Một gia đình ưu tú không bắt buộc phải là người cho con cái mình 10 mảnh đất, 10 căn biệt thự, 10 chiếc ô tô hay 10 tỷ trong ngân hàng. Nhưng chắc chắn, những bậc phụ huynh ưu tú sẽ không bao giờ quên việc truyền dạy cho thế hệ sau của mình 10 phẩm chất tuyệt vời dưới đây.
1. Dạy con cách kiên nhẫn lắng nghe
Lắng nghe là một phẩm chất vô cùng quan trọng. Thế như, hầu hết giới trẻ ngày nay đều thiếu lòng kiên nhẫn, ít khi lắng nghe lời giải thích của người khác.
Đó là bởi phần lớn họ đều cho rằng lời nói của mình mới chính xác nhất, có lý nhất. Kỳ thực, trong nhiều trường hợp, ta vẫn nên cân nhắc lắng nghe từ nhiều phía để có cái nhìn toàn diện hơn.
Dạy cho con trẻ cách lắng nghe sẽ giúp các em hình thành sự kiên nhẫn, lòng thấu cảm và cái nhìn tinh tế trước mọi vấn đề của cuộc sống.
2. Bồi dưỡng văn hóa đọc cho trẻ
Bồi dưỡng văn hóa đọc sẽ giúp con trẻ vun đắp kiến thức, đồng thời hình thành nhiều đức tính như chăm chỉ, kiên nhẫn, lắng nghe, thấu hiểu... (Ảnh minh họa).
Đứa trẻ không có văn hóa đọc làm nền tảng nhất định sẽ khó có năng lực để phát triển bền vững trong tương lai.
Bất luận có khó khăn đến đâu, văn hóa đọc vẫn luôn là thứ cần có và cần gìn giữ. Để làm được điều này,các bậc phụ huynh nên dành ra những khoảng thời gian cố định trong ngày cho các bé đọc sách, sau đó từ từ giúp con em mình nâng cao tốc độ đọc và khả năng trao đổi, nắm bắt thông tin.
Văn hóa đọc không chỉ được rèn luyện bằng cách đắm mình vào những cuốn sách thâm sâu, mà còn được bồi dưỡng thông qua việc đọc tin tức trên mạng hoặc nắm bắt, chọn lọc thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
3. Giúp con học cách giao tiếp ngay từ trong gia đình
Nếu không có kỹ năng giao tiếp tốt, con em của chúng ta sẽ khó hòa nhập và tạo dựng chỗ đứng trong xã hội. Thực tế đã chứng minh, có không ít người đánh mất nhiều cơ hội để phát triển bản thân chỉ vì thiếu kỹ năng giao tiếp.
Đó là lý do vì sao giáo dục gia đình cần chú trọng những bài học về kỹ năng này. Trong đó, việc tăng cường sự giao tiếp giữa cha mẹ và con trẻ cũng là điều đặc biệt quan trọng.
4. Trau dồi kỹ năng viết
Rèn luyện kỹ năng viết ngay từ khi còn nhỏ sẽ trở thành chìa khóa thành công cho các em trong tương lai. (Ảnh minh họa).
Vào thời đại ngày nay, nếu không có kỹ năng viết tốt, bạn sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp.
Khả năng viết cũng là một phương thức biểu đạt và tuyên truyền tuyệt vời. Tuy nhiên để có thể trở thành một bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ diễn đạt, con em của chúng ta cần được đào tạo, bồi dưỡng một cách nghiêm túc ngay từ khi còn nhỏ.
5. Học cách tự mình giải quyết các vấn đề của cuộc sống
Ngày nay, nhiều du học sinh (đặc biệt là con một của các gia đình khá giả) thường không có kỹ năng tự chăm sóc bản thân. Họ không thể nấu cơm, không biết thay lốp xe, không rành thay bóng đèn, cũng chẳng thể sơn tường nhà...
Những điều ấy không hề thể hiện sự cao quý, mà thậm chí còn cho thấy sự "lỗi thời" và yếu kém của họ.
Khả năng giải quyết vấn đề một cách độc lập là yếu tố quyết định sự sống còn mà mọi cá nhân trong xã hội hiện đại đều phải có. Đó cũng là năng lực cơ bản để họ có thể đối mặt với cuộc sống và gây dựng sự nghiệp cho riêng mình.
6. Gìn giữ đức tính cẩn thận
Những bài học về đức tính cẩn thận có thể được cha mẹ truyền tải một cách sinh động thông qua các trò chơi. (Ảnh minh họa).
Cẩn thận là một đức tính tạo nên nền tảng trong việc giao lưu, là nhân phẩm giúp bạn có được sự tôn trọng và tán dương của người khác.
Nhưng thực tế lại cho thấy, người vốn cẩn thận và luôn giữ được đức tính này càng lúc càng ít. Vì thế, giúp con trẻ mài giũa đức tính cẩn thận sẽ biến các em trở thành những nhân tố đáng tự hào trong thời đại ngày nay.
7. Biết tôn trọng lẫn nhau, không quên tự phê bình
Ông bà ta có câu, kính người thì ắt sẽ được người kính lại. Người biết giữ ý tứ, biết tôn trọng người khác, biết tự thừa nhận lỗi lầm của bản thân thì cũng sẽ nhận được sự tôn trọng và đánh giá cao từ những người xung quanh.
8. Coi trọng việc bảo vệ môi trường
Dạy con ý thức về việc bảo vệ môi trường ngay từ khi con nhỏ sẽ giúp các bé trở thành những công dân toàn cầu mẫu mực trong tương lai. (Ảnh minh họa).
Trên thực tế, nhiều người giàu có thường vì sự thoải mái trong cuộc sống cá nhân của mình mà bỏ qua khái niệm về bảo vệ môi trường.
Ví dụ, họ sẵn sàng dùng một số gỗ lớn để trang trí cho ngôi nhà của mình mà không quan tâm tới những thảm họa do nạn phá rừng gây ra trong tương lai.
Họ cũng không ngại xây dựng một phòng karaoke tại gia và thoải mái ca hát mà không hề quan tâm đến việc mình đang trực tiếp gây ra ô nhiễm tiếng ồn.
Bảo vệ môi trường không phải là nhiệm vụ riêng biệt của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, mà là nghĩa vụ của loài người và thể hiện sự tiến bộ của nhân loại.
Tuyên truyền cho con trẻ quan niệm tích cực về bảo vệ môi trường sẽ giúp các em trở thành những công dân toàn cầu gương mẫu, trách nhiệm, đồng thời cũng đảm bảo sự phát triển bền vững cho thế hệ sau của chúng ta.
9. Chia sẻ kiến thức đến những người xung quanh
Quá trình học tập và rèn luyện của con trẻ không chỉ tác động trực tiếp tới bản thân các em mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Một người ích kỷ sẽ chỉ biết giữ khư khư kiến thức cho riêng mình, trong khi những tri thức ấy lại thuộc về kho tàng chung của nhân loại.
Vì vậy, để con em chúng ta không trở thành người ích kỷ, các bậc phụ huynh đừng quên dạy cho bé cách chia sẻ kiến thức và cùng học tập với những người xung quanh.
Điều này sẽ tạo ra một môi trường lý tưởng cho con em chúng ta kiên trì học tập lâu dài và nghiên cứu chuyên sâu.
10. Để con tự do tiếp xúc với thế giới bên ngoài
Thay vì khiến con trẻ đánh mất tuổi thơ vì vùi đầu vào bài vở, hãy để các em tự do bay nhảy với thế giới bên ngoài để trưởng thành. (Ảnh minh họa).
Nhìn ngắm thế giới, tiếp thu những điều mới lạ, không ngừng khám phá và học hỏi những điều mới… Đó là yếu tố rất quan trọng trong xã hội hiện đại, là một biểu hiện của sự tiến bộ không ngừng.
Do đó, các gia đình nên tạo mọi điều kiện để con em làm quen với thế giới bên ngoài. Đừng quên rằng, những bông hoa trong lồng kính sẽ chẳng thể khỏe mạnh và đẹp đẽ bằng những đóa hoa sinh trưởng ngoài tự nhiên.
Nguồn: Tri thức trẻ