Ngày lễ Giáng sinh xuất phát từ phương Tây nhưng gần đây đã trở thành quen thuộc với người Việt.
Theo truyền thuyết, chúa Giêsu được sinh tại Bethlehem thuộc xứ Judea nước Do Thái (ngày nay là 1 thành phố của Palestine), lúc bấy giờ thuộc Đế quốc La Mã, khoảng giữa năm 7 và năm 2 TCN.
Lễ Noel hay còn được gọi là lễ Giáng Sinh, khởi thủy là ngày lễ của những người theo đạo Kitô giáo. Nhưng trải qua thời gian, lễ Noel được xem là một ngày lễ quốc tế.
Lễ Noel được cử hành chính thức vào ngày 25/12. Nhưng theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm nên Noel thường được mừng từ tối ngày 24/12. Ngày 25/12 được gọi là "lễ chính ngày", còn lễ đêm 24/12 gọi là "lễ vọng" và thường thu hút nhiều người tham dự hơn.
Ngày Noel cũng là một thông điệp của hòa bình: "Vinh danh Thượng Đế trên cao – Bình an cho người dưới thế ” là câu được hát bởi những thiên thần báo tin sự xuất hiện của vị cứu thế và Noel cũng là ngày người ta chia sẻ với những ai bị bỏ rơi, bị cô đơn, bệnh hoạn, già yếu.
Tên gọi Christmas
Chữ Christmas gồm có chữ Christ và Mas. Chữ Christ (Đấng chịu sức dầu) là tước vị của Đức Giêsu. Chữ Mas là chữ viết tắt của Mass (thánh lễ). Khi chữ Christ và Mas viết liền thành ra chữ Christmas. Christmas có nghĩa là ngày lễ của Đấng Christ, tức là ngày lễ Giáng sinh của Đức Giêsu.
Ông già Noel
Trong dịp lễ Giáng sinh, ông già Noel thường mặc bộ đồ màu đỏ viền trắng, thắt lưng da đen, đội chiếc nón đỏ với chòm râu dài trắng, bộ mặt hóm hỉnh, tiếng cười "hô hô hô". Nhiều ý kiến cho rằng ông già Noel chính là hiện thân của thánh Nicolas - một vị thánh nổi tiếng bởi lòng nhân hậu vô biên.
Theo truyền thuyết, vào đêm Giáng sinh, ông già Noel sẽ cưỡi tuần lộc bay từ trên trời xuống theo đường ống khói và bỏ quà vào những chiếc bít tất.
Ý nghĩa việc mọi người tặng quà trong ngày lễ Giáng sinh
Việc tặng quà Giáng sinh, với người Công giáo còn có ý nghĩa sâu sắc. Chúa Jesus đã chịu đóng đinh lên cây thập tự giá và hy sinh cho nhân loại. Do đó, việc tặng quà ngày nay được coi như hành động mô phỏng việc bạn làm cử chỉ hy sinh nhỏ cho người khác, không kỳ vọng được đáp trả. Với người theo tôn giáo này, tặng quà Giáng sinh cũng là cách bày tỏ tình cảm yêu mến giữa những người thân với nhau.
Gậy kẹo bắt nguồn từ quốc gia nào?
Vào những năm 1800, một người thợ làm bánh kẹo của Ấn Độ muốn biểu đạt ý nghĩa của lễ Giáng sinh qua những chiếc kẹo. Qua cây gậy kẹo của mình, ông thể hiện tình yêu và sự hy sinh của Đức Chúa. Màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, trong trắng của Đức Chúa. 3 sọc nhỏ tượng trưng cho những đau đớn Ðức Chúa phải chịu trước khi ngài chết và biểu hiện 3 ngôi thiêng liêng của Chúa (sự hợp nhất của Cha, Con và Thánh thần). Lật ngược cây kẹo, đó là chữ "J", tên chúa Jesus.
Thiệp Giáng sinh bắt nguồn từ đâu?
Bắt nguồn từ năm 1843, khi ông Henry Cole (1808-1882, thương gia giàu có nước Anh) nhờ John Callcott Horsley (1817-1903, họa sĩ ở London) thiết kế một tấm thiệp thật đẹp để tặng bạn bè. Không lâu sau, trào lưu này du nhập sang Đức và tới 30 năm sau, người Mỹ mới chấp nhận nó.
Ngôi sao Giáng Sinh
Ngôi sao 5 cánh thường xuất hiện rưc rỡ đủ màu sắc trong mùa Giáng sinh. Một ngôi sao to lớn được treo ở chỗ cao nhất của tháp chuông nhà thờ. Từ đó căng giấy ra bốn phía,có nhiều ngôi sao nhỏ, treo đèn lồng và kết hoa rất đẹp mắt.
Ngôi sao trong lễ Giáng sinh có ý nghĩa đặc biệt, theo tương truyền lúc Chúa vừa chào đời thì xuất hiện một ngôi sao rực rỡ. Ánh sáng tỏa ra mấy trăm dặm còn nhìn thấy. Từ các vùng phía đông xa xôi nay thuộc lãnh thổ Iran va Syria, có 3 vị vua được mặc khải tin rằng cứ lần theo ánh sáng ngôi sao tìm tới chắc chắn sẽ gặp phép lạ gọi là lễ ba vua.
Từ đó, 3 vị tìm theo sự dẫn đường của ánh sáng để đến được thành Bethelem nơi Chúa đã ra đời. Ba vị này thân quỳ trước mặt Chúa, dâng lên Chúa các vật phẩm trầm hương và vàng bạc châu báu.
Ngôi sao trở thành biểu tượng ý nghĩa trong mùa Giáng sinh và được treo chỗ sang trọng nhất ở các giáo đường, cơ sở tôn giáo trong đem Giáng sinh để nhớ đến sự tích trên. Do ý nghĩa ngôi sao còn tượng trưng cho phép lạ của Thượng đế./.
Nguyễn Trang/VOV.VN