Trong một lần đưa con ra chợ, tôi và con trai vô tình chứng kiến cảnh một bà mẹ đang “nổi điên” với cậu con trai cỡ chừng 5-7 tuổi. Không hiểu vì lý do gì, qua thái độ “rú rít” lên của chị, chắc hẳn chị đang tức giận đến tột độ. Tôi loáng thoáng nghe thấy tiếng “mày, tao” và một vài cái vung tay.
Con tôi - lúc ấy mới 3-4 tuổi, thoáng nét sợ hãi trên khuôn mặt, có lẽ vì cháu chưa nhìn thấy cảnh tượng đó bao giờ. Sau vài giây quan sát, cháu quay sang tôi nói: “Cô ấy hư mẹ nhỉ!”.
Tôi có chút giật mình trước đánh giá của con. Hoá ra, khi người lớn chúng ta đang mải mê và tò mò xem tại sao bà mẹ lại nổi giận với đứa trẻ thì ở góc độ của một đứa trẻ được dạy rằng đánh người khác là sai dù bất kể lý do gì, thì con trai tôi đã nhận ra ngay điều ấy.
Mấy ngày qua, dư luận phẫn nộ vì cái chết của một bé gái được xác định là do bạo lực gia đình. Bàng hoàng hơn, những người làm cha làm mẹ trong vụ việc này đều trẻ tuổi, có học thức, có lối sống hiện đại và chắc chắn biết rằng bạo hành trẻ em là việc làm sai trái.
Tôi không muốn nói thêm về sự nhẫn tâm và máu lạnh của những người lớn đánh con trẻ đến chết trong bài viết này. Nhưng có một câu hỏi mà tôi vẫn thầm đặt ra khi đọc những dòng chỉ trích cặp đôi kia trên mạng xã hội: “Liệu anh/ chị đã từng có những cái vung tay với chính đứa con của mình?”. Tất nhiên, nếu có, anh chị cũng sẽ chẳng bao giờ đánh con đến chết như họ. Nhưng hãy thành thật trả lời: “Đã từng có hay chưa?”.
Một đứa trẻ bị bạo hành đến chết có phải là nhờ sự cho phép của cả một “ngôi làng” hay không? Ảnh minh hoạ: UN
Nếu câu trả lời là có, thì theo định nghĩa về bạo lực gia đình, trong gia đình anh chị đã tồn tại thứ mà các anh chị đang tỏ ra phẫn nộ với nó. Chỉ khác là ở mức độ nhẹ hơn.
Tôi đã từng chứng kiến những cuộc tranh cãi trên mạng xã hội về việc có nên dùng roi vọt với con cái hay không. Không ít bậc cha mẹ, cũng giống như cặp đôi kia - có học thức, có hiểu biết, có địa vị trong xã hội, nhưng họ vẫn cho rằng nên dùng roi vọt để răn đe, tất nhiên, vẫn là ở “mức độ” cho phép. Thậm chí, nhiều người kể về tuổi thơ roi vọt và cho rằng đòn roi giúp họ lớn lên, giúp họ thành người tử tế. Thậm chí nữa, họ còn tỏ ra biết ơn những trận đòn roi ấy.
Quay lại vụ việc của bé gái 8 tuổi, khi bi kịch xảy ra, nhiều người lên án những người hàng xóm vô tâm, chỉ trích ban quản lý toà nhà làm việc hời hợt, thậm chí vạch tội cơ quan chức năng đã không truy cứu đến nơi đến chốn. Chúng ta bị cơn phẫn nộ dẫn dắt mà quên mất rằng, khi ấy, những người có trách nhiệm kia, họ cũng chỉ nhìn thấy một đứa trẻ bị đánh đòn… như ở rất nhiều gia đình khác, thậm chí như chính trong gia đình họ.
Có một câu ngạn ngữ của người Nigeria, chắc nhiều người đã từng nghe: “Cần tới cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ” (tiếng Anh: It takes a village to raise a child). Câu nói này hàm ý rằng tâm hồn, tính cách, sự trưởng thành của một đứa trẻ không chỉ bị ảnh hưởng bởi cha mẹ chúng, mà còn bị tác động rất nhiều bởi môi trường xung quanh.
Vậy thì, liệu trong câu chuyện đau lòng ngay giữa thành phố hoa lệ của chúng ta, liệu có phải một đứa trẻ bị bạo hành đến chết cũng là nhờ sự cho phép của cả một “ngôi làng” hay không?
Chừng nào, trong mỗi gia đình, vẫn còn chuyện phát mông con vài cái để răn đe, vẫn còn những chiếc roi mây được đặt mua công khai trên mạng, vẫn còn những khoe khoang không chút ái ngại về việc “vừa cho thằng A, con B một trận đòn”… thì chừng ấy vẫn còn những đứa trẻ như bé An, âm thầm cắn răng chịu đựng những cái roi vụt xuống đến tím người. Bởi vì chẳng có ai ở trong những ngôi nhà ấy để đánh giá được “mức độ” của những răn đe ấy.
Nhiều phụ huynh có thể sẽ bao biện rằng: Cũng là đánh nhưng đánh thế nào đủ để răn đe, chứ không ai đi đánh thừa sống thiếu chết con mình. Ranh giới giữa tội ác và cái được gọi là “dạy con” thật là mong manh. Và chính người lớn chúng ta tự cho mình cái quyền xác định ranh giới ấy.
Nguy hiểm hơn, những đứa trẻ bị đánh lâu dần sẽ tưởng rằng chúng đáng bị đánh đập, tưởng rằng đó là cách mà con người ứng xử với nhau. Ai cũng biết điều đó rồi sẽ dẫn tới thứ gì khi những đứa trẻ ấy lớn lên, sinh con, và làm một người trưởng thành như chúng ta.
Dạy con chưa bao giờ là một công việc dễ dàng. Nhất là khi chúng ta chọn không đòn roi với bọn trẻ, thì công cuộc ấy còn khó hơn gấp nhiều lần. Sự hiểu biết, kỹ năng, sự làm gương của cha mẹ lúc này mới thực sự là thứ mà chúng ta cần. Đó cũng chính là những yếu tố khiến việc làm cha mẹ trở thành một công việc vô cùng khó khăn, một công việc của con người, thay vì chỉ dùng sức mạnh của kẻ to xác uy hiếp một sinh linh yếu thế hơn mình.
Nguồn: Nguyễn Thảo/ Vietnamnet.vn