Ấn Độ dự kiến bắt đầu tiêm ngừa cho 120 triệu thanh thiếu niên tuổi từ 12 đến 18 bằng vắc xin công nghệ DNA đầu tiên trên thế giới mà nước này phát triển, trong khi các trường học Ấn Độ đang dần mở cửa trở lại.

1 An Do Tiem Vac Xin Covid 19 Cong Nghe Dna Cho Thieu Nien

Bên trong một lớp học ở New Delhi ngày 1-9. Các trường học ở Ấn Độ đang mở trở lại các lớp cho học sinh trung học với 50% công suất - Ảnh: REUTERS

Ngày 1-9, tờ Nikkei Asia cho biết chiến dịch tiêm ngừa cho nhóm thiếu niên từ 12 đến 18 tuổi sẽ bắt đầu vào tháng 10. Vắc xin ZyCoV-D "nhà trồng" của nhà sản xuất Zydus Cadila dành riêng để tiêm cho nhóm này.

Chiến dịch tiêm ngừa có thể giải quyết nỗi lo khi mà các trường học ở Ấn Độ đang dần mở trở lại sau 18 tháng đóng cửa. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Rajesh Bhushan đã nói rằng vắc xin sẽ có hàng vào đầu tháng 10-2021.

Vắc xin ZyCoV-D được Cơ quan Quản lý dược phẩm Ấn Độ (DCGI) cấp phép sử dụng khẩn cấp cho cả người lớn và thiếu niên vào ngày 20-8. Đây là loại vắc xin dựa trên DNA đầu tiên trên thế giới và có hiệu quả bảo vệ lên đến 66% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III trên hơn 28.000 người tình nguyện.

Do sử dụng công nghệ dựa trên plasmid DNA, ZyCoV-D có thể được điều chỉnh để đối phó với các đột biến mới của virus SARS-CoV-2, theo DCGI. Khi tiêm vào người, loại vắc xin này sẽ tạo ra các protein gai như của SARS-CoV-2 để kích thích cơ thể sinh miễn dịch, theo Bộ Công nghệ sinh học Ấn Độ.

Loại vắc xin này có thể được tiêm mà không cần kim và bao gồm 3 liều, liều thứ 2 cách liều đầu 28 ngày và cách liều cuối cùng 4 tuần.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc vắc xin chia thành 3 liều cũng tạo ra thách thức về hậu cần, nhất là khi phân phối vắc xin tại những vùng nông thôn. Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần phải tiêm cho cả người lớn, những đối tượng bảo vệ gián tiếp cho các thiếu niên.

Ngoài ZyCoV-D, đến nay Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 5 loại vắc xin, gồm Covishield, Covaxin, Sputnik V và Moderna. Dù vậy, chương trình tiêm chủng của Ấn Độ vẫn phụ thuộc phần lớn vào hai loại vắc xin là Covishield và Covaxin, chiếm 90% số vắc xin đã tiêm.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC