Trong chương “Vệ Linh Công – Luận Ngữ”, Khổng Tử viết: “Giảo ngôn loạn đức, tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu”, tạm hiểu là: Lời nói ngon ngọt thì làm bại hoại đức hạnh của con người ta, chuyện nhỏ mà không nhẫn nhịn thì sẽ làm hỏng chuyện lớn. Những người già cũng thường khuyên dạy con cháu biết nhường nhịn, đừng tranh chấp với người khác. Bởi “nhẫn một lúc, sóng yên biển lặng; lùi một bước, biển rộng trời cao”, có thể nhẫn nại là một cách để tấm lòng khoáng đạt và trở thành người cao thượng, được mọi người tôn kính.
Khổng Tử và các học trò (Ảnh: Pinterest)
Được và mất trong đời người là được an bài, vậy hà cớ gì phải tranh phải đoạt? Nhẫn chịu không phải là hèn nhát sợ chuyện, mà trái lại, nó còn có thể khiến “chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không”, mang đến phúc phận cho đời người. Những điển tích trong lịch sử, như: Câu Tiễn nếm mật nằm gai, nhẫn nhục phục quốc; Hàn Tín chịu nhục chui háng, về sau thành tựu đại nghiệp… đều là những ví dụ mà mọi người ai ai cũng đều quen thuộc.
Thật ra, những ví dụ tương tự trong cuộc sống cũng nhiều không kể xiết, dưới đây xin trích ba mẩu chuyện xưa về việc gặp chuyện kìm nén cơn giận, không phô trương cái dũng của kẻ thất thu, nhờ vậy mà tránh được tai họa giáng xuống đầu.
Tiểu quan lại bị đánh không phản kháng
Sau khi nước Tần diệt Ngụy, Tần Thủy Hoàng nghe nói có hai người Trương Nhĩ và Trần Dư là danh sĩ nước Ngụy, bèn thưởng cho Trương Nhĩ nghìn lượng vàng, Trần Dư năm trăm lượng vàng. Trần Dư tuổi vẫn còn trẻ, tôn kính Trương Nhĩ giống như cha của mình, hơn nữa còn kết bạn vào sinh ra tử. Hai người mai danh ẩn tích đến huyện Trần, làm quan gác cổng duy trì sinh kế.
Quan huyện địa phương bởi chút hiềm khích mà đánh đập Trần Dư, Trần Dư theo bản năng muốn đứng dậy phản kháng, Trương Nhĩ lén đá Trần một cước để ngăn y lại, để y nhẫn chịu đánh đập. Đợi sau khi quan huyện đánh xong bỏ đi, Trương Nhĩ kéo Trần Dư đến dưới gốc cây dâu quở trách anh ta: “Trước đây tôi đã dặn cậu như thế nào? Hôm nay mới gặp chút chuyện nhục nhã đã không nhẫn chịu được nữa, lẽ nào cậu muốn chết trong tay tên tiểu quan lại này ư?”. Trần Dư bình tĩnh nghĩ lại, đồng ý với lời của Trương.
Một cảnh xử án thời xưa ở Việt Nam (Ảnh: Wiki)
Không lâu sau, cả Trương Nhĩ và Trần Dư đều làm đến chức công khanh thừa tướng, nếu như lúc đó họ nảy sinh mâu thuẫn với viên quan đó, hai bên xung đột với nhau, có thể đã không có được kết cục tốt đẹp sau này.
Vô lý sinh sự có âm mưu
Vùng Trường Châu đời nhà Thanh có một ông lão họ Vưu mở một tiệm cầm đồ. Cuối năm nọ, chỉ còn mấy ngày nữa là đến tết, một người hàng xóm hai tay trống không đến đòi lại số áo đã cầm cố ở đây, người quản lý tiệm đương nhiên không đồng ý, người hàng xóm đó liền quát tháo chửi bới ầm lên.
Vưu ông đứng ra hòa giải, ôn hòa nhã nhặn và chậm rãi nói rằng: “Không cần gấp! Tôi hiểu được ý của chú, chú chẳng qua là vì đón tết mà cảm thấy buồn phiền mà thôi, vậy cớ chi vì chút chuyện nhỏ này mà nảy sinh mâu thuẫn, tổn thương hòa khí?”.
Vưu ông liền cho người tìm lại số y phục mà gã đã mang đến cầm trước đó, cũng chẳng qua chỉ bốn, năm chiếc áo mà thôi. Vưu ông chỉ vào cái áo bông, nói: “Chiếc áo bông này chú hãy mang về dùng để chống rét, không thể thiếu được”. Lại chỉ một chiếc áo bào, nói: “Bộ này cho chú mặc đi chúc tết, còn mấy chiếc khác tạm thời chưa dùng đến thì vẫn cứ để lại đây vậy!”. Người đó không còn gì để nói nữa, cầm lấy y phục lặng lẽ rời đi.
Không ngờ rằng, ngay trong đêm đó, người hàng xóm ấy bất ngờ chết trong nhà của người khác, về sau người nhà của gã còn kiện cáo gia đình nọ trong rất nhiều năm, khiến cho gia đình nọ hao hết tài giản. Thì ra người vô lý sinh sự này đã mắc nợ rất nhiều tiền ở bên ngoài, trước đó đã uống thuốc độc, vốn dĩ muốn đi giá họa cho ông lão họ Vưu, nhưng vì Vưu ông nhẫn chịu không so đo nên không đạt được ý đồ, vậy nên quay sang giá họa cho một gia đình khác.
Sau khi biết chân tướng vụ việc, Vưu ông nói: “Phàm là những người vô cớ sinh sự loại này hẳn là phải có ý đồ gì đó, giả dụ chuyện nhỏ không thể nhẫn chịu, rất có thể họa lớn sẽ giáng xuống đầu”.
Cầu sao được vậy không so đo tính toán
Vùng Thừa Đức có người tên là Hồ Xương Dĩnh, anh họ của ông là Lục mỗ, vốn là tên vô lại nơi đầu đường xó chợ, mọi người đều gắng sức tránh xa tên Lục mỗ này để tránh rước họa vào thân. Nhưng Lục mỗ lại luôn gây khó dễ cho Hồ, mắng chửi Hồ không chút nể nang gì. Lúc ấy Hồ luôn mỉm cười bỏ qua, hơn nữa với những đòi hỏi vô lý của gã đều đáp ứng cả.
Có một ngày, Lục mỗ nghênh ngang đến nhà của Hồ, lớn tiếng chửi bới không chút khách khí, lại còn lấy đồ đạc trong nhà. Hồ Xương Dĩnh tu dưỡng tốt, vẫn khoan dung cười nói với gã rằng: “Anh họ, hẳn là em đã có chỗ đắc tội với anh, nếu có chỗ không phải, mong anh hãy bỏ qua cho em!”. Nói xong lại đưa cho Lục mỗ một chút gạo, gã mới can tâm trở về nhà.
Chưa được hai ngày, Lục mỗ bất ngờ chết bất đắc kỳ tử. Mọi người đều nói, may mà Hồ Xương Dĩnh có tầm nhìn xa, không sinh sự với hắn ta, nếu không đã bị liên lụy rồi, nói không chừng còn trở thành nghi can phải ra công đường hay sao? Bản thân Hồ Dĩnh Xương cũng toát mồ hôi lạnh, nói: “Nếu không phải là người vô lý sinh sự, tôi vẫn còn có thể nói đạo lý với hắn ta. Nhưng với loại người này thật sự đã không thể nói lý được nữa, không đáng phải so đo với hắn ta! Nếu không tôi có thể sẽ phải rước họa vào thân rồi”.
Nhẫn nhịn, khoan dung người khác, xem ra giống như là bản thân mình đang phải chịu thiệt, bị người khác chiếm mất quyền lợi, lợi ích bị tổn hại. Nhưng mà, trong cõi huyền diệu lại cũng có thể gieo trồng “phúc đức”, “thiện báo” cho bản thân, ông Trời có mắt, luôn che chở cho những người lương thiện chịu nhục, không phải vậy sao?
Nguồn: Thiện Sinh
DKN.TV