Ứng dụng “Easydoc” sẽ tư vấn cho người dân căn cứ trên bảng kê câu hỏi dành cho bệnh nhân được sử dụng thực tế tại các trung tâm xét nghiệm lưu động “Drive-thru”.

42 1 Han Quoc Phat Trien Ung Dung Chan Doan Nhanh Nghi Nhiem Sars Cov 2

Một nhóm nghiên cứu ở Hàn Quốc đã phát triển ứng dụng “Easydoc” giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán các ca nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm.

Nhóm nghiên cứu năm thành viên nói trên gồm các bác sỹ đang làm việc ở trung tâm xét nghiệm lưu động COVID-19 tại thành phố Daegu Tây Nam Hàn Quốc, sinh viên Đại học Y và dược sỹ.

Ứng dụng “Easydoc” do nhóm này phát triển sẽ tư vấn cho người dân căn cứ trên bảng kê câu hỏi dành cho bệnh nhân được sử dụng thực tế tại các trung tâm xét nghiệm lưu động “Drive-thru” (tài xế có triệu chứng nghi nhiễm lái xe tới trung tâm lưu động, không cần ra khỏi xe mà chỉ cần hạ cửa sổ để nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt và lấy mẫu xét nghiệm, toàn bộ quá trình mất khoảng 10 phút). Ứng dụng hỗ trợ cả tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Việt.

Ngày 12/3, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết “Easydoc” tích hợp danh sách câu hỏi liên quan những thông tin mà đội ngũ nhân viên y tế tại các trung tâm xét nghiệm lưu động cần xác nhận ban đầu với các bệnh nhân.

Ở tính năng “Điền vào bảng câu hỏi” trong ứng dụng, người dùng sẽ trả lời các câu hỏi như lịch sử thăm nước ngoài gần đây, khu vực tới thăm, triệu chứng về đường hô hấp. Ngoài ra, ứng dụng còn tích hợp tính năng chỉ dẫn vị trí các trung tâm xét nghiệm lưu động.

Trong khi đó, với những bệnh nhân người nước ngoài không thông thạo tiếng Hàn, khi tới bệnh viện trong nước có thể sử dụng tính năng biên dịch của ứng dụng để soạn thảo bản câu hỏi trước.

Ứng dụng trên ra đời trong bối cảnh ở một số khu vực như thành phố Daegu – vùng tâm điểm của dịch COVID-19 tại Hàn Quốc, lượng người dân gọi điện xin tư vấn về dịch bệnh tại các trung tâm y tế tăng vọt khiến thời gian chờ trả lời điện thoại rất lâu.

Hiện nhóm phát triển ứng dụng đang đặt mục tiêu bổ sung thêm nhiều ngôn ngữ hỗ trợ, xây dựng nền tảng y tế toàn cầu trong thời gian tới./.

Nguồn: Vietnam+




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC