1. Trách mắng con ở nơi công cộng
Đôi khi ở nơi công cộng, trẻ em thường hành xử không đúng mực và lúc đó, nhiều cha mẹ sẽ giận dữ, mắng mỏ con để ngăn chặn hành vi này không lặp lại. Tuy nhiên, phụ huynh nên giữ thể diện cho con trước mặt người khác bởi vì chúng sẽ xấu hổ khi bị trách phạt chỗ đông người và khiến trẻ thêm mặc cảm, tự ti hơn trước những người chứng kiến, đặc biệt nếu đó lại là bạn bè của con.
2. Chấp nhận yêu cầu để con không ăn vạ
Đi tới nơi công cộng, trẻ bắt đầu hành vi ăn vạ, nhiều bố mẹ sẵn sàng làm mọi việc để ngăn chặn điều này. Việc làm này có hiệu quả nhanh chóng nhưng trẻ sẽ nhận thấy nếu mình khóc lóc, mè nheo sẽ có cái mình muốn. Hãy cho con biết rằng một hành vi xấu là không chấp nhận được dù trong bất kì tình huống nào và trong trường hợp còn tiếp tục, chúng sẽ bị phạt.
3. Nói quá nhiều
Trẻ nhỏ thường khó có thể chú ý quá lâu, do vậy không phải lúc nào cũng có thể lắng nghe cha mẹ dạy dỗ về cách hành xử. Ngoài ra, việc nói quá nhiều cũng khiến cho con chán nản. Phụ huynh nên nói ngắn gọn và dứt khoát để có thể đạt được hiệu quả.
4. Thiếu kiềm chế
Chắc hẳn bạn đã nhiều lần không thể kiềm chế nổi trước sự bướng bỉnh của con. Tuy nhiên, la hét không giúp ích gì cho việc dạy dỗ con, hoặc chúng sẽ không nghe hết những lời nói gay gắt của bố mẹ, hoặc chúng cũng nổi giận và phản ứng lại. Để con hiểu được rằng mình đang làm sai, bạn chỉ cần nói một cách điềm tĩnh nhưng dứt khoát.
5. Ép con phải theo ý mình
Nhiều phụ huynh tự cho mình quyền ép buộc con cái phải theo ý mình mọi lúc mọi nơi vì nghĩ rằng làm thế là tốt cho trẻ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là sai lầm trong cách dạy con vô cùng nguy hại cha mẹ nên tránh. Cách dạy con này sẽ khiến trẻ luôn sống trong trạng thái căng thẳng, không thoải mái để phát triển hết khả năng của mình.
6. Tìm cách đổ lỗi
Con khóc bị vấp cái ghế, nhiều bố mẹ liền đổ lỗi và đánh cái ghế mà không dạy con cách tự đứng dậy mà chỉ lấy đổ lỗi cho điều gì khác để an ủi con. Điều này tưởng đơn giản nhưng lại là nguyên nhân chính hình thành tính cách bảo thủ, khó tiếp thu và không bao giờ nhìn nhận lại bản thân của con sau này.
7. So sánh với những người khác
Mỗi lần con mắc lỗi, nhiều phụ huynh lại bắt đầu so sánh với những đứa trẻ khác để trách móc, nhằm mục đích giúp con biết nhìn bạn nhìn bè để cố gắng. Tuy nhiên, điều này không giúp khích lệ con mà mang lại tác dụng ngược, con sẽ chỉ thêm mặc cảm, tự ti hoặc con hình thành tính cách ganh ghét, đố kỵ với các bạn khác.
8. Phạt quá nặng
Nhiều cha mẹ thừa nhận việc bản thân đã trừng phạt con cái trong lúc tức giận. Tuy nhiên hình phạt trong thời điểm đó thường không công bằng và quá mức so với những gì con cái đáng phải chịu. Do đó, phạt con cái trong lúc tức giận và chán nản là phương pháp không được khuyến khích. Thay vào đó, bạn nên viết những quy tắc rõ ràng trong gia đình để con biết mình sẽ gánh hậu quả như thế nào khi làm sai.
9. Kỷ luật không nhất quán
Nếu có hôm cha mẹ la mắng về một việc sai mà con làm, nhưng hôm khác lại bỏ qua, con sẽ học được rằng phản ứng của người lớn là không thể đoán trước được.
Vì vậy khi bạn phạt một hành động nào đó không tốt của con, khi con tiếp tục tái phạm thì đừng bỏ qua, hãy kỷ luật con giống như lần phạt trước. Bởi vì nếu bạn kỷ luật không nhất quán sẽ làm cho trẻ bối rối và đưa đến những thông điệp khiến trẻ hiểu sai.
Theo Phụ nữ Việt Nam