Dưới đây là biểu hiện "chớm" hư và khó dạy của trẻ. Nếu cha mẹ để ý và sửa sai kịp thời cho trẻ, con vẫn có thể trở thành người tốt trong tương lai.
1. Luôn tỏ ra mất bình tĩnh
Trẻ mới biết đi không biết cách thể hiện cảm xúc nên thường khóc, bò ra sàn và nổi cơn thịnh nộ. Đây là biểu hiện của nhiều trẻ nên người lớn có thể xem nhẹ. Trẻ nhỏ thường không biết cách bày tỏ, đối phó với cảm xúc tiêu cực nên khóc lóc, nổi giận.
Nhưng khi đã đến tuổi đi học, trẻ vẫn khóc, cáu khi không vừa ý, biểu hiện muốn "thao túng" cha mẹ. Sau những lần như vậy, nếu người lớn cảm thấy mệt mỏi còn trẻ đạt được thứ mình muốn, chuyện này hoàn toàn không ổn.
2. Luôn cầu cứu người lớn trong nhà
Có rất nhiều đứa trẻ đã hình thành thói quen xấu do sự nuông chiều quá mức của cha mẹ. Lý do là vì cha mẹ hoặc người thân lúc nào cũng làm hết việc cho trẻ, luôn coi trẻ còn nhỏ nên không dạy dỗ. Ví dụ, ông bà giúp cháu từ xách cặp đi học đến đi giày và cho cháu ăn... Đây là những thói quen xấu.
Rõ ràng trẻ có thể tự làm được những việc đơn giản như vậy nhưng người lớn lại luôn làm thay cho trẻ. Những đứa trẻ được nuôi dưỡng như vậy thường sống ỷ lại, không muốn tự mình làm bất cứ việc gì; khi gặp khó khăn sẽ không tự mình giải quyết mà đến cầu cứu cha mẹ, ông bà và người thân trong nhà.
3. Thường xuyên ra điều kiện
Có nhiều đứa trẻ luôn thích "đe dọa" cha mẹ bằng điều này điều kia, ví dụ: nếu không mua kem cho con thì con sẽ không ăn cơm; nếu bố/mẹ không mua đồ chơi cho con, con sẽ không đi học... Trẻ em ngày nay biết cách thương lượng các điều khoản với cha mẹ. Đôi khi, để chiều con cha mẹ sẽ thưởng vật chất để dỗ dành trẻ, nhưng, không nên hình thành thói quen dọa nạt cha mẹ bằng cách gây ra những rắc rối không đáng có.
4. Không làm bất cứ việc gì trong nhà
Khi được 3 tuổi, trẻ có thể tự thu dọn đồ chơi của mình. Lên 5 tuổi, chúng có thể giúp được những việc vặt trong nhà. Ở tuổi lên 10, chúng có thể gọt vỏ khoai tây, cắm cơm và làm bữa tối cho cả gia đình. Nếu cha mẹ đã hướng dẫn và nỗi lực giúp trẻ tham gia làm việc nhà mà trẻ vẫn từ chối, trốn tránh trách nhiệm thì đó là dấu hiệu trẻ không ngoan và cha mẹ cần có hình thức uốn nắn.
5. Sống vô cảm
Những hành động vô cảm của trẻ trong gia đình diễn ra trong các hoạt động bình thường hàng ngày nhưng cha mẹ lại coi chuyện đó rất bình thường. Sau thời gian nhất định những điều mà cha mẹ tưởng chừng vô hại đó sẽ trở thành thói quen của con trẻ và dẫn đến chứng vô cảm, đó là những biểu hiện như: "Đó không phải là việc của con"; "việc đó không quan trọng với con"; không chia sẻ, ít tâm sự, thổ lộ…Hậu quả là rất nhiều đứa trẻ không biết cảm thông nỗi vất vả của cha mẹ, thậm chí còn chê bai cha mẹ không tiền, không quyền và địa vị thấp.
Nếu cha mẹ cứ phó mặc theo sở thích của trẻ, không uốn nắn, rèn giũa chúng làm việc để trở nên độc lập, cuối cùng, chính cha mẹ đã tước đi những kỹ năng cần thiết và những bí quyết sống có ích trong cuộc sống của con cái mình.
Nếu con bạn có một trong 5 hành vi trên, điều đó có nghĩa là cha mẹ đang nuông chiều con quá mức. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì đứa trẻ sẽ khó thành công trong tương lai, vì vậy cha mẹ phải giúp con sửa chữa những thói quen xấu kịp thời.
Những điều cha mẹ cần làm để giúp con trở thành đứa trẻ ngoan
Hướng dẫn trẻ cách sửa sai
Hãy hướng dẫn trẻ bài học này thật sớm để cha mẹ có thể truyền tải những thông điệp của bản thân một cách dễ dàng nhất. Ví dụ như việc bạn dùng khăn giấy lau sạch sữa đổ của con, không phàn nàn và không nhần ngại. Như vậy, khi trẻ lớn hơn, nếu xảy ra trường hợp tương tự với các em của mình, chúng sẽ biết bình tĩnh xử lý cơn cáu giận của mình. Tấm gương về sửa lỗi và xin lỗi sẽ giúp con học một cách nhanh nhất.
Khi con hành động sai, chúng cũng có những lý do riêng. Lúc đó, cha mẹ nên quan sát xem có phải trẻ đang cáu vì thiếu ngủ hay vì một lý do nào đó không. Hãy trò chuyện với con hoặc cho trẻ thời gian riêng để khóc và giải phóng cảm xúc xáo trộn bị kìm nén. Sau khi trẻ thỏa mãn những nhu cầu cơ bản trên, chúng sẽ hiểu và dừng những hành vi sai trái.
Dạy trẻ về trách nhiệm
Các bậc phụ huynh nên dạy cho con biết cách tự chịu trách nhiệm về những hành vi của bản thân. Không nên việc gì cũng làm giúp con bởi như thế sẽ làm đứa trẻ hình thành tâm lý ỷ lại gây ảnh hưởng xấu cho quá trình trưởng thành của con.
Rèn luyện cho con tính tự lập
Dạy tính tự lập chính là một bí quyết dạy con ngoan. Cha mẹ không thể mãi đi theo để che chở, giúp đỡ con vì thế hãy tập cho trẻ thói quen biết tự lo cho bản thân. Cha mẹ nên khuyến khích con tham gia làm việc nhà với mẹ, chẳng hạn như xếp quần áo, lấy giúp mẹ chiếc khăn, dọn dẹp đồ chơi, tự thực hiện việc vệ sinh cá nhân… Điều này sẽ giúp con có ý thức chia sẻ, tạo dựng niềm vui được giúp đỡ và gắn bó với người xung quanh.
Giúp trẻ biết tự cân bằng cảm xúc
Cũng giống như dạy trẻ tập nói và tập đếm, việc phát triển EQ (chỉ số cảm xúc) cho con vô cùng quan trọng. Khi EQ cao, con sẽ có mối quan hệ tốt với gia đình, bạn bè và đương đầu được với những chấn thương tâm lý khi lớn lên.
Nếu trẻ có IQ thấp, khi trở thành người lớn sẽ có những suy nghĩ bi quan, luôn cảm thấy mình là người kém cỏi, bằng lòng với những gì mình có, không cố gắng và không có khả năng trở thành một người lãnh đạo vì không có ai theo, ủng hộ cả.
Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ cha mẹ hãy dạy trẻ cân bằng các cảm xúc tiêu cực, kiểm soát cảm giác căng thẳng, lo lắng cũng như có thể xử lý tình huống linh hoạt hơn. Tất cả những điều này rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ bây giờ và cả tương lai sau này.
Theo Mộc - VietNamNet