Trường đại học Harvard của Mỹ đã tiến hành một cuộc nghiên cứu và kết luận rằng: Trong công việc, một người trong sự nghiệp có khả năng gặt hái thành công hay không, 85% phụ thuộc vào trạng thái tâm lý của người đó, chỉ có 15% là phụ thuộc vào trí thông minh và kinh nghiệm làm việc.
Một trạng thái tâm lý tích cực sẽ giúp con người coi khó khăn là cơ hội và thách thức, xem những trắc trở thàn kinh nghiệm tích lũy thành công, không ngừng tiến bước, sẵn sàng đối mặt với khó khăn để vượt lên phía trước.
Còn với người có trạng thái tâm lý ủ dột, tiêu cực, họ sẽ xem khó khăn là hoạn nạn của bản thân, trách số phận bất công, tự cho rằng sẽ chẳng thể vượt qua được thử thách và cuối cùng chọn cách từ bỏ.
Gặp thất bại, họ thường đổ lỗi cho những lý do khách quan một cách bản năng, nào như hoàn cảnh gia đình không tốt, học lực kém, sinh nhầm thời, không được người khác giúp đỡ… mà chưa bao giờ tự vấn bản thân, rằng liệu bản thân mình có vấn đề gì không.
Vì trạng thái tâm lý tiêu cực nên những người này thường hay do dự, để tuột mất cơ hội và cuối cùng dẫn đến thất bại, rồi họ lại vì thất bại mà trở nên bi quan hơn… Một vòng tuần hoàn ác tính đó lặp đi lặp lại ở các giai đoạn, kéo dài suốt một đời người, vì trạng thái tâm lý không tốt mà cả đời rơi xuống vực sâu.
Chính vì thế, mỗi chúng ta không nên xem nhẹ tầm ảnh hưởng của trạng thái tâm lý lên cuộc đời, bởi lẽ nó sẽ thao túng cuộc đời của chúng ta một cách âm thầm, lặng lẽ.
Thất bại không đáng sợ, điều đáng sợ là đánh mất trạng thái tâm lý tích cực
Bất cứ ai cũng đều mong muốn mình thành công và đồng thời cũng đều sợ thất bại. Nhưng một người muốn gặt hái thành công sẽ không thể tránh được thất bại. Để cân bằng yếu tố này và vững vàng tiến lên phía trước, rất cần một trạng thái tâm lý tích cực.
Công ty lọt top 500 công ty mạnh nhất toàn cầu – Procter & Gamble có một quy định: Nếu như trong vòng 3 tháng, một nhân viên không phạm bất cứ một sai lầm nào sẽ bị đánh giá là nhân viên không đạt yêu cầu. Bởi vì chỉ có những người không làm gì mới không phạm sai lầm.
Đây cũng là cách để công ty cổ vũ nhân viên không sợ thất bại, phá vỡ lời nguyền về trạng thái tâm lý lo lắng, sợ thua, sợ sai, nhờ đó mà công tác quản lý của Procter & Gamble mới đạt được thành công vang dội.
Abraham Lincoln là một trong những vị tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ. Chúng ta có lẽ đều biết về mặt hào quang trong cuộc đời ông khi ông làm tổng thống Mỹ mà rất ít người biết ông đã thất bại bao nhiêu lần trước đó.
9 tuổi, ông mất mẹ;
21 tuổi từng kinh doanh thất bại;
22 tuổi từ bỏ kinh doanh đi theo con đường chính trị khi tham gia tranh cử vào nghị viện bang Illinois.
24 tuổi tiếp tục lựa chọn theo con đường kinh doanh, kinh doanh tiếp tục thất bại, thậm chí còn nợ một khoản lớn;
26 tuổi, vợ ông qua đời, mất 6 tháng ông mới vượt qua được nỗi đau;
34 tuổi tham gia tranh cử nghị sĩ quốc hội nhưng thất bại;
45 tuổi tiếp tục thất bại khi tranh cử vào thượng nghị viện;
46 tuổi thất bại khi tranh cử phó tổng thống;
49 tuổi tiếp tục thất bại trong cuộc tranh cử vào thượng nghị viện.
Nỗ lực vô số lần, thất bại cũng vô số lần, cứ như thế, một người “càng nỗ lực càng thất bại” cuối cùng đã trúng cử tổng thống Mỹ vào năm 52 tuổi.
Con người cho rằng con đường thành công là một chiếc thang máy lên thẳng, chỉ cần đi đúng hướng, thành công sẽ ngay trước mắt.
Thế nhưng thực tế không như vậy, thành công là một con đường nhỏ mà trên đó, có vô vàn những quanh co, gấp khúc, chỉ khi số lần nếm trải càng nhiều, kinh nghiệm thất bại càng nhiều mới có thể tiếp cận được thành công.
Đối diện với khó khăn, rất nhiều người đã chọn cách từ bỏ, nhưng với những người có một trạng thái tâm lý tích cực, họ luôn không ngừng suy nghĩ đúc kết rút kinh nghiệm từ những thất bại, suy nghĩ nghiêm túc mình thực sự muốn gì, không muốn gì, hành động như thế nào để xoay chuyển tình thế, biến thất bại thành thành công.
Theo Nguyễn Nhung
Trí thức trẻ