Kể từ trước công nguyên, y học đã sớm công nhận vai trò của ăn uống trong việc chữa bệnh. Danh y thời cổ đại tên Hypocrat từng nói: Thức ăn cho người bệnh phải là phương tiện điều trị và các phương tiện điều trị của chúng ta phải là các chất dinh dưỡng.
Sau này, Thiền sư Tuệ Tĩnh cũng áp dụng thực phẩm trong không ít bài thuốc chữa bệnh, tất cả đều được xác định bởi tính vị và công dụng. Ví dụ: Rau muống vị ngọt, tính hàn, sinh da thịt, giải độc, tiêu thuỷ thũng. Vừng vị ngọt, nhuận tràng, ích khí, bổ trung, hoà 5 tạng.
Ngày nay, nghiên cứu của y học hiện đại càng củng cố thêm vai trò của dinh dưỡng đối với cơ thể. Trong công cuộc bảo dưỡng nội tạng, thực phẩm là thứ không thể bỏ qua.
9 món ăn tốt nhất dành cho nội tạng
1. Món mà não "thích nhất": Cá hồi
Axit béo omega-3, axit docosahexaenoic (DHA) được tìm thấy trong các loại cá béo, phổ biến nhất là cá hồi. Chúng được chứng minh rằng có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại chứng sa sút trí tuệ.
Một nghiên cứu cho thấy những người ăn nhiều cá béo giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Hướng dẫn Chế độ ăn uống năm 2010 cho người Mỹ kêu gọi ăn 4 ounce (khoảng 113g) cá, hai lần một tuần.
2. Món mà xương "thích nhất": Đậu nành
Canxi trong các sản phẩm từ đậu nành là thành phần xây dựng mô xương, giúp cho xương chắc khỏe, đồng thời chống lại bệnh loãng xương. Hướng dẫn Chế độ ăn uống năm 2010 cho người Mỹ khuyến nghị sử dụng ba cốc sữa đậu nành ít béo hoặc không béo mỗi ngày.
3. Thực phẩm mà tim "thích": Tía tô
Nước tía tô là loại nước rất tốt để giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt, do đó giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, đau tim, đột quỵ và thậm chí cả ung thư. Đồng thời nó cũng giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
4. Món ăn tốt nhất cho phổi: Quả lê
Y học cổ truyền Trung Quốc cho biết, lê có tác dụng làm sạch và giải độc, giữ ẩm phổi cho phổi. Đồng thời, lê còn là nguyên liệu để điều chế các bài thuốc giảm đờm, giảm ho hiệu quả. Quả lê rất tốt cho phổi dù dùng làm tráng miệng, nấu súp, hầm canh đều đem lại tác dụng.
5. Món ăn tốt cho gan: Rau cải
Vị đắng của rau cải đắng có thể gây khó chịu cho một số người, tuy nhiên loại rau này rất tốt cho gan. Nghiên cứu cho thấy loại rau này có chứa glucosinolates có thể làm chậm sự phát triển và lan rộng của các tế bào ung thư. Hơn nữa, chất này còn có thể giúp men gan xử lý độc tố hiệu quả hơn, giảm tác động tiêu cực của hóa chất có hại lên cơ thể.
6. Thực phẩm bổ nhất cho tuyến tiền liệt: Trà xanh
Nghiên cứu cho thấy chất chống oxy hóa polyphenol trong trà xanh có thể giúp ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt.
7. Thực phẩm giúp trẻ hóa dạ dày: Đậu bắp
Trong y học cổ truyền, quả đậu bắp non được sử dụng như một vị thuốc chữa viêm dạ dày. Chất nhầy trong đậu bắp được cho rằng có thể giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ làm lành các vết viêm loét.
Còn trong y học hiện đại, đậu bắp rất giàu vitamin C và chất xơ hòa tan. Đồng thời chất nhầy bên trong đậu bắp chứa một lượng lớn các chất arabinan, galactan, rhamnose, protein… giúp tăng cường tiêu hóa, chữa viêm dạ dày, loét dạ dày, sau khi ăn vào có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày.
8. Món tốt nhất cho ruột: Nước mật ong
Uống 1 cốc nước mật ong vào buổi sáng có tác dụng làm sạch ruột do mật ong có chất khử trùng. Nó đồng thời cũng thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, bài tiết các chất độc, rác thải trong ruột ra ngoài kịp thời.
9. Thực phẩm bổ thận: Đuôi lợn
Trong y học cổ truyền Việt Nam có lưu truyền một bài thuốc từ đuôi lợn có tác dụng bổ thận, ích tinh. Cách làm: Sử dụng đuôi lợn 100g, trần bì 1 miếng, hạch đào 10 hạt bỏ vỏ, lạc 10 hạt, muối ăn. Đuôi lợn làm sạch, chặt từng khúc ngắn. Đun nước sôi rồi thả đuôi lợn, trần bì, hạch đào, lạc đậy kín giảm lửa hầm nhừ, ăn nóng.
Theo Nhịp Sống Việt