Trường Đại học Flinders, Đại học Adelaide và Đại học South Australia đã cập nhật chính sách cho phép sinh viên sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) dưới sự kiểm soát chặt chẽ.

1 Truong Dai Hoc O Australia Cho Phep Sinh Vien Su Dung Tri Tue Nhan Tao

Sự ra đời và phát triển của AI là một xu thế không thể ngăn chặn (Ảnh: Pexels).

Sự ra đời của ChatGPT, một chatbot xử lý ngôn ngữ theo cách rất giống với con người, đã làm dấy lên lo ngại rằng sinh viên sẽ sử dụng nó để viết luận văn và làm bài tập.

Phó hiệu trưởng của Đại học Flinders, Giáo sư Romy Lawson, cho biết: "Tôi lo ngại về sự xuất hiện của các trình tạo văn bản ngày càng phức tạp. Chúng dường như có thể tạo ra những nội dung rất thuyết phục và rất khó bị phát hiện bởi những công cụ chống đạo văn".

"Tuy nhiên, thay vì cấm sinh viên sử dụng những chương trình AI như vậy, chúng tôi mong muốn có thể tạo điều kiện cho sinh viên sử dụng các công cụ kỹ thuật số để bổ trợ cho việc học", bà nói.

Đồng tình với quan điểm trên, Vitomir Kovanovic - một giảng viên cấp cao về tương lai giáo dục của Đại học South Australia cũng cho rằng tất cả các trường đại học nên cho phép AI (trí tuệ nhân tạo) và dạy sinh viên cách sử dụng nó.

"Bạn không thể ngăn chặn AI. Và ngay cả khi bạn có thể, đó chỉ là một giải pháp tạm thời. Thay vào đó, bạn nên dạy sinh viên cách sử dụng nó bởi dù sao thì họ cũng sẽ sử dụng nó khi đi làm", ông chia sẻ.

Giảng viên này cũng nói thêm rằng, việc các trường đại học cập nhật chính sách cho phép sử dụng AI sẽ chỉ là một giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, họ sẽ cần phải thay đổi trong cách đánh giá sinh viên cũng như tích hợp AI vào quy trình đào tạo.

Ông so sánh điều này giống như sự ra đời của máy tính - một thứ được dùng để giúp học sinh học toán mà không cần dành thời gian cho những phép tính phức tạp, từ đó cho phép giáo viên đặt ra những bài toán phức tạp hơn.

Nhóm G8 (tám trường đại học hàng đầu nước Australia) cho biết, họ sẽ tăng tần suất sử dụng các bài kiểm tra bằng bút và giấy trong năm nay. Tuy nhiên, cuối cùng họ vẫn phải thiết kế lại cách thức đánh giá mới để đối phó với AI.

Chuyên gia AI của Đại học Charles Darwin - Stefan Popenici cũng cho rằng, việc chấp nhận sử dụng AI trong môi trường đại học là "cách duy nhất".

"Điều này chắc chắn sẽ xảy ra, dù chúng ta muốn hay không. Có rất nhiều cách để sử dụng công nghệ cho những mục đích tốt. Đây là những gì mà giáo dục đại học nên hướng tới", Darwin nói.

Do đó, vị chuyên gia này cũng đánh giá động thái của các trường đại học tiên phong trong việc cho phép sinh viên sử dụng AI tại Úc là "một bước đi đúng hướng".

Tuy nhiên, một vấn đề mà các trường đại học cần quan tâm và giải quyết đó là sử dụng AI làm sao để nó không trở thành một hình thức gian lận. Các trường đại học tại Australia đang nỗ lực cập nhật hướng dẫn về tính trung thực trong giáo dục và thảo luận về sự phát triển của AI cũng như cách tiếp cận nó.

Đại học Sydney đề cập cụ thể đến việc sử dụng AI như một hình thức gian lận. Tuy nhiên, cuối cùng, phát ngôn viên của họ cho biết việc dạy sinh viên cách sử dụng AI vẫn là điều cần thiết.

Sally Brandon - giảng viên truyền thông tại Đại học Deakin đã phát hiện ra rằng gần 1/5 số bài đánh giá mà ông nhận được có sử dụng AI. Điều này đã khiến nhiều người lo ngại rằng việc sử dụng công nghệ nhân tạo để gian lận trong các kỳ thi sẽ ngày càng phổ biến.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC