Những năm gần đây khi công nghệ phát triển, bạn bè, người yêu, vợ chồng, đối tác thường trao đổi với nhau qua email, Facebook, Zalo… Rất ít người còn lưu giữ hay có thói quen gửi thư tay.
Ngày nay ít người có thói quen gửi thư tay - Ảnh: K.XUÂN
Tôi chưa từng nghĩ có ngày những bức thư sẽ là câu chuyện gây ngạc nhiên trên Facebook. Thế nhưng một ngày mệt mỏi như hôm nay, mở vài lá thư cũ ra đọc, thấy mình vui và thật sự hạnh phúc.
K.X.
"Chúc người yêu một ngày vui vẻ và hạnh phúc. Yêu em" - đó là những lời bình dị trong cánh thiệp mà tôi nhận được từ người yêu mà bây giờ là chồng của tôi cách đây 10 năm.
Đời người qua những bức thư
Một buổi sáng mùa xuân, Hà Nội vẫn còn trong cái se lạnh, tôi mở tủ để tìm một cuốn sách cũ. Góc nhỏ đó cũng là nơi cất giữ hàng trăm lá thư và những cánh thiệp của tôi - người phụ nữ U-30 sống hiện đại nhưng luôn thiết tha với những kỷ niệm.
Tôi rút ngẫu nhiên trong đống thư đó ra một lá rồi đọc, vừa đọc vừa cười giòn tan như được trở lại với tuổi 18.
Đó là bức thư của một người bạn học ngành giao thông gửi đến với những lời lẽ ngọt ngào nhưng có nhiều lỗi chính tả được người nhận thư khi đó lấy bút đỏ gạch chân rất nhiều.
Như muôn vàn lá thư của gần 20 năm trước, mở đầu thư luôn là: "Bạn phương xa và nhớ nhiều", kết thúc thư là những dòng thơ tình kiểu thơ "con cóc".
Trong xấp thư vài trăm cái có nhiều bức đã hoen mực, nhiều bức hắc mùi bởi những lá thư được gửi lúc đó đã được người gửi ướp hương. Có một tập thư khoảng 30 bức của một người bạn giờ công tác trong một đơn vị của Bộ Quốc phòng.
Chữ nghĩa đều tăm tắp, thư qua thư lại rất nhiều nhưng chưa một lời tỏ tình nào được nói ra.
Sau này khi cả hai đã lập gia đình, sinh con cái, những câu chuyện về thời 18 tuổi lại được mang ra kể thật xúc động bởi thứ tình cảm trong sáng, ngây thơ đó.
Có một vài lá thư trong veo của thời sinh viên đói ăn, thiếu mặc và thời gian thì có thừa đến từ một người mà tôi thậm chí chẳng nhớ tên nhớ mặt. Khi cẩn thận đọc lại những lá thư đó mới biết đó là một sinh viên ở Học viện An ninh gửi đến.
Chuyện kể rằng khi đó tôi thường đạp xe đến Học viện An ninh để thăm một người bạn thân học ở đó.
Học viện An ninh là nơi người ngoài không thể tự ý vào trong, thời điểm năm 2003 khi mà điện thoại di động, Internet còn chưa có thì đến gặp bạn chỉ có cách là nhờ các sinh viên đi qua đi lại ngoài cổng chạy vào tìm hộ.
Cả ba lần tôi ngồi chờ bạn ở cổng trường thì Đ.P.H. đều gặp và xin được đi gọi bạn hộ. Và thế là có một tình bạn đã được gây dựng giữa H. và tôi qua những lá thư tay, thật trong trẻo và hồn nhiên.
Còn ai viết những dòng thư tay?
Giữ lại những bức thư, tấm thiệp, những cuốn sổ lưu bút... là một thói quen của tôi từ khi còn bé. Cũng như bao người khác, tôi có một thời gian dài đi trọ học từ lớp 12 cho đến khi học đại học trong những căn phòng chỉ 8-10m2.
Cho đến năm 28 tuổi khi sở hữu căn nhà đầu tiên thì trước đó tôi đã phải chuyển qua 16-17 phòng trọ.
Thế nhưng sách, sổ ghi chép, thư tay, thiệp... là những thứ tôi luôn mang theo và cất giữ cẩn thận.
Những năm gần đây khi công nghệ phát triển, bạn bè, người yêu, vợ chồng, đối tác thường trao đổi với nhau qua thư điện tử..., rất ít người còn lưu giữ hay có thói quen gửi thư tay, thiệp chúc mừng như 20-30 năm trước.
Nhiều người có thể nghĩ rằng thói quen của tôi thật "sến sẩm", thời này làm gì có ai còn viết thư tay, tặng thiệp hay giữ lại những điều đó cho chật tủ.
Thế nhưng thật ngạc nhiên và thú vị khi tôi biết rằng với nhiều người ở ta hay ở các nước phương Tây, thói quen viết thư tay, tặng thiệp, tặng ảnh gia đình lại không chỉ là chuyện của quá khứ mà vẫn là hiện tại.
Xã hội có phát triển đến đâu thì tình cảm con người là thứ trân quý nhất. Có nhiều cách để gửi trao, lưu giữ lại những kỷ niệm đó. Với tôi, cách gửi và lưu giữ những bức thư, tấm thiệp hay những món quà nhỏ là điều tuyệt vời.
Trao gửi yêu thương
Năm 2011 khi tôi làm đám cưới, ông bà thông gia của bố mẹ chồng tôi là một gia đình người Pháp ở thành phố Lyon đã gửi cho chúng tôi một món quà nhỏ và một bức ảnh đại gia đình họ. Đằng sau bức ảnh hạnh phúc đó là những dòng chữ yêu thương chúc cho hạnh phúc của vợ chồng tôi.
Khi nhận món quà, tôi thực sự bất ngờ và hỏi chồng:
Đến giờ người Pháp vẫn có thói quen tặng ảnh gia đình họ và thiệp cho người khác hả anh?
Chồng tôi là một người từng có nhiều năm học tập tại Pháp, làm việc ở nước ngoài nhiều, anh nói "chưa bao giờ việc đó thay đổi".
Anh kể thêm rằng khi những đứa cháu của anh ở Pháp được sinh ra, việc đầu tiên cha mẹ chúng làm là gửi một tấm ảnh của em bé đến họ hàng, người thân với những thông tin về em bé để mọi người cùng chúc phúc.
Người thân cũng sẽ gửi những tấm thiệp chúc mừng đến hòm thư của gia đình em bé mới sinh.
Em gái tôi - tình nguyện viên cho một tổ chức phi chính phủ đang làm việc tại Anh - cũng thường cho tôi xem những tấm thiệp, thư tay mà bạn bè em từ khắp nơi trên thế giới gửi tặng vào các dịp lễ.
Đó có thể là một tấm thiệp gửi những lời yêu thương, có thể là một dụng cụ nhà bếp được khắc lên nhiều lời chúc, thậm chí là một bức ảnh được làm thủ công cầu kỳ ghi lại khoảnh khắc của những người bạn với nhiều lời đẹp đẽ ở phía sau.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online