Với tình hình dịch bệnh, việc giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh khi ở nhà là điều quan trọng. Nhưng làm thế nào để nâng cao sức đề kháng tiếp "năng lượng" cho việc học tập, làm việc online hiệu quả tại nhà cũng là mối quan tâm của nhiều người trong mùa dịch này.

1 5 Nhom Thuc Pham Giup Tang De Khang Trong Mua Dich

Bạn có biết, một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến cơ thể mệt mỏi là do hệ miễn dịch yếu khiến bạn bị giảm sức đề kháng. Vì thế, bạn nên bổ sung các thực phẩm giúp tăng cường sức đề kháng để hồi phục sức khỏe khi ở nhà.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết: Sức đề kháng được xem là tấm lá chắn giúp bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch bệnh. Để tăng cường sức đề kháng, bạn có thể bổ sung vào thực đơn các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như A, E, C, D, B, Sắt, Kẽm, Selen ...

Sức đề kháng được hình thành từ khi con người mới lọt lòng mẹ, trong đó chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng cùng với lối sống lành mạnh. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID – 19, người dân làm việc và học tập tại nhà, sức khỏe tinh thần và thể lực có thể bị ảnh hưởng. Khi cơ thể mệt mỏi bạn có thể bổ sung các nhóm thực phẩm giúp tăng cường đề kháng sau đây:

Hạnh nhân, hạt hoa hướng dương…

Hạnh nhân chứa nhiều vitamin và chất béo lành mạnh giúp hấp thụ vitamin E tốt hơn. Cùng với vitamin C, vitamin E cũng chính là "chìa khóa" cho một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Một khẩu phần nửa cốc hạnh nhân (khoảng 46 hạt hạnh nhân nguyên vỏ) cung cấp khoảng 100% lượng khuyến nghị vitamin E hàng ngày.

Hạt hướng dương có nhiều chất dinh dưỡng quý như photpho, magie, vitamin B6 và vitamin E. Vitamin E có vai trò trong việc điều chỉnh và duy trì chức năng của hệ thống miễn dịch.

Cá, thịt gia cầm, hàu, tôm, cua…

Thịt gia cầm, ví dụ như thịt gà thuộc nhóm thực phẩm giàu vitamin B6. Trong 85g thịt gà chứa khoảng 1/3 lượng khuyến nghị vitamin B6 hàng ngày. Vitamin B6 đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành các tế bào hồng cầu khỏe mạnh.

Thịt cá các loại còn cung cấp nhiều vitamin A – 1 vitamin cần cho hoạt động của hệ miễn dịch khoẻ mạnh.

Một số loại động vật có vỏ giàu kẽm như hàu, tôm, cua, con trai, hến... Cơ thể cần bổ sung kẽm để đảm bảo hệ miễn dịch hoạt động tốt. Lượng kẽm khuyến nghị cho nam giới trưởng thành là 11mg và nữ giới trưởng thành là 8mg.

Tỏi, gừng, nghệ...

Ngay từ thời văn minh sơ khai, người ta đã biết đến tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng của tỏi. Tỏi có chứa nhiều chất sinh học đặc biệt - Allicin còn có thể giúp diệt khuẩn. Ngoài ra, loại gia vị này còn chứa hàm lượng lớn vitamin (A, B, C, D,…) và nhiều khoáng chất cần thiết (i-ốt, canxi, magie,…) giúp nâng cao sức đề kháng.

2 5 Nhom Thuc Pham Giup Tang De Khang Trong Mua Dich

Gừng chứa nhiều vitamin và chất khoáng giúp hỗ trợ tăng sức đề kháng.

Gừng là một loại gia vị được nhiều người sử dụng sau khi ốm dậy. Gừng có thể hỗ trợ giúp giảm viêm, hỗ trợ giảm đau họng và các bệnh viêm nhiễm. Gừng cũng có thể giúp giảm buồn nôn, hỗ trợ giảm cơn đau mạn tính và hỗ trợ chống cảm lạnh.

Nghệ là một vị thuốc trong y học cổ truyền chứa hàm lượng curcumin cao, có công dụng hỗ trợ làm đẹp da, bảo vệ gan và dạ dày, hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tim mạch… Các nghiên cứu gần đây còn cho thấy curcumin có tác dụng hỗ trợ tăng cường sức đề kháng một cách tự nhiên.

Cải bó xôi, ớt chuông, bông cải xanh...

Cải bó xôi (rau bina) không những giàu vitamin C mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa và beta carotene giúp hỗ trợ tăng khả năng chống nhiễm trùng. Cũng giống như bông cải xanh, cải bó xôi không nên nấu chín quá để giữ lại dinh dưỡng.

Bạn có thể sẽ bất ngờ khi biết rằng ớt chuông cũng dồi dào vitamin C chẳng kém các loại trái cây họ cam quýt. Bên cạnh tác dụng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, vitamin C còn giúp duy trì làn da khỏe mạnh.

Bông cải xanh có nhiều vitamin A, C và E, cũng như chất xơ và nhiều chất chống oxy hóa khác. Bạn nên tránh nấu chín quá khi chế biến bông cải xanh, tốt nhất là nên hấp để giữ lại nhiều dinh dưỡng.

3 5 Nhom Thuc Pham Giup Tang De Khang Trong Mua Dich

Cải bó xôi có nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa.

Đu đủ, kiwi, trái cây có múi...

Một quả đu đủ kích thước trung bình có thể cung cấp lượng vitamin C gấp đôi nhu cầu khuyến nghị hàng ngày. Đu đủ cũng chứa một loại enzym tiêu hóa gọi là papain có tác dụng chống viêm. Ngoài ra, đu đủ có một lượng lớn kali, magie và folate đều tốt cho sức khỏe tổng thể.

Kiwi chứa rất nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm folate, kali, vitamin K và vitamin C. Vitamin C tăng cường các tế bào bạch cầu để chống lại nhiễm trùng, trong khi các chất dinh dưỡng khác của kiwi giúp bảo vệ sức khỏe tổng thể.

Hầu như các loại trái cây họ cam quýt bưởi chanh đều chứa nhiều vitamin C giúp hỗ trợ phòng ngừa cảm lạnh nhờ tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch. Vitamin C được cho là làm tăng sản xuất các tế bào bạch cầu và giúp chống lại nhiễm trùng.

Chế độ dinh dưỡng có nhiều thực phẩm tăng cường sức đề kháng sẽ giúp các thành viên trong gia đình cải thiện sức khỏe khi cơ thể mệt mỏi. Đặc biệt, sức đề kháng lại càng có ý nghĩa quan trọng trong mùa dịch bệnh nên hãy chăm chút cho bữa ăn hàng ngày của gia đình nhiều hơn bạn nhé.

Nguồn: suckhoedoisong.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC