Các bậc cha mẹ luôn nói với con cái phải ngoan, phải vâng lời, khi chúng bướng bỉnh ngỗ nghịch thì trở nên tức giận. Thế nhưng, chúng ta có từng suy nghĩ xem những hành vi ngỗ ngược của chúng có liên quan gì đến chúng ta không?

Chúng ta vẫn luôn hy vọng chúng đều không tức giận, không quậy phá, tốt nhất là cha mẹ nói gì chúng nghe đó, những việc cha mẹ nói qua một lần là chúng đều hiểu.

Tuy nhiên, khi chúng ta yêu cầu như vậy, liệu chúng ta có khi nào xem chúng như những đứa trẻ?

Chúng ta có từng suy nghĩ xem những hành vi ngỗ ngược của chúng có liên quan gì đến chúng ta không? Nói một cách khác, trẻ con bướng bỉnh nguyên nhân chủ yếu do cha mẹ, đôi khi chính hành vi của cha mẹ tạo lên sự bướng bỉnh của con cái.

Hàng xóm nhà tôi có cặp vợ chồng trẻ sinh được hai người con một trai một gái, cậu con trai lớn 5 tuổi còn cô con gái út mới được 3 tuổi. Cậu con trai lớn thường ngày cũng rất ngoan và vâng lời, tuy nhiên một hôm cậu bé tỏ ra bướng bỉnh không nghe lời khiến cho mẹ cậu rất tức giận mắng cho một trận.

Nguyên nhân là trong lúc mẹ cậu đang chơi với cô em gái, cậu đòi mẹ lấy cho ăn chứ không tự đi lấy như mọi khi. Đã thế, khi mẹ đang chơi với em gái cậu còn chạy lại làm hỏng đồ chơi từ tay em gái khiến cô em ngã. Lúc sau, khi mẹ cậu đang chơi gấu bông với em, cậu lại chạy tới giật lấy gấu bông từ tay em làm cô em khóc. Người mẹ vô cùng tức giận nên đã trách mắng cậu con trai một trận, cậu bé khóc lóc chạy vào phòng đóng cửa lại.

42 1 90 Cha Me Mac Sai Lam Nay Khong Co Tre Buong Binh Chi Co Cha Me Khong Hieu Con Cai

Nghe qua câu chuyện thì có thể cho rằng đứa trẻ này thật hư, không biết thương em, không biết vâng lời người lớn. Tuy nhiên, xem xét kỹ lại thì trong sự việc này người mẹ không phải là không có lỗi. Sau khi biết chuyện, tôi đã hỏi người mẹ đó mấy câu sau:

Tôi: Khi cậu lớn đòi ăn lê, cháu đang làm gì?

Người mẹ: Cháu chơi với con gái…

Tôi: Khi cậu lớn giằng đồ chơi của em, cháu đang làm gì?

Người mẹ: Cháu chơi ngựa gỗ với con gái…

Tôi: Khi cậu lớn giằng đồ chơi của em, cậu lớn có nói gì không?

Người mẹ: Gấu này là của con.

Ở đây, ta có thể thấy được tâm lý của cậu con trai rất rõ. Người anh thấy mẹ chơi với em gái mà không chơi với mình nên có tâm lý đố kỵ, muốn mẹ quan tâm đến mình nên đã tìm lý do đòi mẹ cho ăn lê để tách mẹ ra khỏi em gái. Tuy nhiên, người mẹ vẫn cứ mải chơi với em mà không chơi với mình nên cậu đã làm hỏng đồ chơi của em gái, còn đẩy em gái ngã hòng đòi lại mẹ của mình.

Lúc này, người mẹ lại không nhận ra mà vẫn tiếp tục chơi với cô em, cho nên cậu ta mới một lần nữa ra giằng gấu bông từ tay em gái mà nói đó là đồ của mình. Và điều cậu bé muốn hơn nữa chính là đòi lại mẹ, muốn mẹ chơi với mình. Buồn thay, người mẹ đã không sớm nhận ra mà còn mắng cậu một trận khiến cu cậu khóc chạy đi.

Đặt giả thiết người mẹ này sớm nhận ra tâm lý của cậu con trai mà hành xử cách khác, có lẽ mọi chuyện đã không như vậy.

Nếu khi cậu con trai đòi mẹ lấy lê cho ăn, người mẹ tinh ý nhận ra tâm lý của con mà lấy lê ra cả ba cùng ăn và cho cậu chơi cùng với em gái, cả ba mẹ con cùng chơi vui vẻ chứ không chỉ chơi với mỗi mình cô con gái, có lẽ cậu con trai lớn cũng sẽ không quậy phá bướng bỉnh như thế.

Thân làm cha mẹ, mỗi khi con cái xảy ra vấn đề như không nghe lời, nghịch ngợm, điều đầu tiên chính là cần xem xét nguyên nhân, xem xem mình có chỗ nào chưa đúng chuẩn mực hay không? Con bướng bỉnh liệu có liên quan tới mình hay không? 

Theo cmoney.tw

Minh Vũ biên dịch

Nguồn: DKN.tv




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC