Hiện nay, việc tìm được một công việc tốt càng trở nên khó khăn bởi kèm theo đó là những yêu cầu khắt khe trong khâu tuyển chọn nhân sự và những áp lực cạnh tranh giữa các ứng viên ngày càng cao. Đứng trước quá nhiều ứng cử viên, người tuyển dụng sẽ phải tìm ra những cách thức mới để lựa chọn ra những nhân tố tài năng thực sự.
Thay vì hỏi những câu hỏi thông thường về trình độ học vấn, kinh nghiệm…họ sẽ đưa ra cho ứng viên những câu hỏi không hề liên quan đến chuyên môn để đánh giá bạn ở nhiều khía cạnh. Trường hợp của anh chàng sinh viên mới ra trường Tiểu Lỗi dưới đây là một ví dụ điển hình.
Sau khi gửi CV vào một công ty mà Tiểu Lỗi cho là phù hợp với bản thân, anh liền nhận được mail mời tới dự buổi phỏng vấn. Là một người luôn có thái độ nghiêm túc với mọi cơ hội công việc mà bản thân có được, Tiểu Lỗi luôn trong trạng thái sẵn sàng, tự nhủ bản thân phải có thể hiện tốt để không được bỏ lỡ nó.
Trong cuộc phỏng vấn hôm đó, có tất cả 3 ứng viên và duy nhất một nhà tuyển dụng là Giám đốc Lâm. Lần này công ty ông đang cần tuyển một nhân viên tài năng để đảm nhiệm một dự án quan trọng của công ty. Do đó, ông đích thân đảm nhiệm vị trí là người phỏng vấn để tìm ra người thực sự phù hợp.
Sau khi yêu cầu các ứng viên giới thiệu qua về bản thân, trình bày kinh nghiệm trong công việc và đưa ra các câu hỏi về chuyên môn, người phỏng vấn đã hỏi thêm các ứng viên một câu hỏi như sau: "Giả sử tờ 500.000 đồng của bạn rơi vào bồn cầu nhà vệ sinh, bạn có nhặt lên không?
Đứng trước câu hỏi "hóc búa" của nhà tuyển dụng, ứng viên thứ nhất là một cô gái trẻ đẹp, ấp úng trả lời: "Tôi là người ưa sạch sẽ, tôi sẽ không bao giờ không nhặt nó lên. Mặc dù 500.000 đồng là một tờ tiền có giá trị nhưng nếu đã rơi vào bồn cầu nghĩa là nó rất bẩn."
Ứng viên bên cạnh đắn đo một lúc rồi lên tiếng: "Thực sự tôi chưa nghĩ mình sẽ gặp tình huống này bao giờ. Nhưng nếu rơi vào trường hợp này, tôi cũng sẽ không nhặt tờ tiền lên bởi tôi cho rằng đây là một hành động đáng xấu hổ. Việc này mất mặt lắm, ai lại có thể đi nhặt tiền trong bồn cầu được chứ?"
Giám đốc Lâm nghe xong câu trả lời của 2 ứng viên trên chỉ mỉm cười. Sau đó, ông hướng ánh mắt tới Tiểu Lỗi và chờ đợi. Chàng trai trẻ lịch sự đáp:
"Về câu hỏi này, tôi nghĩ mỗi người sẽ có cách xử lý khác nhau. Giả sử đối với một số người có điều kiện, họ sẽ nghĩ đây chỉ là số tiền nhỏ nên sẽ không quá để ý, âu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng với những người từng trải qua quãng thời gian khó khăn như tôi, tôi sẽ không ngần ngại mà nhặt tờ tiền đó lên.
Tiền bạc hay bất cứ một vật gì đó trong lòng mỗi người có một giá trị khác nhau. Có thể một chiếc túi ni lông đối với người này là rác, nhưng đối với một số nhà nghiên cứu và nhà phát minh, nó là một nguồn tài nguyên có thể tái chế. Do đó, chúng ta không thể áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác và đánh giá suy nghĩ, hành động của họ.
Quay trở lại câu hỏi, ai cũng sợ bẩn nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tìm một thứ gì đó để vớt đồng tiền lên rồi rửa sạch. Đây vốn chỉ là việc bạn có muốn nhặt tiền lên hay không mà thôi, không liên quan đến nhân phẩm của con người. Do đó, tôi nhất định sẽ nhặt nó lên."
Cuối buổi phỏng vấn, Tiểu Lỗi là người duy nhất được hẹn đi làm vào ngày hôm sau. Giám đốc Lâm cũng không quên dành lời khen cho chàng trai, có cách xử lý tinh tế, EQ cao. Thực chất, câu hỏi mà giám đốc Lâm đặt ra không phải chỉ để nghe câu trả lời "nhặt tiền hay không nhặt tiền" từ các ứng viên. Điều vị giám đốc này quan tâm chính là cách họ nhìn nhận vấn đề như thế nào và đưa ra cách giải quyết hợp lý từ góc độ của họ.
Đối với Tiểu Lỗi, chàng trai trẻ này có vừa có góc nhìn đa chiều, vừa biết cân nhắc kỹ lưỡng từng khía cạnh nhỏ của vấn đề, từ đó đưa ra phương án khéo léo. Thông qua câu hỏi, giám đốc Lâm đánh giá cao màn thể hiện của Tiểu Lỗi, và quyết định lựa chọn anh trở thành một phần của công ty để cùng cống hiến và phát triển.
Ánh Lê
Thể thao & Văn hóa