(Tranh: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)
Dạy con không hưởng lạc phi nghĩa
Khi Tử Phát đánh nước Tần bị thiếu lương thực đã sai người về thỉnh cầu với Vua nước Sở, nhân tiện cũng sai đến nhà hỏi thăm mẹ ông. Mẹ Tử Phát hỏi sứ giả rằng: “Binh lính không có việc gì chứ?”. Sứ giả đáp: “Đã không còn lương thực, binh lính đành chia nhau hạt đậu để ăn”. Mẹ Tử Phát lại hỏi: “Vậy Tướng quân của các người thì sao?”. Sứ giả đáp: “Tướng quân sớm tối đều có đủ lương thực và thịt”.
Tử Phát đánh bại quân Tần và trở về, nhưng mẹ Tử Phát lại đóng cửa không cho vào nhà, cử người trách cứ rằng:
“Việt Vương Câu Tiễn chuẩn bị đánh Ngô, có người khách dâng một vò rượu ngon, Việt Vương sai người mang rượu đổ xuống đầu nguồn để cho binh sĩ ở hạ lưu cùng uống. Có người dâng một túi lương khô, Việt Vương ban cho binh sĩ để cho mọi người cùng ăn. Hiện nay con làm Tướng quân, binh lính phải chia đậu để ăn, chỉ mình con sớm tối có thịt. Để người khác ra vào nơi sống chết, mà mình lại ở trên hưởng vui thú một mình. Tuy may mà chiến thắng, nhưng không phải do con có bản lĩnh. Con không phải là con của ta, đừng bước vào nhà ta”.
Tử Phát vội vàng tạ tội, sau đó mẹ mới để Tử Phát về nhà.
Binh lính không có ăn thì cần cảm thấy xấu hổ, cần biết cảm thông chia sẻ, có như thế mới được sự nể phục từ mọi người. Một mình hưởng lạc, toàn quân chịu đói, đây là không có liêm sỉ, không biết nghĩ cho người khác, không có trái tim nhân hậu. Thứ chi dùng lúc đó cũng là của phi nghĩa vậy.
Dạy con không nhận của hối lộ
Khi Điền Tắc làm Tể tướng nước Tề đã nhận hối lộ của thuộc hạ hai ngàn lượng vàng. Ông đem vàng về dâng cho mẹ. Mẹ nói: “Con làm Tể tướng ba năm rồi, bổng lộc chưa bao giờ nhiều như thế. Số vàng này là từ đâu mà có?” Điền Tắc trả lời mẹ: “Là nhận của thuộc hạ”.
Mẹ ông nói:
“Mẹ nghe nói người quân tử luôn nghiêm khắc tu dưỡng bản thân, tự trọng và giữ mình trong sạch, không tùy tiện lấy của cải của người khác. Họ trong sáng vô tư, không làm những chuyện lừa dối. Tâm không nghĩ tới những việc bất nghĩa, trong nhà không có của cải bất nhân. Lời nói và việc làm như nhau, trong lòng với bề ngoài phải tương đồng. Nay Vua đã cho con làm quan, ban cho nhiều bổng lộc. Con đáng lẽ phải tận trung, nhưng lại làm điều ngược lại. Làm bề tôi mà không thể tận trung thì giống như làm con mà bất hiếu. Thứ tài sản bất nghĩa này không phải là thứ ta cần, đứa con bất hiếu, cũng không phải là con ta, con hãy đi đi”.
Điền Tắc nghe xong thì vô cùng xấu hổ, liền đem trả lại toàn bộ số vàng ấy, còn lập tức đến tự thú, thỉnh cầu nhà Vua xử phạt. Tề Tuyên Vương nghe xong, hết sức tán thưởng nghĩa khí và đạo đức của mẹ Điền Tắc. Vì vậy xá tội cho Điền Tắc, vẫn cho làm Tể tướng và ban thưởng cho mẹ của Điền Tắc.
Mẹ của Điền Tắc liêm khiết lại giỏi việc giáo dục con. Bà cho rằng không công mà nhận bổng lộc thì người quân tử đã không làm, huống chi là việc nhận tiền hối lộ từ người khác. Bà cho rằng nhận của cải phi nghĩa là việc thất đức, yêu cầu con làm người liêm khiết, chính trực trong mọi hoàn cảnh.
Con cái có thiện lương, có tấm lòng nhân từ hay không, phần lớn là ảnh hưởng từ tính cách và cách dạy dỗ của người phụ nữ. Đạo đức là gốc rễ để làm người, trước khi trở thành người có vị trí trong xã hội thì cần phải làm người tử tế, lương thiện, không làm việc xấu, không tham của cải phi nghĩa. Đó là những bài học giáo huấn đầu tiên mà người phụ nữ thời xưa luôn dạy dỗ, nhắc nhở con cái.
Hạnh Nhi biên tập