Đi học về, Lan Chi đói bụng nên vội vàng mở tủ lạnh tìm đồ ăn, cô bé hơi mạnh tay nên vô tình làm một quả trứng mẹ để ở cánh tủ lạnh rơi xuống đất vỡ toe toét ra sàn.
Lan Chi kêu lớn:
“Mẹ ơi, trứng vỡ bẩn hết sàn rồi. Mẹ ơi!..”.
Mẹ cô bé đang bận việc khác nên chỉ thản nhiên nói: “Vậy thì con tự dọn đi, lấy giấy vệ sinh gom trứng vỡ cho vào thùng rác rồi lấy cây lau nhà lau sạch đi. Mẹ bây giờ không có thời gian”. Lan Chi có phần sửng sốt, bởi vì trước nay ở nhà những việc này mẹ cô luôn làm. Lúng túng một chút nhưng cuối cùng cô bé cùng miễn cưỡng làm theo lời mẹ hướng dẫn.
Đó là một việc nhỏ, nhưng mẹ cô bé nhận thấy một số thay đổi thú vị. Từ sau lần phải tự tay dọn dẹp hậu quả đó, Lan Chi đã thận trọng hơn mỗi khi đóng mở cửa tủ lạnh, không vội vàng và mạnh tay như trước nữa. “Không ngờ nhờ một lần mẹ bận việc bắt con tự xử lý vấn đề mình gây ra mà con bé có trách nhiệm hẳn lên với việc mình làm. Có lẽ tôi sẽ phải áp dụng chiêu “mẹ lười” này nhiều hơn nữa thay vì cứ cố làm hết mọi việc thay con”, mẹ của Lan Chi chia sẻ.
Cha mẹ càng lười biếng thì con cái càng siêng năng?
Câu chuyện của cô bé Lan Chi chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy không phải cha mẹ cứ chăm chỉ, cứ làm hết mọi việc thay con cái là tốt. Ngược lại đôi khi phụ huynh lười một chút, thiếu kỷ luật một chút sẽ tốt hơn cho bé.
Nhiều cha mẹ luôn cho rằng người lớn phải làm gương cho con cái, mẹ có chăm chỉ cẩn thận thì con mới học theo được tuy nhiên điều đó không hẳn đúng. Đôi khi vì bố mẹ quá chăm chỉ làm hết việc của con lại chính là lý do khiến chúng sống ỷ lại và thiếu tinh thần trách nhiệm với việc mình làm.
Chẳng hạn, mỗi buổi sáng người mẹ luôn phải dậy thật sớm chuẩn bị quần áo, làm bữa sáng và gọi bọn trẻ dậy vệ sinh cá nhân, giục ăn sáng nhanh và đưa chúng đi học đúng giờ. Buổi tối ở bên cạnh giúp con làm bài tập, ôn bài và cuối cùng là dọn dẹp.
Bạn có thấy rằng thời gian ngày càng ít đi, và bạn ngày càng phải làm việc chăm chỉ hơn. Bạn đã rất nỗ lực để hoàn thành những việc đáng lẽ ra con bạn phải làm một mình khiến trẻ hình thành thói quen ỷ lại. Nhưng cuối cùng, bạn lại trách những đứa trẻ không làm được mọi thứ!
Có rất nhiều ví dụ về điều này trong cuộc sống, đôi khi cha mẹ phàn nàn rằng con cái lười biếng, ỷ lại, không có tinh thần trách nhiệm, nhưng họ không nhận ra rằng nguyên nhân khiến con mình như vậy đôi khi chính là do cha mẹ quá siêng năng.
Đây là lý do tại sao chúng ta thường thấy rằng trẻ em độc lập hơn và có tinh thần trách nhiệm hơn trong các gia đình có cha mẹ ít căm chỉ hơn. Để rèn luyện tính tự lập và tinh thần trách nhiệm của trẻ, các bậc cha mẹ cũng nên lười biếng một cách hợp lý!
Khi nào cha mẹ nên "lười biếng"?
Lười trong việc nhà
Nhiều bố mẹ có thói quen làm hết việc nhà, con cái ít khi phải tham gia bất cứ công việc chung nào vì họ quan niệm việc quan trọng nhất với trẻ chỉ là học, thời gian rảnh rỗi thì cho phép con thư giãn tự do để lấy tinh thần học tiếp… Vậy nên những câu nói đại loại như: "Con còn quá nhỏ để làm được gì, để đấy mẹ làm con đi học đi, con làm thì chỉ mất công mẹ đi dọn lại…" chẳng còn xa lạ gì với các bậc phụ huynh.
Thực tế, khi con bạn hứng thú với công việc nhà, đừng nên ngăn cản chúng. Đối với đứa trẻ, đó là thời điểm thích hợp nhất để trau dồi tinh thần trách nhiệm của trẻ, nếu bỏ lỡ thời điểm tốt nhất, trẻ sẽ không muốn làm lại.
Đúng là trẻ còn quá nhỏ có thể không làm tốt bất cứ việc nhà nào, nhưng trẻ có thể làm một số việc trong khả năng của mình như chia đũa, dọn bát và nhiều việc khác nữa nếu bố mẹ mạnh dạn dạy chúng là làm sao cho đúng và an toàn.
Hãy cố gắng không can thiệp vào mọi thứ mà con bạn có thể. Ví dụ, khi phòng của con bạn bừa bộn, hãy nhắc chúng dọn dẹp lại, có thể chúng vẫn chưa dọn dẹp tốt nhưng điều đó không thành vấn đề vì sau khi làm nhiều lần chúng sẽ tự rút kinh nghiệm và tìm ra các kỹ năng dọn dẹp tốt nhất.
Nếu bạn chỉ chăm chăm làm thay con, thậm chí là sắp xếp mọi việc, con bạn sẽ ỷ lại và thụ động, tinh thần trách nhiệm sẽ không được trau dồi.
Lười cằn nhằn, nhắc nhở
Một số cha mẹ suốt ngày cằn nhằn con cái vì sợ chúng quên hoặc làm điều gì sai trái, nhưng nếu lặp lại quá nhiều thì trẻ sẽ không còn ý thức tự giác, không chủ động và nghiêm túc thực hiện những công việc của chính mình nữa.
Chẳng hạn phụ huynh lúc nào cũng thường trực trạng thái nhắc nhở, thúc giục: Con ơi dậy đến trường thôi thôi, con đi tắm đi, 8h rồi con học đi còn đi ngủ, con ăn cơm đi còn đi học ca tối... Mọi người cứ nghĩ rằng càng sát sao với con càng tốt nên nhắc nhở liên tục, tuy nhiên nếu để trẻ nghe quá nhiều, chúng sẽ bị quen và nếu như không được nhắc được gọi chúng sẽ hiểu là chưa đến giờ phải làm gì đó. Thậm chí một số trẻ, nếu bố mẹ không nhắc thì không biết đã đến giờ đến trường, không giục thì cứ mãi chơi điện tử mà không đứng lên đi tắm hay ăn cơm…
Thực chất nếu bố mẹ quá chăm “nhắc nhở” thì về lâu dài điều này không chỉ làm khổ con cái mà còn khiến trẻ mất tinh thần trách nhiệm. Thay vào đó, phụ huynh hãy bớt thúc giục mà nên thống nhất với trẻ mọi việc, đọc sách khi nào và xem tivi trong bao lâu, mấy giờ là phải đi học bài tối, mấy giờ lên giường ngủ…. Nếu các bé không hoàn thành hoặc vi phạm quy tắc thì sẽ mất quyền lợi hoặc phải tự chịu hậu quả….Như vậy, trẻ em có thể học cách kiểm soát bản thân, kiềm chế ham muốn và trau dồi khả năng kiểm soát và ý chí.
Lười học cùng con
Một phụ huynh tâm sự: “Tôi ít khi cùng con làm bài tập về nhà. Tôi thường bảo con trai tự làm và khi nào làm xong thì bảo mẹ. Có lần thằng bé bảo tôi kiểm tra giúp xem con làm đúng chưa, tôi bảo con tự kiểm tra đi, con nghĩ xem nếu mà kiểm tra giúp con thì lúc không có mẹ con làm thế nào, khi đi thi ai kiểm tra giúp con? Con phải làm thật cẩn thận ngay từ đầu và kiểm tra kỹ lại khi xong bài, nếu để sót lỗi thì bị điểm kém con tự chịu… Quả thật, sau vài lần bị điểm kém bị cô nhắc nhỏ, cậu bé đã cẩn thận hơn khi làm bài, không phải hỏi han bố mẹ quá nhiều và cũng không chờ đợi bố mẹ kiểm tra bài giúp nữa”.
Trên đây là ví dụ về một bà mẹ lười học cùng con. Không hẳn là phụ huynh này lười thực sự hay cô ấy dốt không bảo được con, mà là một “chiêu” dạy con tương đối hiệu quả.
Thực tế, nhiều bố mẹ lúc nào cũng muốn con mình được điểm cao. Khi con làm bài tập họ sát sao bên cạnh để hướng dẫn, rà soát lại từng lỗi sai và nhắc con sửa chữa sau khi làm xong bài nên đã vô tình khiến trẻ lười suy nghĩ và thiếu cẩn thận bởi chúng cho rằng “sai thì đã bố/mẹ nhắc” hoặc hơi khó chút đã “bố/mẹ ơi bài này làm thế nào?”....
Do vậy, khi kèm con học bài, bố mẹ đừng quá chăm chỉ hướng dẫn trẻ mà hãy học cách khám phá xem con có thể làm được gì. Hãy để trẻ học cách tư duy độc lập, tự động não suy nghĩ thay vì dựa dẫm vào bố mẹ. Tất nhiên người lớn cũng cần đánh giá xem điều nào thực sự vượt quá khả năng của trẻ và khi nào thì cần giúp đỡ để can thiệp, hướng dẫn trẻ kịp thời.
Theo V.K - Vietnamnet