Công dụng quả vải theo y học cổ truyền
Cùi vải (còn gọi là áo hạt) được dùng ăn và làm thuốc từ lâu đời, có vị ngọt, chua, tính bình hay ôn, không có độc.
Có tác dụng nuôi huyết, làm hết phiền khát, tiêu thũng, chữa bệnh mụn nhọt, ăn nhiều đẹp nhan sắc, nhưng có tài liệu của Mậu Hy Ung và Hoàng Cung Tú cho rằng ăn nhiều thì phát nhiệt, chảy máu cam, đau răng.
Ảnh: Barza Wire
Hạt vải có tên lệ chi hạch; còn gọi là lệ nhân, đại lệ hạch…
Trong sách thuốc Đông y, hạt vải được xếp vào loại thuốc lý khí (lý khí = chữa trị các chứng bệnh liên quan đến chức năng của khí), có vị ngọt, chát, tính ôn (ấm), không độc. Theo Những cây thuốc và vj thuốc Việt Nam của giáo sư Đỗ Tất Lợi thì lệ chi hạch có tác dụng tán hàn, thấp kết khí, chữa âm sang sưng đau (thoát vị), còn dùng chữa tiêu chảy cho trẻ em.
Nghiên cứu về tác dụng của hạt vải của y học hiện đại
Thuốc chế từ hạt vải có tác dụng ức chế rõ ràng đối với kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B, phòng ngừa hình thành sỏi mật, có khả năng chữa trị một số thể bệnh đau dạ dày.
Hạt vải có khả năng phòng ngừa sỏi mật, trị một số thể bệnh dạ dày. (Ảnh: Pinterest)
Đặc biệt, kết quả nghiên cứu trên động vật thí nghiệm đã cho thấy, tiêm hoạt chất chiết từ hạt vải cho chuột nhắt có tác dụng giảm đường huyết và làm cho lượng glycogen ở gan giảm rõ ràng.
Kết quả nghiên cứu lâm sàng đã chứng thực: Hạt vải có tác dụng cải thiện quá trình chuyển hóa đường, có khả năng phòng trị đái tháo đường, cũng như phòng ngừa các biến chứng thận ở những người mắc đái tháo đường. Cơ chế tác động đối với đường huyết của hạt vải tương tự như tác dụng của nhóm thuốc biguanide.
Một số bài thuốc sử dụng quả vải
Bài 1: Chữa nhọt
Theo sách Tế sinh bí lãm, áo hạt vải giã nát với ô mai thành cao đắp lên mụn nhọt.
Đơn khác: Sách Phổ tế phương có ghi, lấy 5 – 7 áo hạt vải giã nát, trộn với ít hồ nếp, dàn thành miếng cao dán lên nơi mụn nhọt.
Bài 2: Chữa nấc
Vải cả quả đốt thành than, tán bột hoà với nước nóng mà uống.
Bài 3: Đau răng
Toàn quả vải, đốt thành than, nghiền nhỏ, thêm ít muối, xát vào răng thì thấy kết quả.
Bài 4: Đau dạ dày mạn tính
Hạt vải sấy khô, tán mịn, cất vào lọ nút kín để dùng dần. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g. Chiêu bằng rượu trắng pha loãng hoặc nước ấm.
Hạt vải được phơi sấy khô có nhiều công dụng. (Ảnh: baodansinh.vn)
Bài 5: Phòng sỏi mật
Hạt vải và hạt quýt – mỗi thứ 20g, trần bì 10g, hồng táo 2 trái, nước 3 bát, đun sôi, uống thay trà trong ngày.
Bài 6: Chữa sưng đau tinh hoàn
Hạt vải đốt tồn tính, nghiền mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4 – 6g; chiêu thuốc bằng rượu trắng hoặc nước ấm.
Đơn khác: Hạt vải, trần bì, hồi hương; ba vị liều lượng bằng nhau tán thành bột mịn, trộn đều. Ngày uống 3 lần; mỗi lần uống 4 – 6g, dùng rượu hoặc nước ấm chiêu thuốc.
Một số kinh nghiệm khi bào chế thuốc
Áo hạt (cùi quả): ăn khi còn tươi, nếu dùng làm thuốc thì sấy khô để dùng dần. Phơi cho thật khô cầm không dính tay, để vào thùng bảo quản thật kín, thường sấy khô để tránh ẩm, mốc, sâu mọt.
Hạt: rửa sạch, phơi khô, giã nát, tẩm nước muối sao dùng (1 kg hạt vải dùng 30g muối) hoặc đốt tồn tính dùng.
Ăn vải bị ngộ độc không phải do bản thân quả vải gây ra. (Ảnh: tapchitaichinh.vn)
Lưu ý: Một số người ăn quả vải bị ngộ độc (nôn nao, nổi mề đay, đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở, huyết áp hạ…) thì không phải do bản thân quả vải gây ra. Đó là do một thứ nấm men độc Candida tropicalis thường thấy ở núm những quả vải chín quá, dập nát, ung thối, để lâu ngày mà không được bảo quản. Hàm lượng đường, pH trong quả là môi trường thuận lợi cho nấm phát triển. Vậy nên không nên ăn khi thấy chất lượng quả có biến đổi khác thường.
Nguồn: Yến Dương
DKN.TV