Trên thực tế, khi bảo ban con cái có rất nhiều đều không như ý. Khi trẻ học không tốt, áp lực tâm lý khiến cha mẹ bực bội, tức giận mắng hoặc đánh con. Tuy nhiên, có rất nhiều lý do dẫn tới tình trạng học lực của trẻ kém. Trong đó, không hẳn toàn bộ lỗi đều thuộc về con.
Trước khi đánh mắng các con, cha mẹ cũng cần tự nhìn lại mình, xem bản thân có mắc những sai lầm dưới đây hay không, dẫn tới tình trạng con học ngày càng kém hơn.
Sai lầm thứ nhất: Liên tục thúc giục, ép con học
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng con học dốt vì lười, thời gian dành cho việc học chưa đủ nên ép con học thật nhiều. Đứa trẻ đi học cả ngày ở trường, đến tối lại tiếp tục phải ngồi vào bàn học, “học cho đến xong bài mới thôi”. Trẻ em hiếu động ham chơi, khi bị ép học quá nhiều dẫn đến mệt mỏi về tinh thần, sinh ra tâm lý ghét đi học, chỉ thích nghỉ.
Ảnh minh họa (nguồn: Báo Mới).
Hoặc có bậc phụ huynh, khi nhìn thấy con trẻ đang lúc rảnh rỗi hoặc đang vui chơi, liền thúc giục: “Tranh thủ mà học cho xong bài đi rồi mai nghỉ đỡ phải học”, “Con chơi đủ rồi đấy, đi làm bài tập ngay đi!”. Như vậy việc học, đáng lẽ là quá trình thú vị tìm hiểu và khám phá kiến thức đã trở thành một hoạt động bắt buộc và nhàm chán. Hậu quả là khiến con sinh ra tâm lý làm bài cho nhanh, qua loa để tiếp tục được chơi.
Nếu như mục tiêu của giáo dục là để con trẻ tiếp thụ kiến thức và nâng cao khả năng tư duy, thì có thể thấy, một đứa trẻ luôn học để đối phó, không phải xuất phát từ thực tâm hay niềm yêu thích đã không đạt được mục đích này.
Sai lầm thứ hai: Mắng mỏ và chê bai con
Bất cứ một câu nói nào của cha mẹ, nhất là những câu nói lặp lại, đều có thể hình thành khái niệm đối với trẻ. Những lời chê bai như “Sao con học dốt thế? Mẹ nói mãi mà không hiểu”, “Có mỗi học thôi mà con cũng không giỏi được là sao?” rất phổ biến.
Nhiều bậc phụ huynh khi dạy dỗ con, vì không đủ kiên nhẫn khi con chưa hiểu kiến thức nên thường xuyên có những lời chỉ trích về học lực của trẻ, vô tình khiến đứa trẻ nghĩ rằng “Mình học dốt”. Con sẽ không còn muốn cố gắng vì tự mặc định bản thân vốn không học giỏi.
Ảnh minh họa (nguồn: Bright side).
Thay vào đó, phụ huynh nên khen và khuyến khích những điểm tốt của con nhiều hơn. Ví dụ như nỗ lực của con trong học tập, đứa trẻ đã tiến bộ hơn so với trước… những điều này tuy có phần “vô hình” hơn điểm số nhưng cũng thể hiện cha mẹ đã đánh giá cao sự cố gắng của con.
Bằng cách khen ngợi từng thành tích nhỏ của trẻ, con sẽ dần tự tin hơn, cha mẹ cũng xây dựng được cho con niềm yêu thích học tập.
Sai lầm thứ ba: Quá quan tâm đến kết quả
Từng có bà mẹ luôn nói với con trai: “Nếu con được điểm 10 thì mẹ sẽ mua đồ chơi cho con”, “Chỉ được có 8 điểm thôi à, con nhìn xem con sai ở đâu rồi?”. Và đây không phải hiện tượng “hiếm” khi cha mẹ Việt dạy con.
Nếu dùng cách coi điểm số là tiêu chí để đánh giá con học giỏi hay dốt thì phụ huynh đã tạo cho trẻ một áp lực vô hình. Có nhiều lý do dẫn đến việc con làm bài không tốt ví như con bị mệt hôm đi thi, tâm trạng căng thẳng khiến con nhầm lẫn… Nếu cha mẹ luôn kỳ vọng con phải liên tục học tốt, chẳng phải chúng ta đã đặt nặng mong muốn của bản thân lên vai con rồi sao? Người lớn còn có thể mắc sai lầm, nữa là những đứa trẻ vốn đang mò mẫm từng bước tìm hiểu về cuộc sống.
Ảnh minh họa (nguồn: Dreamstime).
Hơn nữa có những đứa trẻ học giỏi ngoại ngữ, nhưng không giỏi toán hoặc các môn khoa học, nếu cứ tạo áp lực rằng con phải học đều tất cả các môn sẽ khiến con mệt mỏi hoặc sinh ra suy nghĩ mình phải được điểm cao bằng mọi cách. Từ đó mà hỏi bài bạn, quay bài để có được kết quả như cha mẹ mong muốn.
Sai lầm thứ tư: So sánh con với bạn A, bạn B
“Sao con không nhìn bạn A kìa, nhà nó khó khăn mà còn học giỏi thế”, “Con hãy xem bạn B kìa, lần nào bạn ấy cũng được tuyên dương ở lớp, con không xấu hổ à”. Một số phụ huynh cho rằng so sánh con với các bạn sẽ khiến con thấy chỗ thiếu sót của bản thân để thay đổi.
Thực tế thì đứa trẻ sẽ cảm thấy không được tôn trọng, tự ti và sinh ra tâm lý đố kỵ. Nếu như con chỉ cố gắng để vượt qua “đứa trẻ kia” thì mục đích học tập của trẻ chỉ là tranh hơn thua với người khác, chứ không phải xây dựng kiến thức, tạo giá trị cho bản thân.
Ảnh minh họa (nguồn: Phụ nữ Việt Nam).
Mỗi đứa trẻ giống như một gam màu của cuộc sống, vô cùng phong phú và đa dạng. Có bé thích học âm nhạc, có bé thiên hướng về ngôn ngữ, có em lại thích học toán và các môn khoa học… Cha mẹ không nên ép con hướng theo hình tượng của một người khác, mà nên khích lệ giúp con phát huy những điểm tốt.
Khi thấy trẻ học không tốt, trước khi trách mắng con, các bậc cha mẹ chúng ta đều nên nhìn lại bản thân một chút, xem xem cách dạy con của mình đã hiệu quả chưa, xem mình đã suy xét và cân nhắc cảm xúc của con chưa?
Phụ huynh nên nhớ, dạy con đạt điểm 10 hay học giỏi không phải mục đích cuối cùng mà dạy con trở thành một người có nhân cách tốt, thành tựu phẩm cách của con mới là điều mang đến lợi ích cho trẻ suốt cả cuộc đời.