Hòa, chính là thứ có thể hóa giải mọi bất hoà. Tĩnh, là khi tư duy đã vượt qua khổ nạn mà vẫn giữ được sự thư thái.
Dùng hòa khí để đối đãi với người khác
Trong “Trung Dung” viết rằng: “Hỉ nộ ai lạc chi vị phát, vị chi trung, phát nhi giai trung tiết, vị chi hòa. Trung dã giả, thiên hạ chi đại bổn dã; hoà dã giả, thiên hạ chi đạt đạo dã. Trí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên“.
Nghĩa là: Khi vui buồn, oán hận bi ai chưa biểu lộ ra ngoài thì gọi là “trung”. Khi biểu lộ ra rồi mà có thể ước chế thì gọi là “hòa”. “Trung” là bản tính căn bản nhất của mỗi người, “hòa” chính là đạo lý mà mọi người cần tuân theo. Khi đạt được cảnh giới “trung hòa”, thì trời đất yên ổn, vạn vật sinh sôi nảy nở.
Hòa, là một trong những cảnh giới cao nhất mà văn hóa Trung Hoa truy cầu, là đạo lý ngàn đời trong quan hệ giữa người với người. Dùng hòa khí đối đãi với mọi người thì vạn vật thuận lợi, khi giao tiếp giữ thái độ cởi mở, ôn hòa, nhẹ nhàng thì có thể hóa giải mọi bất hòa, hiểu lầm, mâu thuẫn.
Đạo lý giao tiếp chỉ có một từ “hòa”. Khi tâm hòa, thì khí bình, khí bình thì tâm trở nên rộng lớn, khi tâm rộng lớn thì bạn sẽ trở nên khiêm tốn, khi khiêm tốn và kính trọng trước người khác, bạn sẽ được nhiều người yêu mến và kính trọng hơn.
Cũng giống như trong “Tăng Quảng Hiền Văn” thuyết rằng: “Phụ tử hòa nhi gia bất bại, huynh đệ hòa nhi gia bất phân, hương đảng hòa nhi tranh tụng tức, phu phụ hòa nhi gia đạo hưng“.
Nghĩa là: Cha con hòa hợp thì gia đình sẽ không sụp đổ, anh em hòa hợp thì gia đình sẽ không ly tán. Hòa hợp với mọi người xung quanh sẽ không xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn. Vợ chồng hòa hợp thì gia đình càng thêm hạnh phúc, hưng thịnh.
Khi tâm hòa, thì khí bình, khí bình thì tâm trở nên rộng lớn, khi tâm rộng lớn thì bạn sẽ trở nên khiêm tốn, khi khiêm tốn và kính trọng trước người khác. (Ảnh: dkn.tv)
Trong “Luận Ngữ” lại giảng rằng: “Hòa vi quý, hòa nhi bất đồng“, nghĩa là hòa hợp nhưng vẫn giữ được sự khác biệt. Dùng hòa khí đối đãi với mọi người bằng một trái tim bao dung và tôn trọng. Mỗi người đều có cá tính riêng, có cả ưu điểm và nhược điểm. Hòa khí là chỉ nhìn vào những điểm tốt của người khác và bao dung những mặt chưa được như tính ganh đua, cố chấp, tham lam, ích kỷ trong tính cách của họ.
Câu chuyện “Khổng Tử mượn ô” được lưu truyền qua nhiều đời thể hiện rõ hòa khí ấy. Khổng Tử có khá nhiều môn sinh và ông hiểu rõ tâm tính của từng môn đệ. Một ngày Khổng Tử ra ngoài tản bộ, trời đổ mưa nhưng ngài lại không mang theo ô, vì vậy có môn đệ thưa rằng: “Con biết Tử Hạ có ô, thầy mượn của Tử Hạ đi ạ“.
Khổng Tử đáp:
“Không được, Tử Hạ vốn là người rất keo kiệt. Nếu như ta hỏi mượn ô, y không cho mượn thì đồng môn sẽ nói y không tôn trọng thầy. Còn nếu cho ta mượn, thì trong lòng y chắc chắn sẽ không vui”.
Đây chính là dùng hòa khí đối đãi với người khác, trong giao tiếp cần phải hiểu rõ ưu điểm lẫn nhược điểm của người khác, không nên ép buộc người khác phải làm những việc họ không thích, hay làm mất thể diện của họ, và dùng hòa khí để bao dung họ.
Nếu nhìn người và nhìn mọi điều bằng ánh mắt chứa đựng hòa khí bao dung cùng trái tim ấm áp như vậy, bạn sẽ thấy cuộc đời vô cùng tươi đẹp.
Nếu như chúng ta dùng hòa khí đối đãi với người khác, tôn trọng cá tính của họ, thì trên thế giới này sẽ không còn sự thù hận và ai oán nữa. Nếu như chúng ta dùng hòa khí để dung hòa mọi việc, thì trên đời này sẽ chẳng có việc gì khiến bạn có thể khó chịu được nữa.
Dùng tĩnh khí dưỡng thân
Tâm hồn khi tức giận cũng giống như một ly nước đục, phải đợi nó lắng xuống mới có thể trở nên trong suốt, phản chiếu hình ảnh xung quanh một cách rõ ràng.
Tâm hồn đầy những chỉ trích, ghen ghét, đố kỵ cũng cần được lắng đọng. Lắng để nghe người khác và hiểu chính mình hơn.
Lắng tâm xuống hay tĩnh tâm có thể vượt qua được những phiền não, tức giận mà người khác mang đến cho mình. Chỉ khi tĩnh tâm ta mới có thể làm chủ cuộc sống và cảm nhận được thế giới này có nhiều điều thật thú vị. Sống “chậm” lại là tiền đề của “tĩnh”.
Lắng tâm xuống hay tĩnh tâm có thể vượt qua được những phiền não, tức giận mà người khác mang đến cho mình, chỉ khi tĩnh tâm ta mới có thể làm chủ cuộc sống. (Ảnh: dramapanda.com)
Cốc nước có lắng xuống mới trong, tâm hồn có lắng xuống mới suy nghĩ sáng suốt, nhận định sự việc mới chính xác. Tĩnh tâm để lắng nghe giúp ta tránh được những xung đột, tranh chấp, giúp tình thân ái, lòng khoan dung và tha thứ triển hiện khắp nơi.
Đại thần, thi sĩ nổi tiếng thời nhà Thanh là Ông Đồng Hòa đã để lại hai câu đối bất hủ: “Mỗi lâm đại sự hữu tĩnh khí, bất tín kim thì vô cổ hiền“. Ông cho rằng chỉ cần chúng ta thường dưỡng tâm thuần tịnh thì khi xử lý mọi việc sẽ được suôn sẻ, thuận lợi.
Tăng Quốc Phiên là một danh thần dưới triều Mãn Thanh, khi còn trẻ đôi lúc trong cuộc sống không tránh khỏi phiền não, thầy của ông theo đạo Khổng khi ấy là Đường Giám đã tặng ông một từ “Tĩnh”. Từ đó mỗi ngày, Tăng Quốc Phiên đều ngồi tọa thiền tĩnh tâm, nhờ đó có nhiều trải nghiệm, học hỏi và xử lý mọi việc rất ổn thỏa, nhất là trong công việc triều chính, thu hoạch được nhiều điều tốt đẹp.
Đặc biệt trước những việc trọng đại, không thể dễ dàng đưa ra quyết định, ông phải tĩnh tâm suy ngẫm nhiều lần mới đưa ra chủ ý. Để không gian thêm tĩnh lặng, ông đốt một nén hương và người nhà chỉ cần nhìn thấy điều này thì cho dù có chuyện quan trọng đến mấy cũng tuyệt đối không quấy rầy ông.
Tăng Quốc Phiên cho rằng rằng: Phàm là khi gặp chuyện thì phải bình tĩnh xử lý, nếu như hoảng loạn thì chỉ càng tạo thêm sai sót. Trong thiên hạ, có chuyện nào mà không có sai sót khi nóng vội, hấp tấp. Bình tĩnh và thư giãn là phương pháp cần thiết đầu tiên khi xử lý mọi việc. Một người luôn vội vàng hấp tấp thì không thể làm nên đại sự. Bởi người đó khuyết thiếu sự sáng suốt của “tĩnh tâm” và “an tường”.
Không chỉ như vậy, tọa thiền còn giúp tâm và thân khỏe mạnh, là phương pháp dưỡng sinh rất tốt. Triết gia Chu Hi tự miêu tả rằng: “Trung niên dĩ hậu, khí huyết tinh thần năng hữu kỷ hà? bất thị ký cố sự thời tiết. Hi dĩ mục hôn, bất cảm trứ lực độc thư, nhàn trung tĩnh tọa, thu liễm thân tâm, pha giác hữu lực“.
Nghĩa là:
Sau khi Chu Hi qua tuổi trung niên, tình trạng thân thể không được tốt lắm, dễ bị mệt mỏi, thường hay nhiễm bệnh. Đặc biệt là thị lực giảm mạnh. Vì vậy ông thường ngồi tĩnh tọa, thu liễm thân tâm, phương thức này còn có hiệu quả hơn cả thuốc thang.
Tĩnh tọa có thể thanh trừ tạp niệm, thả lỏng thân tâm, cũng có thể suy ngẫm về những lỗi lầm của bản thân. (Ảnh: kenhvan.com)
Trong cuộc đời mình, Tăng Quốc Phiên vô cùng coi trọng việc ngồi tĩnh tọa. Trong 12 pháp tu thân của ông cũng có “tĩnh tọa”, ngồi tĩnh toạ 4 khắc (1 tiếng đồng hồ), không giới hạn vào thời gian nào, ngồi tĩnh tọa một tiếng đồng hồ, thể nghiệm lòng nhân mà bậc thánh nhân dạy dỗ, vững chắc như bảo đỉnh, không gì lay động nổi.
Phương thức này cũng giống như ngồi thiền dưỡng sinh hiện đại, tĩnh tọa có thể thanh trừ tạp niệm, thả lỏng thân tâm, cũng có thể suy ngẫm về những lỗi lầm của bản thân.
Một người nếu luôn nuôi dưỡng cho mình tâm bình khí hòa, để lòng an tĩnh như mặt nước thì ắt sẽ làm nên sự nghiệp lớn vậy. Bởi tĩnh khí chính là tài sản quý giá nhất của nội tâm con người!
Nguồn: Nhịp sống trẻ