Chật vật làm thêm
Được người quen giới thiệu, bà Đỗ Thị Ngân (ở Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đã nhận trông trẻ cho gia đình ở Hà Nội. Hằng ngày, công việc của bà là trông cháu nhỏ, chăm sóc và cho ăn uống. Tuy luôn chân, luôn tay, nhưng công việc này cũng giúp bà có một khoản kha khá "dắt túi".
Nhìn cách bà chăm sóc trẻ chu đáo, tận tình, hỏi ra mới biết, bà từng có hơn 30 năm gắn bó với công việc này tại trường mầm non Thiệu Tân. Bắt đầu đi dạy từ năm 1982, đến năm 2018 bà có quyết định nghỉ hưu với đồng lương hưu ít ỏi.
"Với số tiền 1,6 triệu đồng/tháng, có ăn dè, hà tiện cũng không đủ", bà Ngân phải thốt lên như vậy. Gia đình con cái đã trưởng thành, song với đồng lương hưu hơn 1 triệu đồng không thể thấm thoắt vào đâu khi còn quá nhiều khoản chi tiêu trong cuộc sống hằng ngày.
Lương hưu thấp, bà Ngân phải làm thêm công việc trông trẻ.
Chính vì vậy, bà quyết định đi làm thêm công việc là sở trường của mình. Dù có vất vả, nhưng số tiền đó giúp bà chi tiêu rộng rãi hơn và có tiền tích lũy, phòng lúc bệnh tật ốm đau.
Đã nghỉ hưu cách đây 10 năm, bà Lê Thị Bình từng là giáo viên trường mầm non Thiệu Đô (Thanh Hóa) vẫn nhớ y nguyên tháng lương hưu đầu tiên chỉ được 420.000 đồng. Sau hàng chục lần tăng lương hưu, hiện nay bà mới nhận được mức 1,6 triệu đồng/tháng.
Theo bà Bình, nếu ở quê trồng được lúa, rau, nuôi con gà, thì số tiền trên cũng đủ đề mua đồ ăn, thức uống khác trong tháng. Song cuộc sống đâu chỉ có ăn uống mà còn hàng trăm thứ phát sinh khác như ma chay, cưới hỏi, cỗ bàn.
Vẫn còn sức khỏe, bà Bình nhận làm thêm phục vụ tại một quán ăn gần nhà. Tháng thêm đôi ba triệu từ công việc này cũng giúp bà có tiền chi tiêu thỏa mái hơn.
TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, thực tế, có một bộ phận người về hưu nhận lương hưu thấp. Nguyên nhân là do thời gian dài đã quy định việc đóng bảo hiểm xã hội dựa trên một nền tiền lương và nền tiền lương ấy quá thấp.
Nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là có đóng có hưởng, đóng thấp hưởng thấp, đóng cao hưởng cao, không đóng không hưởng. Vì thế, người lao động đóng thấp sẽ hưởng mức lương hưu thấp.
Sửa luật để người nghỉ hưu có lương cao hơn
Không chỉ nhóm lao động này, một số lao động làm trong các doanh nghiệp cũng đang đóng mức bảo hiểm xã hội khá thấp. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhận được phản ánh, ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại 3 loại thu nhập, bao gồm thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, thu nhập để doanh nghiệp thực hiện quyết toán và thu nhập thực tế chi trả cho người lao động.
Trong khi đó, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội luôn ở mức thấp nhất, bằng mức lương tối thiểu vùng, cộng 7% đối với các lao động đã qua đào tạo nghề và công thêm 5% hoặc 7% đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là chế độ hưu trí khi về già.
Người dân nhận lương hưu hàng tháng.
Chính vì vậy, Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến đưa ra 2 phương án quy định về tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, áp dụng cho lao động có chế độ tiền lương do chủ sử dụng quyết định.
Song nhiều đơn vị đề xuất tiền lương đóng bảo hiểm xã hội ít nhất bằng70% tổng thu nhập. Đơn cử, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đề xuất sửa đổi căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong trường hợp người lao động hưởng lương do thỏa thuận với người sử dụng lao động thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động.
Theo Bảo hiểm xã hội Hà Nội đề xuất, Chính phủ sẽ quy định chi tiết tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động quy định. Từ đó, đảm bảo tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí