"Con nhà người ta" là một khái niệm hoàn hảo được các bậc cha mẹ tạo ra để so sánh với chính con cái của mình. Vô hình trung, nó đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều đứa trẻ hiện nay. Thường dùng để nói nhằm mục đích răn đe, đốc thúc con mình cố gắng, thế nhưng việc so sánh con trẻ với một "tấm gương trong truyền thuyết" nào đó không có tác dụng tích cực như các bậc phụ huynh mong đợi. Thay vào đó, đôi lúc còn tạo áp lực lên sự phát triển của trẻ.
Trên thực tế, những đứa trẻ hay bị bố mẹ so sánh với "con nhà người ta" lớn lên sẽ có những điểm khác biệt so với những đứa trẻ khác. Dưới đây là những điểm khác biệt đó, cha mẹ cần lưu ý:
1. Trẻ tự ti, thấy mình kém cỏi hơn
Mỗi đứa trẻ dù lớn đến đâu cũng muốn nhận được sự khẳng định từ cha mẹ. Tuy nhiên, việc trẻ phải tiếp nhận những lời so sánh, khiển trách nặng nề của cha mẹ quá nhiều sẽ khiến cho sức mạnh tinh thần dần suy yếu. Trẻ sẽ không những không thể sửa chữa mà còn cảm thấy bản thân đặc biệt kém cỏi và tự ti vì điều đó.
Những trường hợp như vậy, trẻ thường có ý thức thấp về giá trị của bản thân. Theo thời gian, chúng sẽ ngày càng thiếu tự tin, ngại bày tỏ, ngại phản bác và âm thầm chịu đựng những bất bình. Trẻ sẽ nghĩ rằng mình làm tốt thì cũng chẳng được gì cả, từ đó năng lực, ý chí của trẻ bị mài mòn.
2. Ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ
Khi bị so sánh với bạn bè quá nhiều, bé sẽ mất dần sự tự tin. Trẻ sẽ bắt đầu tin rằng những người khác đều giỏi hơn mình và bản thân không có năng lực, dẫn đến những năng khiếu của bản thân không có chỗ để phát triển và sẽ biến mất. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nhận thức và phát triển bình thường ở trẻ.
Việc bị bố mẹ so sánh với bạn bè quá nhiều sẽ khiến trẻ có xu hướng sống theo sự kỳ vọng của người lớn, làm theo những điều bố mẹ muốn. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không ổn vì có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tinh thần cũng như khả năng học tập của trẻ.
3. Trẻ bị áp lực từ nhỏ
Tâm lý những đứa trẻ thường rất mong manh. Chúng sẽ cảm thấy gánh nặng tâm lý nếu liên tục bị bố mẹ so sánh. Điều này sẽ khiến trẻ sinh ra tâm lý thường xuyên lo lắng, chán ăn và thậm chí là mất ngủ vì những điều bố mẹ nói hay khi không đạt được kỳ vọng của đáng sinh thành. Để tránh điều này xảy ra, cha mẹ nên nói chuyện và chia sẻ với trẻ, tìm hiểu xem vì sao thành tích của con chưa được tốt cũng như tìm ra giải pháp hiệu quả và phù hợp.
4. Trẻ bị động, thu mình với xã hội
Việc cha mẹ đem trẻ ra so sánh sẽ khiến trẻ trở nên tiêu cực, tự ti và thu mình lại. Khi trẻ không dám phát biểu ý kiến của bản thân và thói quen giữ lại cảm xúc tiêu cực trong lòng dễ khiến con cũng khó hòa nhập với cộng đồng, thường bị động trong học hành cũng như khả năng tiếp thu kiến thức cũng kém hơn. Cha mẹ phải để ý nhiều hơn đến tâm lý của trẻ bởi điều này sẽ khiến trẻ trở nên rụt rè và hèn nhát. Sau này khi bước vào xã hội, trẻ sẽ sợ hãi thế giới xung quanh, không dám thể hiện bản thân, thậm chí là dễ bị đối xử tệ bạc.
4. Giữ khoảng cách với bố mẹ
Trẻ bị cha mẹ so sánh, không được công nhận khả năng sẽ thu mình lại và giữa khoảng cách với cha mẹ vì trẻ không được lắng nghe và chia sẻ.
Thiếu đi sự lắng nghe từ bố mẹ sẽ khiến con cái dần trở nên lạc lõng, cô đơn và né tránh việc giao tiếp với bố mẹ. Những phản ứng tiêu cực của con mỗi lần nghe bố mẹ so sánh hay đánh giá thấp những gì trẻ đạt được là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy bố mẹ cần điều chỉnh thái độ và thay đổi cách nói chuyện để không gây tổn thương con. Thời gian càng lâu, bé tạo khoảng cách với gia đình càng lớn, không muốn ôm ấp hay trò chuyện cùng bố mẹ. Tình trạng này càng kéo dài, cảm xúc tiêu cực càng có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tính cách của con về sau.
Trên thực tế, bố mẹ nào cũng yêu thương và mong con mình tốt hơn. Tuy nhiên, trong cuộc sống này vốn dĩ chẳng có ai hoàn hảo và thiếu sót là điều rất bình thường. Vì vậy, thay vì thường xuyên so sánh trẻ với những đứa trẻ khác. Hãy dành thời gian nhiều hơn để quan tâm và giúp con tốt lên. Điều cần thiết mà bố mẹ nào cũng nên làm là hãy cho con thời gian hoàn thiện bản thân mình.
(Theo Sina)
Theo Trí thức trẻ