Tôi ở bệnh viện tỉnh, mấy hôm vừa rồi loanh quanh trong cái khuôn viên này, quan sát từng li từng tí.... Ở đây tôi gặp một chị lao công, suốt ngày quét dọn lau rửa. Cái khoa mà tôi đang "đóng đô" này, nó sạch sẽ đến mức tôi thường bỏ giày và đi bộ khắp các phòng và hành lang, bàn chân mát rượi, phải gọi là "sạch bong kin kít".
Tôi hỏi chị, chị làm đây lương được bao nhiêu một tháng? "Bốn triệu hai". "Còn có thêm khoản gì không chị?". "Không, thi thoảng gom được được ít vỏ chai nhựa, vỏ hộp sữa bán đồng nát". "Mỗi ngày mấy tiếng?". "8 tiếng". "Chị có làm thêm việc gì khác nữa không?". "Ở nhà làm mấy sào ruộng thôi"....
Chị quê Quảng Xương, nhà cách nơi làm 15 cây số, hơn 4 năm nay, mơ sáng có mặt ở bệnh viện, chiều về lo cơm nước nhà cửa.
Trong cái bệnh viện này, cũng tùy khoa mà mức độ khắc nghiệt khác nhau, ví như khoa Tiết niệu thì quá tải, có lúc 2 đến 3 bệnh nhân chung một giường chỉ rộng 90cm, ngồi chứ chẳng có chỗ mà nằm. Chắc vì đông đúc, ngột ngạt và căng thẳng quá nên mặt y tá, điều dưỡng, lao công gì cũng đăm đăm, dễ gắt gỏng... Phần nữa là do lãnh đạo mỗi Khoa, nếu họ biết tôn trọng nhân viên, biết đồng cảm và chia sẻ, nỗ lực xây dựng văn hóa..., thì khó khăn sẽ cùng nhau vượt qua. Như nơi cái khoa mà tôi mới đến thì đỡ hơn, dễ thở hơn, và thấy ai cũng vui vẻ, niềm nở và thường rất ân cần, gần gũi. Ừ, có lẽ Nam Cao nói đúng, khi người ta khổ quá, họ đâm ra xấu tính, thậm chí độc ác nữa.
Chị lao công mà tôi đang kể, tôi hỏi chị, chị làm ở đây có gì khó chịu hay bất mãn không. Vừa mang bao tay, vừa ôm giẻ lau, chị nói "không, việc mình thì mình cứ làm thôi". "Thu nhập vậy, đủ sống không chị?". "Không đủ rồi cũng đủ, khi nào không trụ được nữa thì nghỉ, kiếm việc khác làm" - chị nói, ánh mắt tươi rói.
***
Quay lại với thu nhập thấp và dạy thêm.
Không ai ủng hộ một mức thu nhập thấp để phải sống thiếu thốn cả.
Chế độ tiền lương cần được cải cách mạnh mẽ để "giáo viên sống được bằng lương". Nhưng cũng nên sòng phẳng mà nói, lương giáo viên so với mặt bằng chung của xã hội không phải thấp nhất, thậm chí nằm trong nhóm cao.
Dạy thêm để kiếm miếng cơm vì đó là nhu cầu sinh tồn thì đành chấp nhận, nhưng hiện nay, rất nhiều người làm giàu từ công việc ấy, nhất là ở thành phố. Đó là lý do tại sao Hà Nội, TPHCM lại là điểm nóng bóng nhất cả nước về nạn này. Có những giáo viên, mỗi tháng kiếm cả trăm triệu từ học trò mình, vậy là vì mưu sinh hay vì lòng tham? Trong khi đó cũng chỉ có vài "môn chính" là dạy thêm được, chứ phần lớn giáo viên khác đâu có cơ hội ấy, vậy họ phải chết đói hết sao?
Dùng lương để biện minh cho nạn day thêm chỉ đúng phần nào, nhưng đó là chưa xét đến những mặt tiêu cực có tính phá hoại của nó đối với giáo dục quốc dân, đối với sự phát triển tình cảm, thể chất của học trò và với đạo đức xã hội nói chung.
Đó cũng là chưa xét đến việc giáo viên dạy thêm trong trường vừa ít tiền (do quy định) vừa phải cắt phần trăm cho ban giám hiệu nên chẳng được bao nhiêu; nhưng trong khi đó, các trung tâm/công ty bên ngoài móc nối với nhà trường để vào dạy thêm thì "hốt bạc". Đây là chỗ biến tướng trầm trọng nhất bây giờ, bên cạnh tình trạng một bộ phận giáo viên ép học sinh về nhà mình học.
Chị lao công mà tôi gặp ở bệnh viện, tôi thấy ở chị sự tận tụy và niềm vui phục vụ. Chắc chắn chị xứng đáng được nhận nhiều hơn đồng lương hiện tại. Nhưng trong hoàn cảnh này, không phải vì thế mà chị gây khó dễ hay tìm cách moi tiền bệnh nhân (tôi từng thấy có nhiều cách lắm, dù chỉ là lao công).
Nhà báo Thái Hạo