“Bố cho con cái gì?” – Nhớ một thời còn trẻ con, nông nổi, tôi đã có đủ “dũng cảm” hỏi cha mình câu đó, lần đầu tiên và cũng là duy nhất. Đó là một ngày không lâu sau khi nhận tin đỗ vào đại học. Một cuộc trò chuyện rất nghiêm túc và thẳng thắn giữa hai người đàn ông.

“Con không đi cái xe đấy đâu, xấu hổ lắm, bạn bè con toàn đi xe ga, mẹ mua xe ga con mới đi…”

Câu chuyện của hai mẹ con cự nự nhau sau lưng trong quán cafe trưa nay làm tôi bất giác có một chút buồn, nhưng rồi lại chợt cảm thấy ấm lên một niềm vui khi nghĩ về một câu chuyện tương tự của bố con tôi hơn 10 năm về trước.

“Bố cho con cái gì?” – Nhớ một thời còn trẻ con, nông nổi, tôi đã có đủ “dũng cảm” hỏi cha mình câu đó, lần đầu tiên và cũng là duy nhất. Đó là một ngày không lâu sau khi nhận tin đỗ vào đại học. Một cuộc trò chuyện rất nghiêm túc và thẳng thắn giữa hai người đàn ông.

42 1 Nhieu Bo Me Viet Khong Co Ban Linh Oan Minh Lam Ra Cua Cai Roi Cho Con Het So Con Thua Kem Ban Be Con Voi Vinh Gi Cung Duoc Dap Ung

Bố tôi trả lời một cách không thể bình thản hơn:

“Bố mẹ bố cho bố cái gì, bố sẽ cho lại con cái đó: một lý lịch trong sạch để con không bao giờ phải xấu hổ về bố và một sự giáo dục tốt nhất trong khả năng của mình – con có khả năng học đến đâu bố sẽ hỗ trợ đến đó. Hết!”

Tôi, hơi giật mình, nhưng vẫn nghĩ đó chỉ là câu nói “lên dây cót” cho chàng sinh viên mới.

Và rất tiếc là bố tôi chẳng đùa, bố hành động rất thật theo đúng những tuyên bố đấy. Bố tính toán rất kỹ và cho tôi một khoản tiền trợ cấp 300 nghìn/tháng trong suốt những năm học đại học. Tiền học phí học kỳ đầu tiên được cho, từ học kỳ thứ 2 tôi tự kiếm được nên tự động không xin nữa. Bất kể những năm sau khi tôi kiếm được nhiều tiền hơn gấp nhiều lần thì khoản trợ cấp đấy vẫn được duy trì cho đến khi tốt nghiệp, nhận bằng là cắt tiền.

6 năm tôi đi học ở nước ngoài, bố không phải lo cho tôi một đồng nào. Với tôi, bố luôn là Napoleon còn tôi chỉ là một anh binh nhì. Nhưng ít nhất tôi luôn coi đó như một chiến công nho nhỏ của riêng mình.

42 2 Nhieu Bo Me Viet Khong Co Ban Linh Oan Minh Lam Ra Cua Cai Roi Cho Con Het So Con Thua Kem Ban Be Con Voi Vinh Gi Cung Duoc Dap Ung

Bố tôi rất hay, luôn phân định rất rõ ràng: “Đây là nhà của bố nhé, đây là xe của bố nhé… Và con đang… ở nhờ và đi nhờ. Không hài lòng hả, quyền đi bộ… luôn thuộc về con.” Nếu nhờ tôi giúp việc gì không nằm trong trách nhiệm của con cái, thay vì thuê người ngoài, bố sẽ thuê tôi làm và trả tiền rất sòng phẳng, không quên thể hiện là một khách hàng khó tính.

Không tự ái – không phiền lòng – tôi biết rõ mình chỉ có một con đường nếu muốn có ngôi nhà riêng của mình: tự mua.

Cũng có người nghe thấy và thắc mắc cái kiểu nói ấy “Nhà của bác thì sau này không của nó thì của ai, sao bác lại nói thế?”. Và bố tôi “chỉnh” ngay: “Của tôi chứ, nếu nó không cố gắng, tôi sẽ cho từ thiện.”

Bố tôi thì chẳng giàu như Bill Gates, nhưng dám làm như Bill Gates thì tôi tin là làm thật.

Bữa ăn ít người của nhà tôi luôn có những câu chuyện về các loài vật, những câu chuyện được lặp đi lặp lại, được kể lúc này lúc khác.

Bố hay nói chuyện: Con gà con đến tuổi tự kiếm ăn , gà mẹ sẽ đuổi chạy chí chết nếu gà con cố đến gần hoặc đi theo.

Hay câu chuyện về loài đại bàng: Đại bàng con sẽ được mẹ nuôi mớm trong tổ đến khi đủ lông đủ cánh, và sau đó nó sẽ cắp con bay lên đỉnh núi thật cao và thả xuống. Con nào chịu đập cánh vào không trung và bay đi thì sống và bắt đầu cuộc đời mới, con nào không tự bay được thì sẽ tự rớt xuống và vực thẳm sẽ chờ ở dưới. Quy luật tự nhiên là vậy, và con người là một phần của tự nhiên, nên cũng không là ngoại lệ.

Mùi răn đe trong những câu chuyện “thơm nức” suốt những năm tháng tuổi thơ tôi.

42 3 Nhieu Bo Me Viet Khong Co Ban Linh Oan Minh Lam Ra Cua Cai Roi Cho Con Het So Con Thua Kem Ban Be Con Voi Vinh Gi Cung Duoc Dap Ung

Những điều tôi kể trên đây với nhiều người – nhiều ông bố bà mẹ có lẽ là những điều ngược đời, tuy nhiên, bước một bước ra bên ngoài thế giới, tôi thấy mình hóa ra không phải ngoại lệ.

Phần đông các gia đình phương Tây đều như vậy, trái ngược hoàn toàn với những gì chúng ta thấy ở Phương Đông. Sự phân định rất rõ ràng giữa trách nhiệm – tình thương – và sự nuông chiều làm cho con người ta không thể tìm thấy nổi một khoảnh khắc của sự ỷ lại hay trông chờ vô lý ngay từ khi bước vào đời.

Bạn không có tiền học đại học? Hãy vay đi rồi sau này tự trả. Các bạn nước ngoài của tôi rất nhiều người chọn giải pháp như vậy, mặc dù rất nhiều bạn có bố mẹ trên cả giàu và luôn sẵn sàng tài trợ.

Sự hào phóng không đúng chỗ của rất đông các ông bố bà mẹ Việt giống như bà mẹ trong câu chuyện lúc đầu của tôi đang để lại cho đất nước những thế hệ yếu ớt – không có khả năng sống độc lập và tự trọng với chính người thân của mình. 

Họ nghiễm nhiên cho mình cái quyền được xin xỏ, được vòi vĩnh, được lạm dụng vô hạn tình yêu thương của cha mẹ… và các vị phụ huynh thì vẫn cứ tin tưởng trong sai lầm rằng để cho con kém bạn kém bè ngay cả khi chúng đã trưởng thành là không tròn trách nhiệm cha mẹ. 

Ở nước mình, cái vòng luẩn quẩn ấy biết khi nào mới thôi? Cố gắng có của cải để mà cho con đã là khó, nhưng cố gắng để có của cải mà vẫn không cho thì còn khó gấp vạn lần. Nghe có vẻ trái với quy luật của tình cảm con người, nhưng đó là một sự ngược chiều cần thiết. Điều đó có lẽ thuộc về bản lĩnh của nghề làm cha mẹ.

42 4 Nhieu Bo Me Viet Khong Co Ban Linh Oan Minh Lam Ra Cua Cai Roi Cho Con Het So Con Thua Kem Ban Be Con Voi Vinh Gi Cung Duoc Dap Ung

Rất nhiều lúc tôi đã tự hỏi mình: “Vậy sau cùng, bố sẽ cho mình cái gì nhỉ?”

Và mười năm sau cuộc nói chuyện sòng phẳng đấy, vào lúc tôi tự mua được căn nhà và chiếc xe hơi đầu tiên của riêng mình mà chẳng phải xin xỏ gì bố, tôi mới thấu hiểu hết tình thương vô bờ bến và gia tài vô giá mà bố đã để dành cho riêng tôi mấy chục năm nay.

Cho lòng tự trọng và tinh thần tự lực đã là cho tất cả rồi.

 

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Hoàng Huy

Theo Trí Thức Trẻ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC