Thế nhưng, có những tính cách dễ hình thành trong trẻ và sẽ khó từ bỏ nếu không được mẹ để ý và uốn nắn.
Đưa con đi chơi, mẹ hỏi con muốn đi đâu. Nhiều bé thẳng thừng trả lời cho qua chuyện rằng “đi đâu cũng được ạ”.
Đến bữa ăn, khi được hỏi muốn ăn gì, không ít bé lại ậm ừ “con ăn gì cũng được”.
Những câu nói, hành động tưởng như vô thức, nhưng thực tế đang hình thành trong bé thói quen không có chính kiến.
Nếu không nghiêm túc ngẫm nghĩ, nhiều mẹ sẽ khó để truy tìm nguyên nhân.
Đó là do khi con còn bé đã luôn được bố mẹ chăm lo chu toàn mọi việc rồi. Nhiều việc bố mẹ làm thay cho con mà không cần hỏi ý kiến.
Dần dần bé sẽ có suy nghĩ “Bố mẹ muốn thế nào thì cứ làm theo thế vậy, dù sao ý kiến của mình cũng không ai nghe”.
Trang Secret China dẫn lời một số chuyên gia tâm lý và cho rằng, trẻ em từ 3-6 tuổi hoàn toàn có thể tư duy độc lập, đây cũng là giai đoạn quan trọng hình thành tính cách trẻ.
Nếu như trong khoảng thời gian này, cha mẹ vẫn cứ thay con sắp xếp mọi thứ, không lắng nghe ý kiến của con sẽ khiến bé dần dần mất đi chủ kiến, không thể tự mình tư duy độc lập được.
Trẻ thiếu chủ kiến chủ kiến sau này sẽ rất kém về khả năng độc lập và thường hay cảm thấy không tự tin về những việc mình làm.
Ảnh minh họa
Vậy cách nào để khắc phục thói quen xấu này của trẻ từ trong “trứng nước”?
Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ trước hết cần tăng cường năng lực phân biệt đúng, sai cho trẻ.
Do tuổi còn nhỏ nên quan niệm về đạo đức ở trẻ vẫn chưa được hình thành, chuẩn mực trong phán đoán đúng, sai còn rất mơ hồ. Hơn thế, khả năng kiểm soát của trẻ còn yếu và thường không phân biệt được thế nào là tốt - xấu mà chỉ biết bắt chước theo người lớn.
Vì thế, cha mẹ cần hướng dẫn và cho trẻ cơ hội luyện tập, từng bước nhận thức đúng, sai trong hành vi của mình thông qua sự đánh giá của người lớn. Cha mẹ tăng cường năng lực phân biệt đúng - sai, tốt - xấu cho trẻ thông qua các câu chuyện, các bộ phim thiếu nhi, thường xuyên đưa ra các tình huống để trẻ lựa chọn, từ đó để trẻ nói ra cảm nghĩ của mình.
Một nguyên tắc mà bố mẹ cần lưu tâm và thực hiện nghiêm túc, đó là khắc phục tính ỷ lại của trẻ.
Cha mẹ cần sớm cho trẻ luyện tập kỹ năng cơ bản trong cuộc sống như: tự mặc quần áo, lau bàn, rửa tay, quét nhà... Người lớn cố gắng cho trẻ cơ hội độc lập thực hiện nhiệm vụ, nếu trẻ làm chưa tốt, cha mẹ không nên la mắng mà hãy hướng dẫn, khuyến khích trẻ làm lại cho tốt hơn.
Về phía cha mẹ, khi điều chỉnh thói quen xấu của con, bản thân cha mẹ phải có thái độ đúng đắn, rõ ràng về bất cứ hành vi, suy nghĩ nào của con. Cha mẹ cần khuyến khích để trẻ đưa ra các giải pháp. Sau đó hãy cùng trẻ bàn bạc, phân tích về ưu và nhược điểm của từng giải pháp mà trẻ đưa ra. Cuối cùng, chúng ta hãy để trẻ tự lựa chọn giải pháp để giải quyết vấn đề.
Khi con làm được một điều gì đó, cha mẹ hãy có nhận xét, giải thích rõ ràng để trẻ nhận biết được đúng - sai và rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Cần lưu ý, lời nhận xét của cha mẹ với mục đích giúp trẻ trở nên tiến bộ hơn, chứ không phải là phán xét, do vậy những lời nhận xét phải mang tính cổ vũ trẻ.
Theo Phụ nữ Việt Nam