Tình trạng trẻ biếng ăn, chán ăn ngày càng nhiều theo các bác sĩ dinh dưỡng có tới 60% trẻ đến khám sinh dưỡng là biếng ăn.

Đau dạ dày vì mẹ nhồi nhét

Bé Nguyễn Thành V. 4 tuổi, trú tại Hoàng Đạo Thuý, Hà Nội được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương khám với các biểu hiện đau bụng quanh rốn, chán ăn, mệt mỏi. Khi khám bác sĩ xét nghiệm phân thấy hoàn toàn bình thường, bé được chỉ định nội soi dạ dày gây mê.

Kết quả, nội soi cháu bị viêm dạ dày, dịch dạ dày đục, có viêm niêm mạc, âm tính với vi khuẩn HP. Bố mẹ của V. ngỡ ngàng vì mới 4 tuổi cháu đã bị viêm dạ dày. Khi bác sĩ hỏi về việc ăn uống của cháu, mẹ Thành V. kể cháu rất lười ăn.

Chính vì thế, 4 tuổi cháu mới được 14kg. Mẹ của V. dùng nhiều biện pháp để áp con ăn cố gắng mỗi bữa một bát cơm. Bữa nào cháu cũng bị ép ăn có hôm cơm chan nước mắt.

Nhìn con ăn chỉ biết há miệng và nuốt thức ăn mà không biết món ăn đó có ngon hay không, vị giác không cảm nhận được nhưng mục đích của bố mẹ cháu là ép con ăn được bát cơm chẳng để ý đến cảm nhận của con.

Bác sĩ dinh dưỡng Phạm Thị Thục – Nguyên trưởng phòng dinh dưỡng và nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai trẻ biếng ăn đến khám ngày càng nhiều và trong số đó ghi nhận nhiều trẻ biếng ăn do cha mẹ ép ăn. Với trẻ nhỏ, càng ép thì các cháu càng sợ ăn.

Bài học trả giá bằng sức khoẻ cha mẹ cố nhồi nhét con ăn nên đọc - 0

Chị Trần Thị Vỹ Phương trú tại Vĩnh Tuy, Hà Nội đưa hai công chúa đi khám dinh dưỡng vì cả hai cháu đều lười ăn khiến chị Phương cảm thấy stress. Để nựng con ăn, chị Phương phải cho mỗi cháu 1 cái điện thoại vừa xem vừa ăn. Kết quả, hai cháu dù ăn đủ số cơm chị Phương mong muốn nhưng không tăng cân, còi cọc, da dẻ khô, tóc dựng đứng.

Bác sĩ Thục cho biết việc ép con ăn như vậy càng khiến con lười ăn. Khi ép trẻ ăn, nhiều trẻ sợ phải ăn khiến việc hấp thu, tiêu hóa sẽ gặp vấn đề dẫn đến trẻ chậm tăng cân. Hay một số trẻ nhỏ cứ đi học về được cha mẹ mua cho đồ ăn vặt dẫn đến không có cảm giác đói nên không ăn được nhiều.

Cách giúp trẻ ăn ngon

TS BS Phan Bích Nga – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết trẻ biếng ăn chủ yếu do người lớn cho ăn sai cách đặc biệt là cách cho ăn hỗn hợp như hiện này của nhiều gia đình. Bác sĩ Nga chia sẻ cách giảm bớt biếng ăn cho trẻ cần tạo không khí mát mẻ, thoáng cho trẻ khi ăn.

Về mùa hè nếu nơi nào không có điều hòa mình nên tắm cho trẻ nhiều lần trong ngày 2 – 3 lần cũng làm giảm bớt nhiệt, trẻ sẽ dễ chịu hơn. Khi trẻ dễ chịu thì việc ăn uống cũng sẽ được tốt hơn.

Về dinh dưỡng nên lưu ý đa dạng thực phẩm gồm 4 nhóm thực phẩm và thêm sữa. Cần có tinh bột, đạm, chất béo để sinh năng lượng đảm bảo cho trẻ phát triển. Nhiều bà mẹ nhầm lẫn rằng đến hè là con lười ăn và sợ nóng không cho con ăn bột nấu đầy đủ các chất mà chỉ cho con ăn bột sắn, khoai lang… dù mát nhưng năng lượng thấp.

Bác sĩ Nga cho biết đa số các loại sắn, ngô, khoai tương đối nhiều vitas là những thành phần kém hấp thu vi chất làm cho trẻ thấp còi. Không kể chế độ ăn nghèo nàn các chất. Bởi vậy cha mẹ không nên tự ý thay đổi, áp dụng cách ăn của người lớn cho trẻ vì chúng đang phát triển.

Hạn chế cho trẻ ăn các loại bim bim, đồ ăn nhanh, nước ngọt. TS Nga lý giải trong nước ngọt có ga đấy có rất nhiều độc hại. Nó cung cấp năng lượng rỗng, không có các vi chất cần thiết cho trẻ. Năng lượng rỗng đó rất dễ gây lên tình trạng béo phì.

TS Nga cho biết ở tất cả các trường quốc tế họ cấm trẻ uống nước ngọt có ga trong giờ nghỉ giải lao vì trẻ sẽ sao nhãng, bị kích thích không tập trung, việc học không tốt.

Hiện có nhiều loại nước ngọt cho phẩm màu vào quá độc hại như nước sting… có hàm lượng đường cao nhất.

Với những trẻ suy dinh dưỡng, TS Nga cho biết thường là thiếu đa vi chất. Tỷ lệ thiếu máu, kẽm rất cao trung bình 50%. Thiếu vitamin A cũng khoảng 30 %...

Đặc biệt, thiếu kẽm rất ảnh hưởng vì kẽm là thành phần tham gia gần như vào tất cả enzim nên các chuyển hóa trong cơ thể đều ảnh hưởng khi thiếu kẽm. Khi thiếu kẽm nhìn thấy rõ bên ngoài là trẻ chậm phát triển chiều cao, trẻ biếng ăn…

Tại phòng khám dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhiều trẻ đến khám cho xét nghiệm thiếu kẽm rất nhiều. Khi đó, trẻ chỉ cần bổ sung thêm kẽm bằng việc cho sử dụng các sản phẩm có chứa kẽm.

Ngoài ra, bác sĩ Nga cho biết để trẻ đỡ biếng ăn cần tăng cường thực phẩm giàu kẽm như ngao, sò, hến, thịt bò… Ngoài ra, người lớn có thể bổ sung bằng cách dùng các chế phẩm có chứa vi chất dinh dưỡng cho trẻ.

 

Theo Trí Thức Trẻ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC