Nhưng khi đạo đức xã hội suy đồi, kẻ tranh người đoạt, thì mỹ nhân lại trở thành nạn nhân của bạo chúa, cường quyền, chỉ vì thỏa mãn ham dục mà gây hại bao người.
Vua chết, trung thần bị tru di tam tộc vì một mỹ nhân
Nguyễn Thị Lộ sinh tại làng Hải Hồ (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Nhờ tư chất thông minh, lại được cha cho đi học, nên bà sớm thông hiểu các kinh sách và lại biết làm thơ. Ngoài ra, bà còn nổi tiếng là một người con gái rất xinh đẹp.
Sau khi cha đi phu bị quân Minh giết chết, bà cùng mẹ tần tảo nuôi dạy các em. Trong một lần lên kinh thành Thăng Long bán chiếu, Nguyễn Thị Lộ đã gặp Nguyễn Trãi. Thấy cô gái bán chiếu trẻ đẹp, ông đã xướng mấy câu thơ trêu ghẹo, vì bà đối đáp trôi chảy nên lại càng thêm yêu. Mến sắc, phục tài, Nguyễn Trãi bèn dò hỏi gia cảnh rồi cưới Nguyễn Thị Lộ làm thiếp.
Năm 1433, vua Lê Thái Tổ mất, thái tử Nguyên Long lên nối ngôi, tức là vua Lê Thái Tông. Nghe tiếng Nguyễn Thị Lộ, nhà vua cho vời bà vào cung để dạy dỗ cung nữ. Sử thần Phan Huy Chú chép: “Khi ông (Nguyễn Trãi) lo việc nước, những chiếu thư, từ mệnh (Nguyễn Thị Lộ) đều được dự nhuận sắc. Thái Tông nghe tiếng, vời nàng về hầu cho làm Lễ nghi học sĩ”.
Ngày 4 tháng 8 âm lịch năm 1442, nhà vua và đoàn tùy tùng đến Lệ Chi Viên (Gia Bình, Bắc Ninh), trong đó có Nguyễn Thị Lộ. Theo sử cũ, thì nhà vua đã thức đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà. Liền sau đó, bà Lộ bị triều đình sai người bắt giam và tra khảo. Bị kết tội đồng chủ mưu giết vua, Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc.
Sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Ngày 16, giết hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ. Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị. Đến đây, vua đi tuần về miền Đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bạo bệnh mà mất, cho nên Trãi bị tội ấy. Lời bàn: Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó làm thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư?”.
Nguyễn Thị Lộ được tái hiện trên sân khấu kịch. (Ảnh: eva.vn)
Chiến tranh “Tam quốc” vì một mỹ nhân
Thời Xuân Thu, Tức phu nhân xuất thân từ gia đình quý tộc nước Trần họ Quy, được gả cho Tức hầu, quốc quân nước Tức làm vợ. Tức phu nhân có dung mạo chim sa cá lặn, tuyệt sắc khuynh thành. Nhưng chính sắc đẹp của bà đã dẫn đến cuộc chiến giữa ba quốc gia, và dẫn đến sự diệt vong của nước Tức.
Chị gái của Tức phu nhân được gả đến nước Thái. Có lần vợ chồng Tức Quy ra ngoài, mượn đường nước Thái, bà đã bị Thái hầu, người anh rể vốn thèm muốn nhan sắc bà trêu ghẹo. Về nhà bà kể lại với chồng, nhưng vì Tức hầu quốc lực nhỏ yếu, không dám giao tranh với nước Thái, bèn cầu cứu nước Sở hùng mạnh trợ giúp, liên kết tiêu diệt nước Thái.
Thái hầu mất nước ôm hận trong lòng, tiết lộ cho Sở vương rằng Tức Quy đẹp như thế nào. Sở vương giả ý đi thăm bạn đồng minh, mở tiệc thết đãi Tức hầu, ông ta mê mẩn trước sắc đẹp của Tức Quy, lập tức xuất binh tiêu diệt nước Tức, đồng thời bắt Tức hầu làm lính gác thành.
Tức phu nhân vì bảo toàn tính mệnh của chồng và bách tính nước Tức, bị ép cải giá lấy Sở Văn Vương. Trong 3 năm, Tức phu nhân đã sinh cho Sở vương 2 người con, nhưng không hề nói một lời với Sở vương. Bị Sở vương truy vấn, Tức phu nhân chỉ đáp: “Tôi là một người phụ nữ mà thờ hai chồng, đã không thể chết được, sao có thể nói đây?”.
Lúc này quốc quân nước Tức là viên tiểu lại giữ cổng thành của đô thành nước Sở, mà Tức phu nhân tuy nhận được muôn vàn sủng ái, nhưng trong tim bà không giờ phút nào không nhớ đến người chồng của mình.
Mùa thu năm nọ, Sở Văn Vương ra ngoài thành săn bắn, dự tính sau 2, 3 ngày mới hồi cung. Tức phu nhân nhân cơ hội này lẳng lặng chạy đến cổng thành gặp chồng mình. Hai người nhìn nhau, cứ ngỡ trong mộng. Thấy chồng trên mặt đầy tang thương, quần áo cũ kỹ rách rưới, Tức phu nhân khóc không thành tiếng, ôm chặt lấy chồng nói: “Thiếp trong cung Sở, nhẫn nhục sống, ban đầu chính là để bảo toàn tính mệnh quân hầu, sau này là để gặp quân hầu”.
Quốc quân nước Tức nói bi thương: “Trời xanh thương xót chúng ta để có ngày gặp lại, ta cam tâm làm viên tiểu lại giữ cổng thành, chẳng phải là chờ đợi cơ hội gặp lại phu nhân đó sao?”.
Tức phu nhân tình sâu nghĩa nặng nhìn quốc quân nước Tức nói: “Nay nguyện ước của thiếp đã thành, sẽ không sống trên đời này nữa, chúng ta tiếp nối duyên xưa ở kiếp sau đi!”. Dứt lời, bà liền dốc hết sức lao đầu vào bức tường thành. Quốc quân nước Tức ngăn không kịp, mắt nhìn vợ mình ngọc nát hương tan, đau lòng khôn xiết. Để báo đáp tình sâu nghĩa nặng của phu nhân, quốc quân cũng lao đầu vào thành mà chết.
Tức phu nhân có dung mạo chim sa cá lặn, tuyệt sắc khuynh thành. Nhưng chính sắc đẹp của bà đã dẫn đến cuộc chiến giữa ba quốc gia, và dẫn đến sự diệt vong của nước Tức. (Ảnh minh họa: dramapanda.com)
Sắc không nổi sóng mà dễ nhấn chìm người
Trên đầu chữ Sắc (色), vốn đã chứa đao (刀). Xưa nay bao bậc anh hùng cái thế, tài năng trác việt đã thân bại danh liệt, nước mất thân tàn vì nữ sắc. Lại có câu nói rằng: “Sắc bất ba đào dị nịch nhân” (sắc không nổi sóng mà dễ nhấn chìm người), đủ để thấy được cạm bẫy của nữ sắc.
Trụ vương có sức mạnh địch vạn người, giết gấu đánh hổ, hùng tài cái thế, chính là một minh quân. Nhưng chỉ vì mê đắm nữ sắc nên đã buông thả sắc dục, phỉ báng Thần linh, đặt hình phạt nướng chết để chặn lời can gián, giết vợ giết con, diệt nhân luân tông miếu, đặt các bồn bò cạp ăn thịt người trong cung, giết chư hầu, thất tín thiên hạ.
Ông ta còn dựng các kho lẫm vơ vét của cải thiên hạ, ức hiếp vợ kẻ bề tôi, không mảy may liêm sỉ, tàn sát bạo ngược sinh mệnh để mua vui, tuyệt diệt dòng dõi của muôn họ. Tội ác tày trời ấy, khiến Trời không dung, Đất không tha, cuối cùng Trụ vương nhìn quân của Chu Võ vương tiến vào Triều Ca, lên Lộc Đài tự sát.
Hạng Vũ sau khi đánh đổ nhà Tần, cô lập Lưu Bang ở Hán Trung, lên ngôi trị vì thiên hạ. Hạng Vũ vui cùng mỹ nhân Ngu Cơ, cả ngày yến tiệc, ca múa với mỹ nhân, ý chí suy kiệt, khiến ông phải tự sát mặc dù đã thoát sang bờ kia sông Ô Giang và còn trong tay cả vùng Giang Đông rộng lớn.
Giới sắc: Phúc – Thọ vẹn toàn
Thời Địch Nhân Kiệt còn trẻ, phong thái tao nhã quý phái, mặt mũi thanh tú, tướng mạo khôi ngô. Trên đường đi thi ông thuê một căn phòng nhỏ. Đêm khuya tĩnh lặng ông chong đèn đọc sách, đột nhiên một thiếu phụ kiều diễm bước vào phòng. Hóa ra là con dâu chủ nhà trọ, nàng mới kết hôn không lâu nhưng chồng nàng đã qua đời.
Ban ngày gặp Địch Nhân Kiệt tuấn tú phi phàm, xuân tình thức dậy khó kiềm chế bản thân, nàng đợi đến canh thâu mượn cớ xin lửa tới dẫn dụ Địch Nhân Kiệt. Địch Nhân Kiệt không những giữ vững lòng thanh khiết, không mảy may động tà niệm, mà còn khéo léo nói cho cô gái biết thủ tiết, khiến cô cảm động rơi lệ. Địch Nhân Kiệt nổi tiếng thanh liêm, trong sạch, sau này làm quan đến chức tể tướng.
Địch Nhân Kiệt nổi tiếng thanh liêm, trong sạch, sau này làm quan đến chức tể tướng. (Ảnh: wikipedia.org)
Bao Hoành Trai, thân thể cường tráng, tinh lực hơn người, năm ông 85 tuổi còn được bái làm tể tướng. Giả Tự Đạo cho rằng ông ắt hẳn có diệu thuật dưỡng sinh nào đó, bèn tới thỉnh giáo ông. Bao Hoành Trai nói rằng: “Tôi có một bài thuốc hoàn tử, là bài thuốc bí truyền không truyền ra ngoài”. Giả Tự Đạo nóng lòng hỏi là thuốc hoàn tử gì, Bao Hoành Trai thong dong nói rằng: “Là do ta may mắn uống viên ‘ngủ một mình’ đã 50 năm rồi!”. Những người ngồi tại đó lúc bấy giờ đều cười sảng khoái.
Cổ nhân có câu: “Vạn ác dâm vi thủ” (vạn ác dâm là đầu). Nếu một người không thể buông bỏ những vấn đề về sắc dục, thì ắt sẽ rơi vào đường ác. Còn người tu luyện trong lòng còn sắc dục, mắt háo sắc đảo điên, ắt là kẻ giả tu, làm bại hoại chốn linh thiêng, chính là kẻ đại ác.
Xã hội hiện đại, đạo đức suy đồi, cảnh khêu gợi có ở khắp nơi. Từ tranh sách, đến TV, phim ảnh, cho tới biển quảng cáo ngoài đường, hay một số cô gái ăn mặc hở hang trên phố, cũng dễ khiến người ta nổi tâm sắc dục. Khi chưa đạt được cảnh giới bất động tâm trước mọi cám dỗ sắc dục thế gian thì biện pháp hữu hiệu nhất là:
“Bớt nghe, bớt nói, bớt nhìn
Để tâm thanh tịnh, cho mình bình an.”
Anh hùng khó qua ải mỹ nhân, vượt qua được mới đích thị bậc anh hùng.
Nguồn: Nam Phương
DKN.TV