Có khoảng 20 triệu hành lý bị thất lạc tại các phi trường trên thế giới mỗi năm. Bạn có tò mò về cuộc đời của những chiếc vali này?
Thế nhưng vì mỗi năm có tới hàng tỉ chuyến bay, điều này có nghĩa chỉ có khoảng 0.7% khách hàng sẽ cảm thấy thất vọng khi đợi lấy hành lý.
Theo SITA, một công ty chuyên cung cấp thiết bị công nghệ cho phi trường, tỉ lệ hành lý thất lạc đã giảm nửa trong thập kỉ qua nhờ sự cải tiến về công nghệ và nhờ các hệ thống hợp nhất.
Hành lý thất lạc vì lý do gì?
Báo cáo của SITA cũng chỉ ra rằng 45% số hành lý không đến đúng địa điểm hành khách đáp xuống là do nhầm lẫn khi khách chuyển phi cơ.
Việc vận chuyển hành lý có thể bị chậm trễ khi chuyến bay chuyển tiếp tới quá sớm khiến hành lý không chuyển lên kịp, hoặc hành lý không được lấy kịp từ kho trong trường hợp có nhiều trạm nghỉ phải đợi lâu.
“Đằng sau phi trường là băng chuyền dài tận vài kilomet”, Darren Halmilton, Trưởng phòng Dịch vụ của công ty cung cấp băng chuyền ANSIR, cho SBS biết.
Lỗi đọc thẻ hành lý cũng có thể là nguyên nhân hành lý bị thất lạc.
“Có thể thẻ hành lý bị mắc kẹt ở đáy túi, có thể thẻ đã bị xé, hoặc có thể máy đọc thẻ sai,” Darren cho biết.
Trên thực tế, nếu các số liệu của SITA là chính xác thì việc chỉ có 20 triệu hành lý bị thất lạc thực ra là một điều kì diệu.
Một video quay năm 2015 tại phi trường Schipol ở Amsterdam cho thấy hệ thống khay, đường chuyền, cầu thang máy và máy đọc ở phi trường có thể vô cùng hỗn độn và gấp rút.
Vậy nhưng những thiết bị này hầu hết không mắc lỗi.
Rủi ro lớn nhất là thẻ hành lý bị xé rách, vì khi đó gần như chắc chắn nhân viên hàng không sẽ không thể tìm được chủ nhân của hành lý.
Thế nhưng chúng ta vẫn có hi vọng nhờ Worldtracer, 1 hệ thống dò tìm có nhiệm vụ mang hành lý thất lạc về với chủ nhân của chúng.
Là một sáng kiến của SITA và Hiệp Hội Hàng Không Quốc tế, WorldTracer kết nối các hệ thống hành lý của các sân bay trên thế giới và lập một cơ sở dữ liệu chung.
Tìm đường về nhà
SITA cho biết phần lớn các hành lý thất lạc sẽ tìm được chủ nhân và gửi về nhà.
Hầu hết nhân viên phi trường sẽ sử dụng số đăng ký ở trên giấy biên nhận hành lý để tìm chủ nhân của hành lý. Nếu giấy đã bị xé thì họ sẽ đọc và khớp thông tin miêu tả túi và vali của hành khách có hành lý thất lạc với những túi và vali họ đang giữ.
Nếu trên các túi xách hoặc vali có địa chỉ và thông tin liên lạc thì nhân viên hành lý sẽ liên lạc và gửi hành lý về nhà của hành khách.
Nếu không, các nhân viên sẽ phải tìm hành khách khai báo có thông tin miêu tả hành lý khớp với hành lý họ trông giữ. Nhiều nhân viên thậm chí còn phải mở túi để tìm thông tin về chủ nhân của chúng.
Hiện tại chúng ta vẫn chưa có một hệ thống toàn cầu theo dẫu các hành lý kí gửi, và WorldTracer chỉ được sử dụng khi hành lý bị thất lạc. Thế nhưng các phi trường và các hãng hàng không trên thế giới đang có ý định thiết lập một hệ thống theo dấu tình trạng của hàng lý vào tháng 6 năm 2018. Hệ thống này sẽ theo dõi hành trình của một chiếc túi kí gửi từ khi nó được mang lên phi cơ, mang xuống phi trường và qua các hệ thống chân chuyển
“Việc khách hàng có thể theo dấu hành lý của mình như là theo dấu bưu kiện sẽ giúp họ đỡ căng thẳng khi đợi ở khu vực lấy hành lý,” Francesco Violante, CEO của SITA, phát biểu trong báo cáo của công ty.
Hành trình của hành lý được kí gửi
“Sau khi hành lý được kí gửi, nó sẽ đi qua một cái lỗ trên tường và phần thép bóng không tì vết mà bạn có thể thấy ở bên ngoài. Sau đó, túi sẽ được kiểm tra bởi máy chiếu x-ray để bảo đảm nó không có mối đe doạ nào,” Darren Hamilton cho biết.
“Nếu máy x-ray phát hiện cái túi có mối đe dọạ, người điều hành sẽ kiểm tra túi lại lần nữa qua x-ray,” Hamilton nói.
“Nếu lần thứ 2 túi vẫn bị coi là có mối nguy hiểm thì nó sẽ được xếp mức độ 3. Lúc này nhân viên điều hành sẽ gọi chủ nhân của cái túi này tới và kiểm tra. Nếu không ai tới nhận hành lý, hành lý sẽ được cho vào một thùng đựng hàng có khả năng chịu được bom và được đưa tới một nơi phủ tarmac và cho nổ,” Darren cho biết.
Còn nếu hành lý không bị đem phá huỷ thì nó sẽ đi qua một hệ thống đọc thẻ tự động. Hệ thống sẽ nhận dạng địa điểm đến của cái túi và tự động chuyển nó tới đường băng chuyền thích hợp.
Sau đó đường băng chuyền sẽ chuyển cái túi tới phi cơ của khách.
Thế nhưng nếu hành lý của bạn lên được phi cơ trong khi bạn vẫn chưa có mặt lúc phi cơ đang chuẩn bị cất cánh thì các nhân viên sẽ vào khoang chứa đồ để tìm và lấy hành lý của bạn ra.
“Trường hợp duy nhất hành lý có thể ở trên phi cơ một mình là khi hành lý bị chuyển lên nhầm chuyến bay do lỗi của phi trường – do hệ thống chuyển hành lý tới sai địa điểm hoặc do lỗi đọc thẻ,” Darren nhấn mạnh.
Tuy thủ tục này có thể gây chậm trễ trong việc cất cách của phi cơ nhưng nó cần được thực hiện để bảo đảm an toàn hàng không.
Ngoài ra, với các nhân viên phi trường, việc có người đã làm thủ tục kí gửi hành lý, xong lại không lên phi cơ là một điều đáng nghi.
Quyền được bồi thường khi hành lý đến trễ hay biến mất
Khách hàng có hành lý đến trễ hoặc bị thất lạc có thể yêu cầu được đền bù dưới hiệp định Warsaw hoặc hiệp định Montreal, kể cả khi họ mất giấy biên nhận hàng lý. Họ cũng có thể yêu cầu hãng hàng không đền bù kể cả khi họ không có bảo hiểm.
Số tiền đền bù sẽ phụ thuộc vào độ trễ thời gian, giá trị hoặc sức nặng của hành lý. Thế nhưng các hãng hàng không có quyền từ chối nếu hành khách nộp đơn đòi bồi thường quá muộn.
Bạn nên khai báo và yêu cầu tiền bồi thường thiệt hại ngay khi bạn phát hiện những hư hại với hành lý vừa được trả về, hoặc 3 ngày sau đó (một số hãng hàng không có thể có hạn nộp lâu hơn).
Bạn cũng có thể nộp đơn yêu cầu bồi thường về việc hành lý đến trễ trong 14 ngày kể từ khi bạn nhận lại hành lý. Nếu hành lý của bạn vẫn chưa tới 7 ngày sau khi bạn hạ cánh thì bạn có quyền yêu cầu được bồi thường đầy đủ.
Nguồn: SBS