Dự luật có tên Hạn chế các mối đe dọa bảo mật gây rủi ro công nghệ thông tin và truyền thông (RESTRICT) do thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, và thượng nghị sĩ Cộng hòa John Thune soạn thảo.
Dự luật sẽ "giải quyết toàn diện mối đe dọa từ công nghệ của các đối thủ nước ngoài, như TikTok", theo thông cáo của văn phòng ông Warner ngày 6/3. Nhóm nghị sĩ dự kiến công bố dự luật RESTRICT ngày 7/3.
Trả lời phỏng vấn Fox News hôm 5/3, ông Warner cho biết RESTRICT cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden cấm hoặc hạn chế công nghệ nước ngoài khi cần thiết. Khi được hỏi dự luật có liên quan TikTok không, ông Warner xác nhận.
"100 triệu người Mỹ sử dụng TikTok 90 phút mỗi ngày", thượng nghị sĩ này nói. "Họ đang lấy dữ liệu từ người Mỹ, không giữ nó an toàn. Nhưng điều khiến tôi lo ngại hơn là TikTok có thể trở thành công cụ tuyên truyền".
Người phát ngôn Nhà Trắng nói chính quyền ông Biden "đang làm việc với quốc hội" nhưng từ chối cho biết Washington có ủng hộ dự luật của các thượng nghị sĩ hay không.
Thượng nghị sĩ Mark Warner trả lời báo giới tại Đồi Capitol, Washington, Mỹ ngày 14/2. Ảnh: Reuters
TikTok đang đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng của phương Tây trong những tháng gần đây vì lo ngại Bắc Kinh có thể thu thập dữ liệu người dùng.
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện ngày 1/3 thông qua Đạo luật răn đe đối thủ công nghệ của Mỹ (DATA), cũng cho phép chính quyền ông Biden cấm TikTok cùng các ứng dụng đe dọa an ninh quốc gia. Phe Dân chủ tại Hạ viện phản đối DATA, cho rằng động thái này "vội vàng" và cần được tham vấn kỹ càng với các chuyên gia.
DATA cần được thông qua trước toàn thể Hạ viện và Thượng viện trước khi trình lên ông Biden ký ban hành. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul, thành viên đảng Cộng hòa, kỳ vọng Hạ viện sẽ bỏ phiếu về DATA trong tháng 3.
TikTok cho rằng Mỹ cấm ứng dụng đồng nghĩa "cấm xuất khẩu văn hóa và các giá trị của Mỹ đến hàng tỷ người đang sử dụng dịch vụ của chúng tôi trên thế giới".
Trung Quốc cáo buộc Mỹ lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia để triệt hạ công ty nước ngoài. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 6/3 nói ý định thực sự của Mỹ là "tước quyền phát triển của Bắc Kinh, duy trì bá quyền của họ".
Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan quyền lực về an ninh quốc gia, hồi năm 2020 nhất trí khuyến nghị ByteDance, công ty Trung Quốc sở hữu TikTok, thoái vốn khỏi ứng dụng vì lo ngại dữ liệu người dùng có thể bị thu thập trái phép để chuyển cho chính phủ Trung Quốc.
TikTok và CFIUS đã đàm phán hơn hai năm về các yêu cầu bảo mật dữ liệu. TikTok cho biết họ đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho các nỗ lực đảm bảo an ninh dữ liệu và bác bỏ cáo buộc do thám.
Như Tâm (Theo Reuters, Bloomberg)