Nhìn thấy những giọt nước mắt của con trai, bố mẹ Tiểu Hiên bắt đầu hối hận việc cho con đi học trường quốc tế.

Ngày nay, các bậc cha mẹ rất coi trọng việc giáo dục cho con. Để con có một tương lai tươi sáng, không thua kém người khác từ vạch xuất phát, nhiều cha mẹ không tiếc tiền đầu tư cho con vào học trường quốc tế, dù học phí ở đây rất đắt. Suy cho cùng, những ngôi trường này đắt cũng có lý do, bởi từ cơ sở vật chất đến chương trình học, giáo viên đều chất lượng hơn hẳn.

Tuy nhiên, không phải cứ cho con vào trường quốc tế là đã tốt. Cha mẹ khi tìm trường cho con còn cần phải xem môi trường đó có phù hợp với con, cũng như với hoàn cảnh gia đình hay không. Nếu không, có thể dẫn tới một số trường hợp tiêu cực mà chính cha mẹ cũng không ngờ tới. Chẳng hạn như trường hợp của một gia đình ở Trung Quốc dưới đây:

Bố mẹ cậu bé Tiểu Hiên (4 tuổi) ở Trung Quốc có tổng lương hàng tháng dao động từ 20.000 - 30.000 NDT/tháng (khoảng 67-100 triệu đồng) nhưng cả hai quyết định cho con học ở một trường mẫu giáo quốc tế có học phí tới hàng chục nghìn NDT/tháng. Mức học phí này ngốn gần hết tổng thu nhập của cả hai.

Để cho con học trường xịn, cặp đôi đã lấy tiền tiết kiệm, cộng thêm nhịn ăn nhịn uống, sống tằn tiện, miễn sao con có thể trưởng thành trong môi trường tốt nhất.

Với sự giúp đỡ của giáo viên, cậu bé Tiểu Hiên dần thích nghi với cuộc sống ở trường mẫu giáo. Nhưng bản chất Tiểu Hiên không phải là con nhà giàu, sau khi vào trường quốc tế, các bạn cùng lớp đều hơn em về mọi mặt. Sau khi tan học, Tiểu Hiên đòi bố mẹ mua cho cặp sách, quần áo, văn phòng phẩm y như các bạn cùng lớp. Để không khiến con cảm thấy tự ti, bố mẹ Tiểu Hiên lại cố hết sức để mua cho con.

Sau 2 tháng cho con đi học trường quốc tế, bố mẹ Tiểu Hiên cảm thấy con mình đã khác hẳn. Không còn là đứa bé ngoan ngoãn, Tiểu Hiên giờ liên tục đòi hỏi bố mẹ mua cho quần áo đắt tiền, thậm chí còn đòi bố mẹ phải mua ô tô đưa đón mình đi học giống như các bạn. Cậu bé khóc lóc kể, các bạn cười nhạo, không chơi với mình vì nhà mình không giàu bằng các bạn.

"Các bạn không chơi với con, con không muốn đi học nữa", Tiểu Hiên mếu máo.

1 Nhin An Nhin Uong Cho Con Hoc Truong Quoc Te Hoc Phi Ca Tram Trieu Dong Ket Qua Sau 2 Thang Khien Cha Me Om Mat Khoc

Cậu bé Tiểu Hiên mếu máo vì các bạn cùng lớp đều giàu hơn nhà mình. (Ảnh minh họa)

Một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện giờ bỗng chốc bị gieo vào đầu những ý nghĩ vật chất...

Thực tế, không chỉ Tiểu Hiên mà rất nhiều đứa trẻ có gia cảnh bình thường thay đổi tính cách sau khi học trường quốc tế. Điều này rất dễ để lý giải. Thứ nhất là do khác biệt về môi trường sống.

Môi trường sống của con nhà bình dân và con nhà giàu là khác nhau. Việc con nhà giàu xách cặp đi học có giá đắt đỏ là chuyện hết sức bình thường. Ngược lại, những em có gia cảnh bình thường, cha mẹ không thể chi trả quá nhiều cho khoản văn phòng phẩm. Vậy nên, trẻ có gia cảnh bình thường khó hòa nhập hoàn toàn với cuộc sống tập thể ở các ngôi trường quốc tế.

Thứ hai, trẻ dễ sinh tâm lý tự ti. Trẻ có điều kiện gia đình trung bình, sau khi đi học mẫu giáo sẽ thấy các bạn khác có điều kiện gia đình tốt hơn mình, gia đình giàu có hơn, ở nhà khang trang hơn,... Bản thân trẻ sẽ có tâm lý so sánh. Dưới nhiều sự so sánh khác nhau, khi trẻ thấy mình thua kém người khác về mọi mặt thì sẽ nảy sinh mặc cảm.

Nói chung, môi trường quốc tế tốt thật nhưng phụ huynh cần cân nhắc để hoàn cảnh gia đình, các yếu tố xung quanh để có sự lựa chọn tốt nhất cho con. Đừng mù quáng chạy theo trào lưu mà tạo lực cho bản thân và gián tiếp gây ảnh hưởng tiêu cực cho con.

Theo Phụ nữ Việt Nam




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC