Đề xuất cải tiến cách viết chữ Quốc ngữ của PSG-TS Bùi Hiền đang làm nóng dư luận. Nếu cải cách sẽ phải thay đổi từ nhận thức, cách học, cách dạy, thay đổi sách giáo khoa, các văn bản, sách báo, cả lập trình chữ viết trên máy tính...
Chúng ta nghĩ sao nếu chữ 'luật giáo dục' phải viết là 'luật záo zụk', 'nhà nước' là 'n’à nướk'…
Nhưng đó là cách viết cải tiến mà PGS-TS Bùi Hiền đề xuất trong một cuốn sách mới xuất bản gần đây. Điều này gây ra nhiều tranh luận không chỉ trong giới chuyên môn mà cả những người đang sử dụng tiếng Việt.
PGS-TS Bùi Hiền - nguyên hiệu phó Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên viện phó Viện Nội dung và Phương pháp dạy học phổ thông - mới đề xuất cải tiến chữ viết Tiếng Việt được đề cập trong bài
"Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế" (trong sách Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập phát triển tập 1, do NXB Dân trí phát hành).
Một ví dụ về chữ viết hiện tại và chữ viết cải tiến theo đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền
Trong bài viết ông Bùi Hiền nhận xét:
"Từ năm 1924, khi toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho phép dạy chữ quốc ngữ bắt buộc ở cấp tiểu học, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…".
Theo PGS-TS Bùi Hiền, những bất hợp lý trong tiếng Việt hiện nay gồm có việc sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu.
Ví dụ C - Q - K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr - Ch (tra, cha), S - X (sa, xa)…
Bên cạnh đó, lại có hiện tượng dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).
Theo ông Hiền, bất hợp lý trên dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, gây hiểu nhầm, hiểu không chính xác. Những người học là trẻ em hoặc người nước ngoài dễ mắc lỗi do đặc điểm phức tạp và không thống nhất trên.
Từ nhận định này, PGS Hiền kiến nghị một phương án làm cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình nhà nước.
PGS-TS Bùi Hiền - Ảnh NVCC
Chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt.
Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z.
Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể:
C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r.
Vì âm "nhờ" (nh) chưa có kí tự mới thay thế nên trong bản trên tạm thời dùng kí tự ghép N' để biểu đạt.
PGS-TS Nguyễn Hữu Hoành, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, vấn đề này đã được các nhà ngôn ngữ học trao đổi, đề cập rất nhiều nhưng không thể thay đổi được vì chữ viết liên quan tới văn hóa, lịch sử và nhiều vấn đề khác.
GS-TS Bùi Khánh Thế - chuyên ngành ngôn ngữ học, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM - cho rằng cải tiến tiếng Việt như đề xuất của ông Bùi Hiền sẽ làm mất đi sự tinh tế trong cách viết, đọc, phát âm tiếng Việt.
Không ai đủ thuyết phục cho rằng cần cải tiến chữ viết tiếng Việt
Đây cũng là lý do đã có nhiều hội thảo đề cập đến những điểm còn bất hợp lý của tiếng Việt nhưng không ai đủ thuyết phục cho rằng cần cải tiến chữ viết tiếng Việt.
Trao đổi thêm về đề xuất của mình trên cơ sở nhiều ý kiến trái chiều, ông Bùi Hiền khẳng định mặc dù việc cải tiến có những sự phức tạp, cần nhiều thời gian vì nếu thay đổi sẽ phải thay đổi từ nhận thức, cách học, cách dạy, thay đổi sách giáo khoa, các văn bản, sách báo, cả lập trình chữ viết trên máy tính… nhưng nếu quyết tâm vẫn có thể làm được, chỉ khoảng 1-2 năm sẽ quen dần.
Khá nhiều ý kiến khác xung quanh đề xuất gây sốc này, cho rằng hiện đã có quá nhiều đổi mới khiến người học mệt mỏi.
Vì thế không nên có thêm một đề xuất mà chỉ hình dung đã thấy rối.
Một đoạn trong bài hát Em gái mưa viết theo ký tự mới:
Mưa trôi cả bầu trời nắng, trượt theo những nỗi buồn
Thấm ướt lệ sầu môi đắng vì đánh mất hy vọng
Lần đầu gặp nhau dưới mưa, trái tim rộn ràng bởi ánh nhìn
Tình cảm dầm mưa thấm lâu, em nào ngờ.
Viết thành:
Mưa côi kả bầu cời nắq, cượt weo n’ữq nỗi buồn
Wấm ướt lệ sầu môi Dắq vì dán’ mất hy vọq
Lần dầu gặp n’au dưới mưa cái tim zộn zàq bởi án’ n’ìn
Tìn’ kảm zầm mưa wấm lâu em nào qờ.
Nguồn: Tuổi trẻ Online