kiến rằng nên giữ hay bỏ loa phường, thì số đồng ý xoá bỏ sẽ chiếm tỉ lệ áp đảo.

Vậy vì sao chưa dẹp bỏ?

Hay tại vì giá trị thông tin của loa phường là không thể thay thế? Tôi nghĩ rằng, với thời đại thông tin hiện nay, một cú nhấp chuột là mọi nội dung tuyên truyền được chuyển ngay đến người nhận, không ồn ào, không tốn thêm bao nhiêu nhân lực, lại vô cùng tiện lợi.

Trước khi viết bài này, tôi cũng đã tham khảo bạn bè người Việt Nam sinh sống ở nhiều nước trên thế giới, về hình thức thông tin qua loa phường, họ đều khẳng định:

Đi ra khỏi Việt Nam, là họ không còn gặp lại loa phường nữa!

Có ý kiến, hài hước hơn, nói rằng, bây giờ đã là quá muộn để đưa loa phường vào viện bảo tàng các thành phố, nhường lại nhiệm vụ tuyên truyền cho các phương tiện thông tin hiện đại, hiệu quả, ít tốn kém và quan trọng là, đỡ phiền toái hơn.

Cá nhân tôi cho rằng, loa phường đã hoàn thành sứ mạng của mình, và bây giờ là lúc kết thúc.

Y Thiện Niê

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, thầy giáo dạy văn ở một trường cấp 3 tại Đắk Lắk.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC