Chỉ khi có sự cho đi và nhận lại, mối quan hệ mới trở nên bền chặt hơn, chỉ khi đối xử với nhau bằng tấm lòng chân thành, mối quan hệ mới bền lâu.
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu có ai đó mời bạn đi ăn tối nhưng bạn không muốn đi, bạn sẽ làm gì? Mặc dù cách từ chối trực tiếp có vẻ là quyết đoán, nhưng lại có khả năng làm phật lòng đối phương, còn nếu muốn diễn đạt khéo léo mà không tìm được lời nói thích hợp, sẽ giống như có điều muốn nói nhưng lại khó mở lời.
Người có trí tuệ cảm xúc cao biết cách diễn đạt sự từ chối một cách khéo léo bằng những cách riêng, vừa bày tỏ được suy nghĩ, vừa duyên dáng, không làm mất lòng đối phương.
01. Giao tiếp kịp thời, biểu đạt chân thành
Khi giao tiếp, điều kiêng kỵ nhất là nói năng lấp lửng, khó hiểu, không nói thẳng những gì cần nói. Đối mặt với một lời mời mà bạn không muốn tham gia, nếu cứ vì ngại mà không nói ra lời từ chối, bạn sẽ dễ rơi vào cuộc đấu tranh nội tâm lâu dài.
Một câu đơn giản như "Tôi bận, không đi được" có thể thiếu chân thành và dễ gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa hai bên.
Nhà quản lý nổi tiếng từng chia sẻ trong một chương trình rằng: Có lần, một nghệ sĩ trong công ty của cô nhận được lời mời tham dự một sự kiện, nhưng không may sự kiện đó lại trùng với lịch trình khác của nghệ sĩ, nên phải từ chối. Nhóm phụ trách truyền thông sợ rằng từ chối thẳng sẽ làm ảnh hưởng đến cơ hội hợp tác trong tương lai, nên trả lời rất khéo léo: "Cảm ơn lời mời, nhưng thời gian của chúng tôi có thể không thuận tiện lắm."
Không ngờ, câu nói này lại khiến ban tổ chức hiểu nhầm rằng nhóm sẽ cố gắng điều chỉnh lịch trình và họ đã báo tên nghệ sĩ tham gia. Khi quản lý nhận được lịch trình chi tiết từ ban tổ chức, họ nhận ra rằng hiểu lầm đã khó có thể cứu vãn và phải sắp xếp để nghệ sĩ tham gia buổi lễ.
Sự thay đổi đột ngột này không chỉ khiến cả nhóm vô cùng bận rộn mà còn làm tăng thêm rất nhiều chi phí và tiêu hao năng lượng.
Sau sự việc, người quản lý đã suy ngẫm sâu sắc về sai sót trong giao tiếp lần này: "Cùng một câu nói, những người khác nhau sẽ xuất phát từ góc nhìn riêng của mình mà tạo ra những giải thích hoàn khác và vì thế mà hiểu lầm xảy ra. Sự hiểu lầm này chính xác đã minh họa cho một nguyên tắc trong giao tiếp: Thái độ có thể mềm mỏng, tế nhị nhưng nội dung phải thẳng thắn, trực tiếp, chính xác. Vừa thể hiện khả năng hợp tác trong tương lai và sự linh hoạt trong giao tiếp, nhưng cũng không nên để lại sự hiểu lầm".
Trong cuộc sống hằng ngày, khi đối diện với lời mời từ người khác, chúng ta thường vì không kịp thời thể hiện sự từ chối, khiến cho đối phương hiểu lầm.
Học cách từ chối một cách chân thành chính là biểu hiện của sự trưởng thành thực sự.
Một nhà văn từng từng nói: "Đừng sợ từ chối người khác, vì khi ai đó mở lời yêu cầu, trong lòng họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho hai câu trả lời, vì vậy việc bạn đưa ra bất kỳ câu trả lời nào cũng đều nằm trong dự đoán của họ".
Những người bạn thực sự sẽ không sợ bị từ chối.
Một trong những bí quyết để duy trì mối quan hệ lâu dài chính là giao tiếp kịp thời, chân thành, không phải cố gắng làm vừa lòng người khác hay kéo dài sự từ chối.
Khi có ai đó mời bạn tham gia bữa tiệc, nếu bạn thực sự không thể đi, hãy nhanh chóng truyền đạt, bày tỏ suy nghĩ của mình một cách chân thành. Như vậy, có thể tránh được hiểu lầm, không lãng phí thời gian và công sức của cả hai bên, giúp cho mối quan hệ trở nên thoải mái hơn.
02. Thái độ khéo léo, giải thích lý do
Khi đối diện với yêu cầu hay lời mời của người khác, nếu lời nói không cân nhắc, không để ý đến hoàn cảnh và cảm xúc của người khác cũng có thể khiến đối phương phật lòng. Thái độ nhẹ nhàng, chân thành thể hiện là cách duy trì mối quan hệ thân thiện một cách khôn ngoan.
Nhà văn Lỗ Tấn từng chia sẻ: "Tôi từng cho rằng, người khác tôn trọng tôi, là bởi vì tôi rất tốt đẹp. Nhưng, sau này tôi mới hiểu, người khác tôn trọng tôi, là bởi vì chính bản thân họ vốn rất tốt đẹp.
Trong các mối quan hệ, phải chân thành đối đãi, mới nhận được sự chân thành. Khi giao tiếp với người khác, chúng ta nên quan tâm đến cảm xúc của đối phương.
Một người bạn của tôi, anh Trương gần đây thường nhắc đến chuyện mình bị bệnh dạ dày khi nhập viện trong các buổi tụ họp, có bạn bè tinh ý nhận ra ẩn ý trong lời nói của anh.
Sau khi hỏi riêng, mới biết rằng: Anh Trương từng thường uống rượu, anh có vài người và trong các buổi tụ họp, họ thường ngồi uống rượu, trò chuyện với nhau. Vì uống nhiều rượu, anh bị đau dạ dày. Sau này, vẫn có bạn gọi điện vào nửa đêm rủ rê đi nhậu, vợ của anh Trương tức giận định mắng người, nhưng anh Trương đã ngăn lại.
Anh cho rằng bạn bè không có ác ý, bình thường còn có việc làm ăn qua lại, không nên làm mất lòng. Anh Trương liền giải thích rằng mình bị đau dạ dày nên không thể tham gia, bạn bè cũng không ép buộc nữa, còn cười bảo: "Vậy lần này không gọi cậu nữa". Từ đó về sau, khi gặp những buổi tiệc như vậy, anh đều nói với bạn bè rằng anh bị đau dạ dày rồi từ chối.
Khi phải đối diện với những lời mời khó chấp nhận, học cách khéo léo sử dụng cách diễn đạt tinh tế, vừa giữ được haisự hài hòa cho mối quan hệ, vừa tránh được những phiền phức không cần thiết.
Như vậy mới có thể làm cho mối quan hệ giữa đôi bên ngày càng gắn kết.
Ảnh minh họa.
03. Đặt mình vào vị trí người khác và chuẩn bị phương án thay thế
Trên MXH từng có một câu hỏi: "Những chi tiết nào khiến người khác cảm thấy bạn là một người có EQ cao khi giao tiếp?".
Một câu trả lời là: "Biết cách tạo "lối đi" cho đối phương trong mọi việc, khi xảy ra bất đồng quan điểm, có thể kiểm soát cảm xúc, chủ động hòa giải và khi từ chối người khác, bạn sẽ chủ động tìm "đường lui" cho đối phương".
Người có EQ cao luôn được yêu mến, khi quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng, cái gọi là EQ cao chỉ đơn giản là biết nghĩ cho người khác, biết đặt mình vào hoàn cảnh của họ, đối xử với người khác một cách chân thành.
Người EQ cao tinh tế thấu hiểu người khác mà không để lộ ra ngoài, khi từ chối lời mời mà mình không muốn tham gia, họ cũng sẽ đề xuất một phương án thay thế.
Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác vừa là một sự khôn ngoan, vừa thể hiện sự tôn trọng và thấu hiểu đối với người khác.
Trước đây, trong một chương trình truyền hình thực tế, một khách mời đã được khách mời khác mời làm phù dâu. Đối diện với lời mời bất ngờ, khách mời này khá bối rối, nhưng cô ngay lập tức phản ứng lại, khéo léo từ chối: "Sợ làm phù dâu nhiều quá sẽ không lấy chồng được."
Sau đó, cô còn đề xuất một phương án thay thế: "Hay là để tôi là người đưa nhẫn cưới cho hai bạn được không".
Chỉ với 2 câu ngắn gọn, vị khách mời này đã khéo léo từ chối lời mời mà không khiến không khí trở nên ngại ngùng, thậm chí còn khiến buổi trò chuyện trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn.
Khi từ chối ai đó, nếu có thể đặt mình vào vị trí của người khác và chủ động đề xuất một phương án thay thế, đối phương sẽ cảm nhận được sự tôn trọng và quan tâm từ phía bạn.
Cách giao tiếp này không chỉ thể hiện rõ ràng ranh giới, mà còn truyền tải sự ấm áp và thông minh.
Tôi khá đồng tình với câu nói này: "'Hẹn hôm khác' là một câu kết thúc cuộc trò chuyện rất hay, vừa giữ được phép lịch sự, vừa chấm dứt cuộc trò chuyện một cách hiệu quả".
Khi một người mời bạn tham gia một buổi tiệc, nếu bạn không muốn đi, bạn có thể chủ động đề xuất gặp nhau vào dịp khác.
Có lẽ lần sau bạn vẫn không thể tham gia nhưng cách từ chối nhẹ nhàng và tinh tế sẽ thể hiện sự chân thành của bạn, đồng thời giữ thể diện và lòng tự trọng cho đối phương. Bạn khiến người khác cảm thấy thoải mái, họ cũng sẽ không làm bạn cảm thấy khó xử.
Biết cách từ chối lời mời, mỉm cười nói "không" là cách bạn có trách nhiệm với mình. Học cách từ chối một cách chọn lọc, giữ gìn các mối quan hệ thân thiết một cách hài hòa, đó là một sự khôn ngoan lớn trong cuộc sống.
Chỉ khi có qua có lại, mối quan hệ mới bền vững, chỉ khi đối đãi bằng tấm lòng chân thành, tình cảm mới lâu bền.
Học cách cư xử khéo léo và từ chối một cách tinh tế là một bài học cần thiết trong giao tiếp hàng ngày. Thời gian là quý giá, thay vì ép buộc bản thân tham gia vào những buổi tiệc nhàm chán, không hứng thú, hãy học cách từ chối thích hợp, dành thời gian cho những người quan trọng và công việc cần thiết.
Theo Toutiao