Ai cũng nói rằng trường học là nơi cung cấp cho chúng ta kiến thức để sau này thoả sức tung cánh ngoài trường đời.
Điều này phần nào đúng, trường học dạy cho con người những kiến thức cơ bản, khái niệm chuyên môn và một số kiến thức nâng cao để áp dụng cho cuộc sống sau tốt nghiệp, thế nhưng đó không phải là tất cả.
Đối với rất nhiều người, kiến thức học được trong trường không đúng với thực tế, số còn lại thì quên quá nhanh những gì mình được đào tạo khi còn ngồi giảng đường.
May thay, Paul Ellsworth, blogger và là một giảng viên đã cho rằng đôi khi trường học không phải là nơi duy nhất cho chúng ta kiến thức cũng như những gì ta cần trong cuộc sống. Ông cho rằng có những thứ miễn phí ngoài kia còn tốt hơn kiến thức trong trường rất nhiều.
1. Sách vở
Chẳng phải trên trường lớp chúng ta cũng học từ kiến thức trong sách vở đó thôi? Số lượng giáo trình trên trường giới hạn trong khi ngoài cuộc sống, sách là nguồn tài nguyên dồi dào để tích luỹ kiến thức cho mỗi người.
Không biết chọn sách nào để đọc?
Hãy tìm những chủ đề hay vấn đề mà bạn quan tâm, thấy thích thú. Ví dụ bạn thích tìm hiểu về kinh tế, hãy mua những cuốn sách liên quan, hãy đọc tới khi nào vấn đề ban đầu được giải quyết thì thôi. Trong sách vở là nghiên cứu kéo dài của những chuyên gia, những người đi đầu trong các lĩnh vực đó, hãy tin họ đi.
2. Bạn bè
Bạn bè là mối quan hệ và là thứ có tầm ảnh hưởng to lớn hơn bất kì thứ gì trường lớp có thể có. Những người bạn có thể đưa bạn tới an toàn khi gặp khó khăn, họ sẽ nâng đỡ bạn khi bạn gục ngã. Họ sẽ cho bạn những cơ hội chẳng ai cho bạn và họ sẽ nói cho bạn biết những gì bạn cần nghe.
Paul cho rằng chọn một người bạn sai chẳng khác gì tự hoại, bạn sẽ làm mọi thứ theo bản năng hoặc người bạn kia chẳng đưa được lời gợi ý nào chính xác.
3. Chuyên gia, những người có kinh nghiệm
Học trong trường ai chẳng muốn ra làm đúng ngành đúng nghề. Thế nhưng, muốn là vậy, thực tế hoàn toàn khác. Thời điểm bắt đầu công việc, mọi thứ với bạn rất mơ hồ, lạc lõng do nó khác xa những gì học trong trường. Nếu thật sự muốn tìm hiểu về công việc, định hướng trong nghề, hãy hỏi những người đi trước, những người có kinh nghiệm. Tuyệt vời nhất là hỏi những chuyên gia trong lĩnh vực ấy để xem một ngày của họ diễn ra như thế nào.
4. Quản lý cảm xúc
Trong trường học, chúng ta có quá ít va chạm xã hội như đời thật. Sự giành giật, cạnh tranh trong trường học không lớn như ngoài đời. Bạn cần để ý tới tâm trạng bản thân và suy nghĩ của chính mình trong từng giai đoạn sống. Cảm xúc giống với một chiếc đèn báo hiệu, cảnh báo bạn về những thứ bạn cần dành thời gian nhiều hơn.
Rất nhiều thứ diễn ra, mọi thứ thay đổi liên tục sẽ dạy cho bạn cách quản lý, làm chủ cảm xúc bản thân. Từ đó bạn sẽ hiểu được mình đang muốn gì cũng như tránh được những suy sụp tâm lý chẳng ai muốn gặp.
5. Quản lý sức khoẻ
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, rất nhiều người coi thường sức khoẻ, tàn phá chính bản thân mình bởi những thói quen rất "sinh viên". Khi ra trường đời, không có sức khoẻ, con người chẳng có gì cả. Một người ốm yếu sẽ vất vả trên quá trình xây dựng ước mơ.
Hãy tập thể dục thường xuyên, có chế độ ăn hợp lý và làm mọi việc đúng giờ.
6. Sự sáng tạo
Trong trường học, chúng ta bị giập khuôn, giống người khác, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân bị hạn chế. Thế nhưng, sáng tạo cũng giống với cơ bắp vậy, khi ra trường đời hãy luyện tập nó, cải thiện những hoạt động trong công việc hay cuộc sống hàng ngày. Càng sử dụng, sự sáng tạo sẽ càng được nâng cao.
Từ nấu nướng, vẽ tranh cho tới xây dựng những mô hình kĩ thuật phức tạp, hãy thoả sức sáng tạo những gì đang nung nấu vì biết đâu tương lai của bạn sẽ phụ thuộc vào nó.
7. Cống hiến
Suy cho cùng, toàn bộ kiến thức, sự sáng tạo và nỗ lực của bạn đều được sử dụng để kết nối với người khác, giúp đỡ người khác và giúp đỡ chính bản thân mình. Quyền hạn đi đôi với trách nhiệm, hãy sử dụng nó để tất cả mọi người cùng mỉm cười.
Kết
Đại học không phải là thứ ai cũng cần, nên trải qua, thế nhưng nó là một trong những con đường đơn giản nhất để gặt hái những thứ chúng ta không thể với tới. Nếu không học đại học, chẳng sao cả, tìm cho mình một con đường riêng. Thế nhưng nếu đã hoàn thành đại học, bạn vẫn nên sử dụng những kiến thức phía trên để bổ sung thêm cho bản thân mình.
Nguồn: Trí Thức Trẻ