Khế là trái cây rất ít calo, 100g khế chỉ cung cấp 30 calo so với nhu cầu trung bình 2.000 calo mỗi ngày, do đó rất được mọi người yêu thích. Đồng thời, trong khế có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng bô rích cho cơ thể, đặc biệt là vitamin C và vitamin B. Ăn 100g khế (khoảng hai trái) cũng đạt được hơn 50% nhu cầu vitamin C mỗi ngày.
Bên cạnh đó, khế giàu chất chống oxy hoá dạng flavonoids, được cho là có khả năng chống viêm, ngăn ngừa nhiều chứng bệnh, kể cả ung thư. Loại quả này cũng chứa một lượng nhỏ các khoáng chất quan trọng như magie, phốt pho, kali, sắt và kẽm. Ngay cả vỏ quả cũng cung cấp 3g chất xơ, giúp thúc đẩy tiêu hóa khỏe mạnh và ngăn chặn sự hấp thu cholesterol lipoprotein (LDL) gây hại trong ruột của bạn.
Do đó, khế đem tới rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Khoa học đã chứng minh, lượng chất xơ dồi dào trong khế rất tốt cho quá trình hỗ trợ tiêu hóa, phát triển của lợi khuẩn trong ruột già giúp ngăn ngừa các bệnh đường ruột do nhiễm khuẩn. Khế cũng đóng vai trò quan trọng giúp duy trì sức khỏe tim mạch, điều hòa huyết áp cho cơ thể, tốt cho thị lực, hỗ trợ giảm cân, giúp giảm đau hiệu quả…
Tuy vậy, khế lại là một món “đại kỵ” đối với những người có thận yếu, đang bị bệnh thận. Nếu đó là người mắc chứng suy thận, phải chạy thận (nhân tạo), họ thậm chí có thể bị ngộ độc sau khi ăn khế, với các triệu chứng nấc cụt, nôn mửa, co giật, động kinh, tâm thần hoảng loạn… Một số trường hợp tử vong do ăn khế ở những người suy thận đã được ghi nhận.
Vì sao khế lại tác động đến thận nghiêm trọng như vậy?
Ban đầu, người ta cho rằng, acid oxalic chiếm 50 - 60% trong khế đã tạo ra chất kết tủa oxalate calcium, gây sỏi thận, tăng nguy cơ ngộ độc với người bệnh thận. Tuy nhiên acid oxalic cũng có trong các loại rau củ quả khác chứ không riêng gì khế. Đồng thời, những kết tủa oxalate có kích thước rất nhỏ, nên bị đào thải qua phân và đường tiểu, ngoại trừ một số ít trường hợp bị vướng víu trong thận, bàng quang thì mới lớn dần thành sỏi.
Tới năm 2013, nghiên cứu của đại học Sao Paulo (Brazil) cuối cùng đã tìm ra “thủ phạm chính” gây hại thận bậc nhất. Đó chính là caramboxin, một loại acid amin. Mặc dù caramboxin là acid amin, nhưng nó không dính líu gì tới thành phần protein của động vật mà bị coi là một độc tố thần kinh.
Caramboxin có thể gây ra những ảnh hưởng lên bộ não và các dây thần kinh ở những người suy thận. Với người suy thận, việc chỉ ăn một quả khế cũng dễ dàng khiến bệnh nhân trúng độc, trường hợp nặng có thể biến chứng chuyển thành chứng tăng urê huyết, gây sốc phản vệ, thậm chí tử vong…
Đặc biệt, một loại độc tố thần kinh có tên neurotoxin cũng tồn tại trong khế. Neurotoxin khi đi vào cơ thể có thể gây ói mửa, rối loạn tâm thần, hôn mê, động kinh, thậm chí tử vong. Độc tố này cũng tìm thấy trong một số loài rắn hay nhện… Ở người thận khỏe, độc tố này được thận xử lý và loại bỏ để không gây hại cho sức khỏe, nhưng với người thận yếu, đang có vấn đề về thận thì hậu quả để lại nghiêm trọng hơn. Thận không thể giải độc tố trong quả khế nên gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, trong khế có chứa nhiều loại axit, đặc biệt là khế chua, nên người bị đau dạ dày hoặc đang bị đói không nên ăn. Chất axit cũng làm cản trở sự hấp thu canxi do vậy những người có vấn đề xương khớp, trẻ dưới 5 tuổi nên hạn chế ăn khế.
Những nhóm người cũng không nên ăn khế
1. Người có cơ thể mang tính hàn
Vì khế là một loại quả có tính lạnh cho nên những đối tượng có tỳ vị hư hàn, dạ dày không tốt, có thể sẽ bị tăng nặng các triệu chứng bệnh khi ăn khế, gây ra chứng khó tiêu và ảnh hưởng không tốt đến cảm giác thèm ăn.
2. Người đang uống thuốc kháng sinh
Khế thường chứa nhiều acid và vitamin C. Với những người đang uống các loại thuốc kháng sinh, nhất là các kháng sinh nhóm beta lactam như penicillin, ampicillin, amoxycillin, augmentin, unasyn, cloxacylin, oxacilin... cần chú ý không được dùng khế hay bất cứ hoa quả, đồ uống có vị chua nào. Bởi vì các kháng sinh này không bền ở môi trường acid, khiến tác dụng của thuốc bị ảnh hưởng.
Ảnh minh họa.
3. Trẻ em bụng dạ yếu
Trẻ em không nên ăn khế vì sẽ bị tiểu ra máu sau khi ăn. Tuy nhiên, những trẻ khỏe mạnh vẫn ăn được nhưng cần lưu ý không ăn vào lúc bụng rỗng.
4. Người cao huyết áp, tiểu đường
Những bệnh nhân cao huyết áp, đái tháo đường chống chỉ định không nên ăn khế vì nhóm người này cần đặc biệt chú ý tới chức năng thận. Chất độc thần kinh trong khế hiện nay y học chưa rõ, chưa có thuốc giải, chỉ có thể đào thải ra ngoài bằng phương pháp lọc máu bằng than hoạt tính nên những người cao huyết áp, tiểu đường và các bệnh khác nên chú ý đến chức năng thận trước khi ăn.
Theo Trí Thức Trẻ