Khoảng 50 năm trước, có lần ông Võ Hồng phàn nàn rằng khi ông tả cảnh nhà quê, trong vườn có một bụi duối, thì “thầy cò” (người sửa bản in) không biết cây duối, sửa lại thành bụi chuối. Sai quá đi chứ, nhưng tạm chấp nhận vì trong vườn có bụi chuối cũng hợp lý, bạn đọc chẳng biết đâu mà chê trách.
Hiện nay, mỗi tác phẩm được in đều qua một hay hai cán bộ biên tập (CBBT) của nhà xuất bản. Điều đáng tiếc là các vị này có quyền hành to lớn, muốn sửa tác phẩm thế nào cũng được, nhưng một số vị thiếu sự hiểu biết sâu rộng, thành ra nhiều khi sửa theo suy nghĩ riêng tư, làm sai lạc hẳn ý nghĩa.
Lấy trường hợp của chính tôi, xin nêu ra mấy điểm cụ thể sau đây:
- Tác phẩm Lễ tục vòng đời: trăm năm trong cõi người ta, NXB Văn Hóa Thông Tin.
Tên tác giả là Trần Sĩ Huệ, một chỗ sửa thành Trần Sỹ Huệ, một chỗ khác, chắc thấy chữ Sỹ cũng chưa hay, chưa đẹp, sửa thành Trần Trí Huệ!
Tác giả trích nhận xét trong sách Đại Nam nhất thống chí về Phú Yên: “Dân tục chất phác...”, CBBT sửa thành “Dân tộc chất phác...”!
Nha văn hóa, sửa thành nhà văn hóa. CBBT không biết nha là một cơ quan thuộc bộ trong chính quyền miền Nam trước 1975, tưởng là các nhà văn hóa hiện nay.
Tác giả viết: “Suốt thời kỳ Nho học, Phú Yên chưa có vị nào đậu đại khoa”. CBBT sửa lại: “Suốt thời kỳ Nho học Phú Yên chưa có vị nào đậu đại học”! Đại khoa và đại học, nghĩa khác nhau một trời một vực!
Có khi sửa theo cách nói địa phương nào đó, ông thầy = ông thày, dạy học = dậy học, người đọc tưởng đâu ông thầy (đang nằm) ngồi dậy học... Và nhiều chỗ rất phi lý nữa.
- Tác phẩm Đất Phú Trời Yên, NXB Lao Động.
Tác giả viết: “chuyện dân gian, dan ca, cà kê dê ngỗng với nhau”. CBBT không hiểu trong ngôn ngữ bình dân dan ca có nghĩa là chuyện dông dài, không đầu không đuôi, hết chuyện này đến chuyện khác, sửa thành dân ca!
Tác giả trích một bài thuật lại trận bão năm Giáp Tý 23-10-1924, trong đó dùng Pháp văn “23 Octobre 1924”, CBBT cho rằng viết sai Anh văn, sửa lại “23 October 1924”. Như vậy không hợp lý vì thời ấy dùng Pháp văn, chưa dùng Anh văn.
Tác giả viết về “tiếng chim bồ chao ồn ào đối đáp, gọi là chim đánh”, không biết CBBT căn cứ vào đâu sửa lại: Chim bồ chao hay còn gọi là chim đính”. Có nơi nào gọi chim bồ chao là chim đính chăng?
Những địa danh, CBBT cũng tự ý sửa lại. Thuộc Hà Bạc, sửa thành Thuộc Hà Bắc (8 lần); Sông Cầu sửa thành sông Cầu (5 lần).
Xin thưa:
Thuộc là đơn vị hành chánh xưa ở miền Trung thời chúa Nguyễn và đầu nhà Nguyễn, ngang với cấp tổng, hà là sông, bạc là bến. Những nơi làng xóm ở ven sông, cửa biển gọi là thuộc Hà Bạc, sao lại bắt nơi nào cũng thuộc Hà Bắc? Tên thị xã (trước đây là huyện) Sông Cầu, là một đơn vị hành chánh thì phải viết hoa cả (Sông Cầu), đâu phải tên con sông Cầu!
Với cách biên tập như thế, người đọc sẽ nghĩ sao về trình độ cơ bản của tác giả?
Một vài vị CBBT các báo cũng hay sửa ẩu. Như: đan đát sửa là đan lát. Xin thưa: muốn có cái rổ, thúng, nia... người ta dùng nan đan phần chính, phần chung quanh để lận lên gọi là đát, nói chung là đan đát, sao là đan lát? Hồi 1975-1980 có các hợp tác xã đan giỏ xách bằng sợi cói, còn gọi là sợi lác, không phải lát. Câu ca dao Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai..., tế là nước chạy nhanh của ngựa, sửa thành “ngựa tuế Đồng Nai”...
Đúng là sửa đâu sai đó. Sai trầm trọng. Chứ cây duối của ông Võ Hồng biến thành cây chuối thì đâu nhằm nhò gì! Các tác giả gặp phải cảnh này (như tôi) chắc cũng (như tôi) không còn biết nói gì hơn, đành ngửa mặt lên trời mà kêu rằng: Ôi, biên tập!
TRẦN HUYỀN ÂN (Trần Sĩ Huệ)
bài đăng trên báo Tuổi Trẻ