Thanh gươm báu rơi xuống đáy sông thì vĩnh viễn nằm lại ở đó; muốn tìm gươm báu thì phải quay lại chính nơi đã đánh rơi mà tìm. Những ai vẫn còn quá cố chấp, lấy tiêu chuẩn đạo đức xã hội đang “xuống dốc không phanh” kia mà tự đo lường bản thân mình, thì chỉ là việc làm “đánh dấu mạn thuyền tìm gươm”, chẳng khác nào “mò trăng đáy nước”…

Nói đến cổ học, chúng ta không thể bỏ qua cuốn sách Lã Thị Xuân Thu do Lã Bất Vi – Thừa tướng đời nhà Tần làm chủ xướng biên soạn. Sách này được các sử gia đời sau đánh giá cao về ý tưởng, xem đó là điều Tứ công tử Chiến Quốc không sánh được với ông, vì họ nuôi khách chỉ chủ yếu để bành trướng thế lực chứ không có ý đồ sâu xa như Lã Bất Vi.

Nghe nói: Sau khi làm xong quyển Lã Thị Xuân Thu, Lã Bất Vi đem treo sách ở cửa Hàm Dương nói rằng: “Ai bớt được, hay thêm được một chữ thì thưởng cho ngàn vàng”.

Trong sách có câu chuyện:

Có người nước Sở đi đò qua sông khi ngồi đò vô ý đánh rơi gươm xuống sông. Anh ta vội vàng đánh dấu vào mạn thuyền nói rằng: “Gươm ta rơi ở chỗ này đây!”.

Lúc thuyền vào bến, anh ta cứ theo chỗ đánh dấu lặn xuống nước tìm gươm. Thuyền đã đi đến bến, chớ gươm rơi đâu thì vẫn ở đấy, có theo thuyền mà đi đâu. Tìm gươm như thế chẳng khờ dại lắm ư!

Người ôm giữ cố chấp cả đời cũng chẳng thể thành tựu được chi - 0

Đánh dấu mạn thuyền tìm gươm, chẳng khác nào “mò trăng đáy nước”… (Ảnh: pixabay.com)

Lời bàn:

Quả nhiên, khi đọc xong câu chuyện thì khó có thể thêm, bớt điều gì như chủ biên Lã Bất Vi đã khẳng định. Tuy nhiên, khi xem xong một cuốn sách hay một câu chuyện, chúng ta cũng không thể không có đôi lời cảm thụ tùy theo quan điểm riêng của mỗi cá nhân mà tự đúc rút cho mình bài học.

Câu chuyện kể trên tuy rất ngắn gọn; chỉ vẻn vẹn tám chục chữ nhưng đã cho ta một bài học quý báu, không khác nào một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai còn đang trong mê lạc.

Thanh gươm rơi xuống sông thì ở ngay chỗ rơi. Nếu muốn tìm gươm tất phải lặn xuống chỗ rơi mà tìm, cớ sao lại đánh dấu vào mạn thuyền, đợi đến lúc thuyền cập bến, mới lặn xuống nước tìm?

Lịch sử luôn trôi đi theo dòng chảy của thời gian: 2500 năm trước, đứng bên bờ Trường Giang nhìn sóng nước cuồn cuộn chảy về Đông một đi không trở lại, Khổng Phu Tử từng cảm thán: “Thời gian như sóng nước trôi không quản ngày đêm”… 1500 năm sau, một thi sĩ cũng đứng trước cơn sóng lớn của dòng Trường Giang mà phiền muộn:

“Sông lớn cuồn cuộn chảy về Đông Bạc đầu ngọn sóng cuốn anh hùng”

Tuy những con sông lớn và những dòng chảy lớn như sông Trường Giang vẫn tồn tại như vô tri trước đất trời, nhưng nó đã chứng kiến tất cả sự đổi thay của dòng lịch sử nhân loại và mang theo trong đó tất cả những trung, gian, thiện, ác, oán, hận, tình, sầu…. Như áng mây trôi có khi tụ khi tan, như đời người có khi ly biệt khi đoàn viên. Nói như vậy để thấy rằng, tuy sự đời luôn luôn thay đổi, song quy luật trong trời đất vẫn không hề đổi thay.

Trái đất vẫn luôn tự quay vòng chung quanh nó, chín đại hành tinh vẫn luôn xoay quanh mặt trời. Lý của vũ trụ vẫn không hề thay đổi. Tiêu chuẩn đạo đức của con người cũng đồng thời tồn tại vĩnh viễn ở đó như sự bất biến như vũ trụ bao la kia…

Người ôm giữ cố chấp cả đời cũng chẳng thể thành tựu được chi - 1

Con người muôn đời nay đều đang kiếm tìm, nhưng cũng chẳng khác gì anh chàng tìm gươm nọ. Tìm mãi cũng chẳng thấy điều mình cần… (Ảnh: pinterest.com)

Thanh gươm báu rơi xuống đáy sông thì vĩnh viễn nằm lại ở đó; muốn tìm gươm báu thì phải quay lại chính nơi đã đánh rơi mà tìm, cũng như đi tìm chân lý thì phải tìm được Chính Pháp. Con đường “Phản bổn quy chân” mới là nơi ta tìm về căn nguyên của sinh mệnh con người. Những ai vẫn còn quá cố chấp, ôm giữ cái quan niệm đã biến dị theo thời gian mà tự lấy làm bản sự, hoặc những ai lấy tiêu chuẩn đạo đức xã hội đang “xuống dốc không phanh” kia mà tự đo lường bản thân mình, thì chỉ là việc làm “đánh dấu mạn thuyền tìm gươm”, chẳng khác nào “mò trăng đáy nước”. Mong có được thành tựu đều chỉ là vọng tưởng!

 

Nguồn: Thái Bảo

DKN.tv




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC