Ngày 1 tháng 7 năm 2025, cùng ngày bộ máy hành chính mới được tuyên bố “tinh giản, hợp nhất, đại cải cách”, một sự việc dở khóc dở cười đã xảy ra, gây xôn xao dư luận:  Tỉnh Quảng Trị có hơn 1 tỷ 875 nghìn dân.

1 Ba Le Thi Thuy Va Bai Hoc Cay Dang Ve Cai May Doc Vo Hon Trong Cai Cach Hanh Chinh

Sự cố hy hữu của bà Lê Thị Thủy

Bà Lê Thị Thủy, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, Thạc sĩ Luật, và cựu giảng viên Trường Hành chính Nghệ An, đã công bố một con số khiến nhiều người sửng sốt: tỉnh Quảng Trị có hơn 1 tỷ 875 nghìn dân.

Gần 1 tỷ người!

Một con số khổng lồ, tương đương dân số của hầu hết Đông Nam Á (trừ Indonesia), cộng thêm dân số của cả Triều Tiên và ba nước Bắc Âu (Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển).

Phát ngôn này nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán xôn xao trên mạng xã hội, không phải vì sự vĩ đại, mà vì tính chất… thảm họa của nó. Nếu đây là lời nói của một cán bộ trẻ, thiếu kinh nghiệm, người ta có thể bỏ qua với một nụ cười.

Nhưng với một người từng giữ trọng trách cao trong hệ thống kiểm tra, thanh tra luật pháp, từng giảng dạy, thẩm định, và quyết định số phận chính trị của nhiều người, thì đây không chỉ là chuyện cười. Nó là hồi chuông cảnh tỉnh về năng lực lãnh đạo và trách nhiệm.

Sự sụp đổ toàn diện về năng lực và trách nhiệm

Sự việc này thể hiện rõ sự sụp đổ về năng lực điều hành, sụp đổ về văn hóa trách nhiệm, và sụp đổ về khả năng kiểm soát ngôn từ trước công chúng của bà Thủy.

Không phải do thiếu hiểu biết mà do sự lơ là, ỷ lại, đến mức bà đã trở thành một “cái máy đọc” vô hồn.

Tôi không tin bà Thủy không biết Việt Nam không thể có đến gần 1 tỷ dân. Với bề dày kinh nghiệm và thành tích đáng kể, bà hoàn toàn hiểu rõ điều đó.

Vấn đề nằm ở chỗ bà không hề nhận ra sai lầm của mình, không kiểm chứng thông tin, không hiểu mình đang nói gì, và quan trọng hơn, không tôn trọng những người đang lắng nghe. Sai lầm không chỉ nằm ở con số, mà nằm ở tư duy lãnh đạo đã bị “thư ký hóa” hoàn toàn.

Từ "cây đại thụ" thành "chuyện cười"

Bà Thủy, một người từng nắm giữ quyền lực lớn tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương – nơi có thể quyết định sự nghiệp chính trị của nhiều cán bộ, người từng tham gia thanh tra Chính phủ, nắm giữ thông tin mật về tiêu cực, tham nhũng, và người từng đứng đầu một tỉnh, điều hành toàn bộ bộ máy hành chính địa phương, chỉ trong 30 giây ngắn ngủi, đã biến tất cả thành trò hề.

Bà không kiểm chứng, không suy nghĩ, không nhận thức được mình đã nói gì. Bà đã quá quen với việc “nói mà không cần hiểu”, “chỉ đạo mà không cần nghiên cứu”, “đọc mà không cần suy nghĩ”.

Cải cách hành chính: Tinh giản, nhưng đừng quên tinh lọc

Cả nước đang trong quá trình cải cách hành chính, bộ máy được tái cơ cấu, tinh gọn.

Những khẩu hiệu đầy khí thế như “đổi mới”, “sắp xếp giang sơn”, “tái định hình chiến lược địa phương” được nhắc đến nhiều.

Nhưng nếu không lọc bỏ những “cái máy đọc” có bằng cấp, có học hàm nhưng thiếu năng lực, thì toàn bộ bộ máy vẫn chỉ là một cỗ xe mục ruỗng được khoác lớp sơn hào nhoáng.

2 Ba Le Thi Thuy Va Bai Hoc Cay Dang Ve Cai May Doc Vo Hon Trong Cai Cach Hanh Chinh

Hiện nay, người ta nói nhiều về trí tuệ nhân tạo, nhưng ở đây, ta đang đối mặt với “hành chính nhân tạo”: quan chức không tự suy nghĩ, để trợ lý viết; không tự hiểu, chỉ học thuộc; không tự nói, chỉ cắm mặt đọc.

Nếu cứ tiếp tục như vậy, bộ máy hành chính sẽ vận hành theo kiểu: một đám người không suy nghĩ đang chỉ đạo một đám người không hiểu biết, và tất cả đều thiếu trách nhiệm.

Bài học đắt giá từ một con số sai lệch

Trong các nền dân chủ thực sự, một sai lầm như vậy sẽ khiến một chính trị gia mất ghế ngay lập tức. Không phải vì sai lầm, mà vì sự coi thường công chúng.

Ở Việt Nam, sau sự cố, báo chí im lặng, không có lời xin lỗi, không có đính chính.

Chỉ có mạng xã hội phản ứng dữ dội, người dân hoang mang, và những người hèn nhát tiếp tục viết diễn văn cho lãnh đạo đọc.

Tôi không muốn xúc phạm bà Thủy, nhưng tôi muốn đặt câu hỏi thẳng thắn: Bà còn xứng đáng đại diện cho ai? Còn xứng đáng điều hành điều gì?

Khi bà còn không biết chính xác số dân của tỉnh mình phụ trách, thì làm sao bà có thể đưa ra quyết sách đúng đắn về đất đai, ngân sách, y tế, giáo dục?

Tinh giản mà không tinh lọc, bộ máy chỉ chuyển từ “nhiều người bất tài” sang “ít người bất tài hơn chút”.

Cải cách không chỉ dừng lại ở việc sáp nhập tỉnh thành, bỏ cấp huyện… Nó phải bắt đầu từ… khối óc của người lãnh đạo.

Tinh gọn bộ máy ư?

Nên chăng cần ngăn chặn những ông  quan đã hoặc đang trở thành cái máy đọc vô hồn này? 

Thu Phương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC