Chúng ta có quyền “nghèo” từ bây giờ đến khi 30 tuổi, sau đấy thì không được phép nghèo nữa.
Khi ta 20 tuổi, nếu như ta không có nổi một xu dính túi, ta chẳng có gì phải buồn phiền, bởi đấy là chuyện hết sức bình thường.
Ta có thể viện dẫn ti tỉ lí do để giải thích một cách hợp lí và đầy thuyết phục cho cái sự "nghèo" của mình.
Có thể do ta tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm chưa có nên nghèo, cũng có thể ta nghèo do lớn lên trong một gia đình không có mấy điều kiện…
Đến tuổi 30, nếu tiền chưa chảy vào túi, rất có thể do ta hãy còn nhiều trọng trách phải gánh vác trên vai, vì vậy vẫn có thể thông cảm được.
Nhưng nếu qua ngưỡng 30, ta vẫn không có tiền thì bắt buộc phải suy nghĩ lại. Ta có quyền "nghèo" từ bây giờ đến khi 30 tuổi, sau đấy thì không được phép nghèo nữa.
(1) 20 tuổi không có tiền? Quá đúng, không có gì phải bàn cãi!
Khi chúng ta 20 tuổi, đa số mới chập chững vào đời, bắt đầu xây những viên gạch đầu tiên để gây dựng sự nghiệp. Suy nghĩ của chúng ta tại thời điểm đó vẫn khá trong sáng, đơn thuần. Chúng ta đặt nhiều kì vọng vào công việc hiện tại, mong muốn trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Ta bước vào đời đầy kiêu hãnh, với niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng, chắc mẩm bản thân sẽ ngày càng kiếm được nhiều tiền, rồi dùng số tiền đó để phụng dưỡng cha mẹ, vun vén hạnh phúc của bản thân,…
Ước mơ đẹp bao nhiêu, thực tế lại phũ phàng bấy nhiêu.
Tiêu tốn biết bao thời gian mài đũng quần trên ghế nhà trường, trau dồi biết bao kiến thức, cuối cùng ta chỉ có thể áp dụng một lượng rất nhỏ những kiến thức đã học để đổi lại đồng lương khá "nhẹ nhàng".
Chúng ta lên thành phố kiếm tiền, thuê một phòng trọ diện tích không được nổi 15 m2 nhưng đã chiếm 1/3 tiền lương của ta.
Tuổi 20 đi làm, giấc mơ dần thu bé lại, suy nghĩ dần trở nên thực tế, chỉ cần đủ ăn đủ mặc, với ta thế là quá đủ.
Mặc dù cho rằng bản thân cực kì tiết kiệm, nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần mở ví ra, ta lại mắt tròn mắt dẹt, thở than một câu kinh điển: "Tiền đi đâu hết rồi?".
Tuổi 20 của chúng ta cứ thế trôi qua trong cơn khủng hoảng túng tiền. Hễ việc gì cần đến tiền để giải quyết, ta đều phải thoái lui bởi giải quyết không nổi.
Tự nhủ, vì khi ấy ta còn trẻ, ta luôn có cơ hội để thay đổi, để bứt phá. Ta có thể không sinh ra trong một gia đình lắm tiền nhiều của, nhưng nếu nỗ lực miệt mài, ta có thể thoát bóng "con nhà nghèo" trong một ngày không xa.
Ảnh minh họa: Marta Monteiro
(2) 27 tuổi chưa có tiền? Vẫn có thể thông cảm
Trong 3 đến 4 năm đầu làm việc, tiền lương cứ đều đều đi lên, ta bắt đầu tích luỹ được một số tiền nhất định. Thời huy hoàng của chùng ta đã đến!
Chúng ta mừng rỡ tạm biệt người bạn cùng phòng trọ năm nào, chuyển ra ngoài ở riêng. Ngày lễ tết, chúng ta đã có thể mua tặng ba mẹ những món quà đắt tiền, đón nhận sự ngợi khen, sự tự hào họ dành cho chúng ta.
Thời gian chầm chậm trôi qua, ta của tuổi 30 phải đối mặt với những khủng hoảng mới: Kết hôn, sinh con, mua nhà, tậu xe,…Vừa hí hửng nghĩ từ nay mình có thể tự chủ về tài chính, hiện thực lại vỗ vào ta một cú tát trời giáng.
Tiền lương tăng nhanh đến mấy, cũng không thể đuổi kịp tốc độ tăng nhanh như tên lửa của giá nhà. Tiền kiếm được một năm chưa chắc mua nổi nhà vệ sinh chuẩn "5 sao".
Thế là, lại một lần nữa, chúng ta lại lầm lũi đến nhà ba mẹ - nay đã tuổi già sức yếu – hổ thẹn chìa tay xin tiền. Ba mẹ ngay lập tức lấy toàn bộ số tiền họ dành dụm cả đời, không ngần ngại đưa cho chúng ta.
Đến lúc này bạn mới thấm thía tầm quan trọng của gia đình, bạn lại tự nhủ với bản thân, nhất định sau này sẽ kiếm thật nhiều tiền, rồi tặng ba mẹ bạn những tháng ngày ngập tràn hạnh phúc.
Tuổi 30, chúng ta có quá nhiều việc cần phải chi tiêu, vì vậy rất khó để dành dụm tiền. Ta thấy đời người thật vất vả, bởi vì ta đang ngày ngày cố gắng leo lên đỉnh cao của sự nghiệp.
(3) 30 tuổi vẫn không một xu dính túi? Thế thì đáng đời!
Về cơ bản, đời người từ khi bắt đầu cho đến khi đạt tuổi 30 đều phải trải qua vòng xoáy ốc như trên, nhưng điều đó không có nghĩa tất cả mọi người đều cứ thế mà nghèo mãi!
Khi ta qua 30 tuổi, tiền ta tích cóp được ngày một nhiều lên. Cuộc sống chúng ta dần ổn định, gánh nặng về tiền nhà, các khoản cần phải chi tiêu cũng dần dần được giảm nhẹ. Chất lượng cuộc sống dần dần được cải thiện, một số người trong chúng ta thậm chí còn có thể sống trong ngôi nhà khiến nhiều người phải ghen tị.
Đương nhiên, viễn cảnh tươi đẹp này sẽ thành hiện thực nếu bạn là người có trình độ, chân bạn luôn đứng vững ở trên mặt đất, và bạn luôn tỉnh táo, linh hoạt tuân theo luật chơi mà cuộc đời dành cho bạn.
Nếu bạn cứ mãi ngây ngô, cố giữ cho mình sự trong sáng ngây thơ của tuổi trẻ, tới 30-35 tuổi nghèo rớt mồng tơi, bạn chỉ có thể đổ lỗi cho bản thân mình mà thôi.
Khi con người bước vào độ tuổi trung niên, hầu như mọi cánh cửa việc làm đều đã khép lại. Hầu hết các công ty chỉ tuyển dụng những người có độ tuổi từ 30 trở xuống. Những công việc có thu nhập khá, đòi hỏi trình độ, cũng chỉ dành cho những người từ 40 đổ về. Nếu như hồi trẻ, kinh nghiệm làm việc tích luỹ không đủ, bạn chỉ còn cách cúi đầu chịu thua cuộc đời.
Càng về già, bạn sẽ không còn dũng cảm và liều lĩnh như hồi còn trẻ, mắc kẹt giữa vòng xoáy của cuộc đời. Cuộc sống bạn đang có khác hẳn cuộc sống bạn hằng mong muốn. Bạn không được làm công việc mình thích, không thể làm được việc mình muốn làm, chỉ có thể cẩn thận gói ghém ước mơ của mình và gửi cho những đứa con thơ.
Rồi sẽ đến lúc người nhà quở trách bạn chẳng làm được việc gì.
Rồi sẽ đến lúc ba mẹ bạn đổ bệnh mà không có tiền để chữa trị.
Rồi sẽ đến lúc đối thủ cạnh tranh vượt qua và bỏ xa bạn.
Rồi sẽ đến lúc một nửa của bạn ngán ngẩm và rời xa bạn.
Rồi sẽ đến lúc bạn thấy mình của tuổi 40 chả có gì thú vị để nói.
Rồi sẽ đến lúc chả còn ai thương xót bạn.
Và rồi cuối cùng, bạn nhìn quanh, và chả còn thấy nổi hình bóng một ai ở bên.
Đến tầm tuổi 40, bức hoạ cuộc đời về cơ bản đã được định hình. Mỗi người giữ trong tay một bức hoạ của riêng mình. Có người nắm trong tay bức hoạ vẽ những biệt thự rộng lớn, với những tiện nghi khang trang, người sống trong nhà mỉm cười hạnh phúc.
Lại có người cầm bức hoạ nhàu nát, miêu tả một ngôi nhà xuề xoà, lụp xụp, với những lớp vữa bong tróc, rải rác xung quanh vật dụng hỏng hóc,…
Nhưng đáng sợ nhất vẫn là, người cầm tờ giấy trắng tinh, lại tự nhủ mình đang sở hữu một bức hoạ cực hiếm mà chả mấy người có được…
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả
Nguồn: Đình Trọng
Tri thức Việt Nam