Có một câu nói tôi vô cùng tâm đắc: “Hãy cứ đứng sau lưng của người khác nếu suốt đời bạn chỉ là kẻ nói xấu. Khi bạn đang mải mê làm cái bóng thì họ đã rất nhanh chóng tìm thấy được cái đích của mình”.

“Này cái A chỉ được cái nhà giàu chứ chẳng có tài cán gì đâu”.

Hay “nhà ông B to thế kia chắc chắn là tham nhũng mới được như thế rồi. Đời nào phất nhanh thế, toàn tiền bẩn thôi…”.

Đây chỉ là những câu nói “nhẹ nhàng” mà ít nhất một lần trong đời chúng ta từng mắc phải khi nói xấu người khác. Bạn có tự tin rằng mình chưa một lần nói lỗi của người? 

Có muôn vàn lý do để chúng ta nói xấu người khác. Nhưng hành động đó thường xảy ra ở sau lưng người ấy. Vì chúng ta cũng lo lắng và không muốn người khác lôi cái xấu của bản thân ra để “phản công” lại.

Và hành động này đa phần làm cản trở hành trình tu tập của chúng ta. 

Trong cuộc sống ngày nay, nhiều người có thói quen đi nói xấu người khác mà họ hoàn toàn không nhận ra được thói quen đó. Cũng giống như “mưa dầm thấm lâu”, những hành động ấy cứ ngày ngày được “luyện tập” và trở thành một hành động vô thức lúc nào không hay. 

Tôi vẫn nhớ những ngày tháng khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường, những câu chuyện vào giờ nghỉ của chúng tôi luôn xoay quanh việc bình phẩm người khác. Người này xấu, người kia béo, người kia ki bo… Nói cho “sướng” cái miệng, thỏa cái thân mà chẳng đọng lại gì sau mỗi câu chuyện đó. Sau này khi học về giáo lý của Đức Phật thì tôi nhận ra rằng: hạ thấp giá trị của người khác không làm tăng thêm giá trị cho bản thân mình! 

Nói xấu người, ta cũng chẳng đẹp lên! - 0

Có một câu nói tôi vô cùng tâm đắc:

“Hãy cứ đứng sau lưng của người khác nếu suốt đời bạn chỉ là kẻ nói xấu. Khi bạn đang mải mê làm cái bóng thì họ đã rất nhanh chóng tìm thấy được cái đích của mình”.

Khi bàn luận về những sai lầm của người khác với cái tâm không thiện ý là khi đó chúng ta đang tự xác nhận rằng mình là người tốt hơn, mình là người không có lỗi. Mình chỉ muốn người khác tôn trọng hay tôn vinh mình, mà từ đó mình đi nói lỗi của người khác, để tự khoe khoang bản thân. Làm như vậy chỉ có thể thỏa mãn được cái tôi trong nhất thời và cuối cùng dẫn tới một kết quả bi đát, đó là chúng ta tự hủy hoại bản thân mình. Tức là lòng tự trọng của bản thân ta đang bị xói mòn dần. 

Ngày trước tôi cũng mắc thói quen hay nhìn vào khuyết điểm của người khác. Cứ nghĩ những câu nói vô thưởng vô phạt đó chẳng làm hại ai nên tôi cứ vô tư bình luận. Khi nhận ra hành động ấy là không tốt thì tôi đã tập cho bản thân mình một thói quen. Trước khi bình luận một người nào đó tôi lại lẩm bẩm câu “thần chú”: không nhìn lỗi người, không nhìn lỗi người. Dần dà không ít thì nhiều tôi cũng tập bỏ đi thói quen không tốt này. 

Thấy lỗi của người khác cũng đồng nghĩa với việc chúng ta bỏ lỡ đi cơ hội để yêu thương họ. Vì một khi ngã chấp tăng lên rồi thì chúng ta đâu thể nhìn họ bằng con mắt yêu thương và thông cảm.Điều ấy sẽ khiến chúng ta không có khả năng để nuôi dưỡng bản thân một cách hợp lý với sự hiểu biết chân tình khi chúng ta đem vào tâm mình những độc tố.

Cho nên chúng ta đã vô tình bỏ qua những điều đáng quý ở trong cuộc sống này.

Thay vào đó lại mải miết, đeo bám những phiền não, sầu muộn của thế gian. Đó chính là sai lầm lớn của một con người!

Không nói xấu người khác không có nghĩa là chúng ta làm ngơ trước lỗi của người khác, nhất là lỗi của bản thân mình. Nhưng chúng ta không nên có thái độ, cư xử miệt thị người khác khi người đó phạm sai lầm. Đối lập với việc nói xấu người khác là nói với sự hiểu biết và thương yêu. Những ai đang bước đi trên con đường tu học và những ai muốn sống hòa hợp với người khác thì việc phát ngôn với sự hiểu biết và thương yêu là điều rất quan trọng.

Việc thừa nhận những phẩm chất tốt của người khác khiến cho lòng mình cảm thấy hạnh phúc, bình an. Không những vậy, nó còn tạo ra bầu không khí hài hòa và đem đến cho người khác sự phản hồi hữu ích.

Khen ngợi người khác là một việc mà chúng ta cần phải thực tập trong quá trình tu tập của mình. Tuy nhiên việc khen ngợi cần diễn ra trong sự tỉnh thức. Khi chúng ta biết trân trọng tài năng cũng như những phẩm chất tốt đẹp của người khác thì chúng ta sẽ cảm thấy hoan hỉ và người khác cũng vậy.

Khi gieo hạt giống từ những hành vi tích cực ở trong tâm thức của mình, chúng ta sẽ tạo được nhân duyên cho những mối quan hệ hòa ái và cho sự thành tựu những mục đích tâm linh cũng như những mục đích trong cuộc sống đời thường.

“Nếu là bậc chân tu,

Không thấy lỗi của người.

Nếu như thấy lỗi người,

Mình chê, là kém dở!

Người quấy, ta đừng quấy.

Ta chê, tự có lỗi.

Muốn phá tan phiền não,

Hãy trừ tâm thị phi.

Thương ghét chẳng để lòng,

Nằm thẳng đôi chân nghỉ!”

 

Kim Tâm - PGVN 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC