Thay vì làm bài tập hộ con, cha mẹ nên hướng dẫn từng bước. Trước khi giảng, hãy cho trẻ thời gian suy nghĩ kỹ, thử ít nhất 1-2 phương pháp.

1. Làm bài tập ở bất cứ đâu

Khi giúp con làm bài tập, cha mẹ nên chọn vị trí học cố định như phòng riêng hoặc bàn học của trẻ. Bạn không nên vừa nấu ăn vừa bảo con ngồi học tại bàn bếp và giảng bài vì cả hai không thể tập trung, ảnh hưởng đến tiến độ bài tập và sự tiếp thu của con. Tiêu chí để tổ chức góc học tập hiệu quả bao gồm: đủ ánh sáng, thoáng đãng, hạn chế tối đa tiếng ồn.

2. Phàn nàn về số lượng hoặc chất lượng bài tập được giao

Bạn không nên phàn nàn, nghi ngờ về số lượng bài tập do giáo viên giao. Nếu đánh giá bài tập khó hơn trình độ hiện tại của trẻ, bạn có thể kiến nghị riêng với giáo viên. Tuy nhiên, nếu bài tập phù hợp với trình độ, hãy giúp con hoàn thành mà không kêu ca.

Những lời phàn nàn, chỉ trích từ phía phụ huynh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quan điểm và động lực học tập của con. Những trao đổi nên diễn ra riêng biệt giữa phụ huynh và giáo viên, nhà trường, khi không có mặt trẻ.

3. Làm bài hộ con

Giúp đỡ và làm hộ là hai khái niệm khác nhau. Bạn có thể giảng bài cho con nhưng đừng làm thay. Nếu bạn làm thay, trẻ sẽ không hiểu kiến thức mà giáo viên đang cố gắng truyền đạt. Nó còn khiến trẻ thụ động, ỷ lại, coi thường việc học.

Điều phụ huynh nên làm là khuyến khích con cố gắng hết sức. Nếu con không làm được, bạn có thể hướng dẫn sơ qua, để lại những "kẽ hở" để trẻ động não suy nghĩ. Cách tốt nhất là để trẻ tự giải quyết bài tập. Khi trẻ không thể làm hoặc làm sai, hãy nhắc con chú ý lắng nghe bài chữa của cô và cố gắng tự làm bài sau đó.

4. Xem nhẹ bài tập

Nhiều học sinh có thể nghe hiểu bài giảng của giáo viên từ trên lớp mà không cần luyện tập nhiều nhưng như vậy không có nghĩa bài tập bị xem nhẹ. Có những bài tập trẻ được giáo viên trợ giúp tại lớp nhưng có những bài tập, đặc biệt là bài tập về nhà, các em phải tự tìm hướng giải quyết. Bài tập không chỉ để tiếp thu kiến thức mới mà còn củng cố kiến thức cũ, dạy trẻ học cách tự làm việc.

Khi trẻ làm nhiều bài tập, phụ huynh nên quan sát, đánh giá ưu, nhược điểm của con và thảo luận với giáo viên để tìm ra cách trau dồi kiến thức.

42 1 10 Sai Lam Khi Kem Con Hoc O Nha

Ảnh: Communalnews.

5. Quát mắng trẻ

Đừng quát mắng hoặc phàn nàn con học chậm, làm bài chậm hay học kém như thế nào. Khi trẻ làm bài tập, phụ huynh nên giữ không gian yên tĩnh, nghiêm túc. Những lời quát mắng, phàn nàn không chỉ ảnh hưởng đến sự tập trung mà còn có thể đánh vào lòng tự tin và nhiệt huyết học tập của trẻ. Nếu con gặp khó khăn với bài tập, bạn có thể khuyên con hỏi bạn bè, giáo viên vào ngày hôm sau.

6. Phớt lờ trẻ

Khi trẻ nhờ bạn giúp làm bài tập, chứng tỏ chúng đang gặp khó khăn và cố gắng cải thiện khả năng của bản thân. Đừng phớt lờ nguyện vọng của trẻ. Việc bạn giúp con làm bài tập là điều bình thường, chỉ không nên làm thay.

7. Kiểm soát tuyệt đối

Nếu trẻ nhờ bạn giải quyết bài tập về nhà, đừng vội giúp khi chúng mới gặp khó khăn. Trẻ phải có thời gian suy nghĩ kỹ càng, thử ít nhất 1-2 phương pháp trước khi tìm được sự trợ giúp. Như vậy, các em sẽ học được cách tư duy và đối phó với vấn đề một mình.

Trước khi giúp, hãy hỏi con hiểu bài tập như thế nào, đã thử các phương pháp ra sao và cùng thảo luận về cách làm mới. Nếu trẻ sợ sệt bị mắng khi phát biểu quan điểm, bạn nên khuyến khích con tự tin trình bày dù có thể đúng hoặc sai.

8. Tôn trọng ý kiến của con

Nếu bạn thấy con gặp khó khăn với bài tập, hãy nói chuyện riêng với giáo viên để thảo luận tìm cách cải thiện. Tuy nhiên trước đó bạn nên hỏi thăm ý kiến của con. Nhờ đó, trẻ có thể trình bày suy nghĩ, giải thích rõ hơn về các vướng mắc đang gặp phải để phụ huynh truyền đạt lại với giáo viên.

9. Gây áp lực về bài tập

Nếu bạn đăng ký cho con nhiều hoạt động ngoại khóa, nó có thể dẫn đến việc con phải nhận số lượng bài tập về nhà khổng lồ, gây áp lực lên thời gian và tinh thần học. Bạn nên thảo luận cùng con để chọn ra những hoạt động ngoại khóa phù hợp, hủy bỏ hoạt động không cần thiết.

Tại nhà, hãy để trẻ thư giãn hoặc có những quãng nghỉ trong thời gian làm bài tập. Không nên giục trẻ làm bài liên tục vì trẻ chỉ có thể làm việc hiệu quả khi được nghỉ ngơi tốt.

10. Không nhất quán

Bạn nên khuyến khích con đặt ra khoảng thời gian cụ thể để làm bài tập và duy trì quãng thời gian này. Trẻ nên làm bài tập vào cùng một khoảng thời gian, tại cùng một địa điểm. Các nghiên cứu chỉ ra trẻ sẽ làm việc hiệu quả, tập trung nếu hoạt động được lặp lại theo thói quen.

Tú Anh (Theo Smart Method)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC