Legs Up the Wall đang thu hút nhiều người tham gia tập theo trên toàn thế giới.
Đơn giản mà hiệu quả là lý do nó trở nên nổi tiếng làm cho mọi người vô cùng háo hức tập luyện mọi lúc, mọi nơi.
Xuất phát từ tư thế Viparita Karani trong Yoga của Ấn Độ, nhưng rồi sau tư thế này đã trở thành một động tác bình dân mà bất kỳ ai cũng có thể làm theo rồi lâu dần lan khắp từ Á sang Âu và trở nên phổ biến và được rất nhiều phụ nữ rất yêu thích.
Phương cách thực hiện
Động tác này vô cùng đơn giản. Đầu tiên, nằm hướng mặt vào tường, sau đó từ từ đưa chân lên cao sao cho mông và cả hai chân chạm sát tường.
Người có cơ chân cứng không uốn thẳng chân được thì có thể dùng thêm chiếc gối kê vào mông hoặc để mông cách ra một chút so với chân tường. Người có cơ chân mềm mại thì phải ép sát chân vào tường mới tốt. Cố gắng giữ chân thẳng đứng.
Khi để chân như vậy, chúng ta sẽ có cảm giác xương chân và bụng tác động một lực khá lớn đến vùng xương chậu. Cứ như vậy mà nằm yên nhắm mắt, dồn hết tâm trí vào việc thở chậm. Hít vào thở ra đều đặn, thật dài, thật sâu và thật nhẹ nhàng.
Thực hiện động tác này trong khoảng 10 – 15 phút, đều đặn mỗi ngày 1 – 2 lần, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy hoặc cũng có thể tập bất kỳ lúc nào cũng được, chỉ cần tránh thời điểm sau khi ăn ít nhất là 30 phút.
Khi hạ chân xuống, lưu ý co chân, gập đầu gối, cong người và đầu lên theo tư thế ôm chặt đầu gối, sau đó thả lỏng và nằm nghiêng một lát trước khi ngồi dậy. Người cao tuổi hoặc sức yếu cần nhẹ nhàng để tránh bị thay đổi tư thế quá đột ngột.
Tác dụng của bài tập
Theo nghiên cứu của Đông y, cơ sở khoa học của động tác này thực ra cũng vô cùng đơn giản.
Vì bất kỳ một vận động nào kết hợp với việc tập thở đều mang lại những tác động lớn với các bộ phận trên cơ thể và nội tạng.
Ưu điểm nổi bật của động tác này là giúp phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch và cải thiện sự lưu thông cho máu. Những người bị chứng sưng chân, đùi to, phù nề, khi đưa ngược chân lên cao như vậy sẽ giảm chứng phù chân, đây là động tác đặc biệt tốt cho người hay ngồi nhiều.
Thông qua việc giơ chân, huyết áp sẽ giảm xuống, thúc đẩy sự lưu thông của các chất dịch cơ thể.
Đây cũng là bài tập giúp chân thon gọn, săn chắc và do vậy rất được cánh phụ nữ ưa thích.
Bên cạnh đó, đối với những người phải đứng nhiều, đi lại quá nhiều trong ngày, giơ chân lên sẽ giúp thư giãn, giảm mệt mỏi vùng chân.
Và nếu nhân dịp này, có thể vươn chân lên cao hơn, tức là phần bụng cũng được dốc ngược, còn có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, làm cho các dịch thể lưu thông dễ dàng, hỗ trợ tiêu hóa rất tốt.
Ngoài ra, việc dựa chân vào tường không hề tốn sức, bất kỳ ai cũng có thể làm được, không đổ mồ hôi nhiều và kể cả người không khỏe mạnh cũng có thể thực hành động tác để tăng cường sức khỏe.
Khi làm động tác này, thần kinh có thể thả lỏng và thư giãn, quên đi mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí có thời gian rảnh như vậy còn giúp chúng ta có thể nghĩ đến những điều tốt đẹp và tích cực hơn.
Không những thế, theo đánh giá ở góc độ Đông y thì động tác này còn có tác dụng làm dịu hệ thần kinh. Khi hít vào thở ra chậm và sâu, không chỉ kích thích tiêu hóa tốt mà còn làm cho thần kinh giãn ra, quên đi phiền muộn.
Người hay nóng nảy, dễ bức xúc, nổi giận khó kiềm chế cũng được khuyến khích nên thực hành động tác này. Vì khi giơ chân lên cao và nhắm mắt, chúng ta sẽ lấy lại được sự bình tĩnh, trau dồi tâm trí.
Ngoài ra, khi dồn tâm trí tập trung vào hơi thở, cũng sẽ giúp tiết giảm cơn nóng giận một cách nhanh chóng giống như khi đang thực hành thiền, và sẽ nhanh chóng quên đi mọi chuyện ưu phiền.
Gần đây nhiều nước ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đang có khuynh hướng thiết kế và bố trí những chiếc ghế có tựa lưng cao đặt tại những nơi công cộng nhằm giúp người dân có thể áp dụng bài tập này để rèn luyện sức khỏe.
Theo khampha.vn