Hết giờ làm, trước khi rời công sở, chị Lê Ngọc Hương, nhà ở TP Thủ Đức, TPHCM mở tủ lạnh, thấy còn ít phần cơm dư từ bữa trưa của công ty. Chị hỏi ý kiến người phụ trách rồi nhận hai phần đem về cho bữa tối.
Chị Hương làm ở bộ phận văn phòng tại một công ty điện máy, nơi có đặt suất cơm trưa cho nhân viên. Tuy nhiên, ít khi các suất cơm được sử dụng hết do nhân viên nghỉ hoặc có việc đột xuất, đi ăn ngoài...
Bữa ăn hàng ngày của gia đình chị Hương rất đơn giản, không tốn kém (Ảnh: Thu Hương).
Ban đầu, không ai cầm về các phần ăn còn dư phải bỏ đi. Sau này nếu không ai lấy, chị Hương sẽ xin về, vừa tránh lãng phí mà nhà lại tiết kiệm được phần ăn tối.
Xin cơm thừa ở công ty là việc quen thuộc của chị Hương. Không chỉ suất ăn trưa mà mỗi khi công ty liên hoan, tiệc tùng chị cũng không ngại gói thức ăn thừa đem về sử dụng.
Mọi người ở công ty quen đến mức, cứ có đồ thừa là không quên gọi: "Chị Hương ơi".
Đồng nghiệp thân thiết không lạ gì với lối sống tiết kiệm, tằn tiện của vợ chồng chị Hương để đầu tư vào việc học cho con với chi phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tổng thu nhập của hai vợ chồng chị Hương hơn 40 triệu đồng/tháng, khoảng 500 triệu đồng/năm, lâu lâu cũng có thêm khoản thu nhập khác. Hai con của anh chị theo học tại một trường song ngữ có tổng mức học phí ở thời điểm này là 370 triệu đồng/năm.
Dành phần lớn thu nhập đóng tiền học cho con nên chi tiêu hàng tháng trong gia đình 4 người của họ chỉ gói gọn trong mức 8-9 triệu đồng, còn vài triệu để dành tiết kiệm.
Chị Hương cho biết, gia đình mình có lối sống cực kỳ đơn giản, từ chuyện ăn mặc đến vui chơi, giải trí.
Bữa ăn chị nấu cho cả nhà 4 người chỉ trong mức 50.000-60.000 đồng. Chị ví dụ, có bữa luộc 6 quả trứng gần 20.000 đồng, 3 quả su su hấp 9.000 đồng chấm với chao, thêm tráng miệng nửa ký củ sắn hết 7.000 đồng.
Hay có bữa chiên mớ cá nục nhỏ 35.000 đồng kèm bó rau muống 8.000 đồng vắt me; có bữa đĩa cải chua xào tóp mỡ với bát canh rau ngót nấu tôm bằm với chi phí chỉ 50.000 đồng. Chị ưu tiên mua trái cây theo mùa hoặc những loại giá rẻ như củ sắn, ổi, chuối...
Cuối tuần, chị thường đổi vị với những thứ món đơn giản như hủ tiếu thịt bằm, cơm nguội gom lại chiên trứng, thịt bò bằm cải chua...
Chi tiêu tiết kiệm nên người mẹ thường chọn những món ăn đơn giản với chi phí thấp (Ảnh; minh họa: Thu Hương).
Ăn uống đơn giản, gọn nhẹ, không cầu kỳ, không nhiều thịt nên nhà chị vừa tiết kiệm, vừa nhẹ người và cũng không mất quá nhiều thời gian, công sức cho chuyện ăn uống.
Nhiều năm qua, gia đình chị không sắm sửa đồ dùng gì. Thứ gì có thể tận dụng được đều khai thác triệt để. Kể cả quần áo, đồ chơi, trước khi mua sẽ cân nhắc trả lời câu hỏi liệu có thật cần thiết.
Giải trí, thể thao anh chị ưu tiên cùng con đọc sách, đi thư viện, khám phá cây cỏ tự nhiên quanh thành phố, chạy bộ, đi dạo... Những hoạt động mang nhiều lợi ích cho trẻ mà không tốn tiền.
70% thu nhập dành cho học phí của con
Chị Lê Ngọc Hương trải lòng, trước đây, khi đứa con đầu vào lớp 1, chị cũng nghĩ cháu sẽ học trường công lập như số đông mọi người. Nhưng ngay năm đầu đời đến trường, cháu và bố mẹ có những trải nghiệm không mấy vui vẻ.
Trẻ em ở TPHCM trong hoạt động ngoại khóa (Ảnh: Minh Nhung).
Con chị không những hay bị cô quát tháo, chê bai mà cháu còn rất ức chế, đau khổ khi phải chứng kiến cô quát mắng bạn bè khác trong lớp.
Rồi chuyện cô công khai giới thiệu lớp học thêm mời gọi phụ huynh, hay cô thường xuyên nhắn tin trong nhóm của phụ huynh nhận xét, mắng vốn công khai em này em nọ... Những điều chị thấy rất phản giáo dục.
Lúc đầu chị nghĩ sẽ chuyển trường nhưng tìm hiểu qua nhiều đồng nghiệp, bạn bè, người thân thì chị biết những vấn đề này không phải là chuyện hiếm ở môi trường công.
Chưa kể còn chuyện sĩ số đông, cơ sở vật chất hạn chế, nhà vệ sinh không sạch sẽ, con học vẫn phải đi học thêm chí ít là tiếng Anh ở trung tâm...
Sau khi cân nhắc về nhu cầu, mong muốn và cả tài chính gia đình, chị chuyển cho con sang tư thục với cái giá... "ngốn" hết 70% thu nhập.
Đổi lại, con học ở lớp sĩ số ít, giáo viên thân thiện, không phải đối diện với áp lực học thêm ở cô, con không phải học thêm bên ngoài, không phải đua thành tích, bố mẹ không vất vả đưa đón...
Người mẹ cho biết, mỗi gia đình có một nhu cầu, lựa chọn, mục tiêu và định hướng khác nhau. Mục tiêu của vợ chồng chị là con được học tập ở môi trường gần nhất với những giá trị, mong muốn của gia đình.
Anh chị thấy ổn với lựa chọn của mình, thấy ổn với lối sống đơn giản để dành tiền cho con ăn học, mọi thứ vẫn trong khả năng của họ. Sống tằn tiện chút nhưng vợ chồng anh chị thấy hài lòng, không thấy khổ.
Bố mẹ nhịn ăn nhịn tiêu, dành tiền cho việc học của con không chỉ là câu chuyện của riêng gia đình chị Hương. Tùy điều kiện, nhu cầu, có nhà đầu tư theo mô hình học tập, có nhà đổ tiền vào cho con học thêm, các chương trình ngoại khóa...
Người Việt chi mạnh cho vấn đề học hành của con cái (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Theo Tổng cục Thống kê, từ kết quả khảo sát mức sống dân cư 2020 cho thấy Việt Nam là quốc gia có mức chi tiêu cho giáo dục và đào tạo vào loại cao trên thế giới.
Các hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập cao có xu hướng cho con học tại các trường dân lập, tư thục cao (12,3%). Bên cạnh đó, nhiều hộ thuộc nhóm thu nhập thấp cũng cho con theo học ở mô hình tư thục (1,3%).
Chi cho giáo dục, đào tạo bình quân 1 người đi học tại trường công lập hơn 6,1 triệu đồng/người/1 năm, thấp hơn nhiều so với trường dân lập (25,3 triệu đồng/người/1 năm) và tư thục (17,8 triệu đồng/người/1 năm)
Năm 2020, trung bình các hộ dân cư phải chi hơn 7 triệu đồng cho một thành viên đang đi học, tăng khoảng 7% so với năm 2018.
Ở thành thị, các hộ chi 10,7 triệu đồng cho một thành viên đi học, gấp 2,1 lần so với mức chi ở nông thôn; nhóm hộ có mức thu nhập cao nhất chi hơn 15,4 triệu đồng/người/12 tháng, tăng 4,7% so với năm 2018 và gấp 6,2 lần so với nhóm hộ có mức thu nhập thấp nhất (2,5 triệu đồng/người/12 tháng).
Nguồn: Báo điện tử Dân trí