1. Các loại hạt đắng, đồ ăn mốc
Nếu vô tình ăn phải các loại hạt như hạnh nhân, óc chó,... có vị đắng, bạn nên lập tức nhổ ra ngay và súc miệng ngay nếu không có thể nhiễm chất độc aflatoxin. Ngoài các hạt đắng, aflatoxin có thể tồn tại trong lạc mốc, ngô mốc, gạo mốc,…
Aflatoxin đã được xác định là chất gây ung thư loại 1 bởi Viện nghiên cứu ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới. Nó độc hại gấp 68 lần so với asen, chỉ đứng sau botulinum, ăn phải aflatoxin dù chỉ lượng nhỏ cũng có thể gây tổn thương gan, làm tăng nguy cơ ung thư.
Điều đáng sợ hơn nữa là tính ổn định của aflatoxin rất mạnh và rất khó để tiêu diệt nó ở nhiệt độ chung, nếu muốn loại bỏ hoàn toàn phải sử dụng nhiệt độ 100°C trong 20 giờ khử trùng.
2. Khoai tây mọc mầm
Khoai tây rất dễ nảy mầm trong môi trường nhiệt độ cao và độ ẩm lớn. Nếu khoai tây đã nảy mầm, bạn cần hết sức cảnh giác bởi khi ấy trong khoai tây sẽ có chứa chất độc solanine.
Trong củ khoai, solanine nhiều nhất vùng phía ngoài vỏ. Bình thường thì hàm lượng thấp không đủ gây ngộ độc cho người ăn (trung bình 8mg solanine /100gram khoai ; liều độc: 20-25mg ). Tuy nhiên, khoai để lâu, khoai mọc mầm, phơi nắng thay vì nằm trong tối, bị bầm dập sẽ làm gia tăng độc tố này.
Solanine không bị phân hủy bởi nhiệt độ hoặc hệ thống tiêu hóa. Khoai tây luộc hay chiên ngập dầu ở 170 độ C cũng không làm giảm mức glycoalkaloid. Vì vậy, biện pháp phòng tránh ngộ độc solanine là không ăn khoai tây mọc mầm.
Nếu tiêu thụ trực tiếp, nó có thể gây ngộ độc cấp tính. Các triệu chứng ngộ độc cấp tính của solanine là chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, nhịp tim nhanh. Một khi các triệu chứng ngộ độc xảy ra, nên đi điều trị y tế ngay lập tức.
3. Cà chua xanh
Tương tự như khoai tây mọc mầm, cà chua xanh không chỉ có vị đắng, mà còn chứa solanine. Hàm lượng solanin trong cà chua xanh dao động từ 9-32mg/100g, trong cà chua chín khoảng 0-0,7mg/100g. Cà chua càng chín thì càng chứa ít solanine.
Khi ăn cà chua xanh, khoang miệng có cảm giác đắng chát. Nếu ăn nhiều có thể xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa… và khi cà chua chín thì độc tố này đã bị phân hủy.
Kết quả nghiên cứu sự biến đổi hàm lượng solanine trong quá trình chế biến cà chua xanh cho thấy cà chua xanh muối chua ngọt còn khoảng 90% tổng số solanine ban đầu vì solanine không bị hủy trong acid. Cà chua xanh được đem làm mứt còn lại khoảng 45% số lượng solanine ban đầu.
4. Mộc nhĩ ngâm nhiều ngày
Thông thường chúng ta hay ngâm mộc nhĩ khô vào nước trước khi nấu nướng. Tuy nhiên, cần phải lưu ý nếu ngâm mộc nhĩ quá lâu, sẽ xảy ra hiện tượng biến chất, sản sinh một loại vi khuẩn là Pseudomonas syringae, loại vi khuẩn này sẽ sản sinh chất độc có tên gọi BA.
“BA” là một chất độc gây tử vong và thậm chí sau khi đun nhiều lần trong nước sôi, chất độc vẫn tồn tại. Thời gian ủ độc của nó lên đến ba ngày. Hầu hết bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đột ngột từ nửa ngày đến một ngày. Lúc đầu, sẽ có các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và sau đó xuất hiện sưng gan và thậm chí là hoại tử gan.
Theo Khám phá