Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn – Viện Y khoa Garvan, Úc cho rằng hiện nay các số liệu nghiên cứu ban đầu cho thấy Omicron có hệ số lây lan cao gấp 7 lần so với biến thể Delta, nhưng nguy cơ tử vong thì có suy đoán là thấp hơn.
Đa số (90%) những ca nhiễm ở Nam Phi hiện nay là do biến thể Omicron, nhưng đa số trường hợp là nhẹ hoặc rất nhẹ. Giới chức y tế Nam Phi còn cho biết họ ghi nhận số ca tử vong trong tháng qua giảm đáng kể so với lúc biến thể Delta còn hoành hành.
Nếu những gì quan sát ở Nam Phi là đúng, thì sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể xem là một ... tin lành.
Cùng quan điểm, PGS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế công cộng trường Đại học Y Dược TP.HCM cũng cho rằng chủng mới của virus SARS-CoV-2 đang khiến nhiều người lo lắng.
Tuy nhiên, những đại dịch cũ khi chấm dứt là xuất hiện chủng mới làm bệnh nhẹ hơn, ví dụ như cúm Tây Ban Nha xuất hiện biến chủng làm người dân mắc bệnh nhiều hơn nhưng bệnh nhẹ hơn. Vì vậy, biến chủng này có khả năng là tín hiệu tốt nhưng vẫn không thể chủ quan.
Ngoài ra, theo PGS Dũng, hiện Hiệp hội y khoa Nam Phi người ta đã thấy chủng virus này lạ vì triệu chứng nhẹ, không có khó thở. Dẫn chứng là một số bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron có triệu chứng nhẹ khi đã tiêm đủ 2 liều vắc xin.
Giả sử chủng này lây lan nhanh nhưng không khiến người bệnh trở nặng và tử vong – cũng là tín hiệu tốt.
Tuy nhiên, nếu dịch lây lan nhanh ở đối tượng tuổi già cũng có thể nguy hiểm. Chưa đánh giá được hết độc lực của chủng mới cũng như các thông tin về nó, tốt nhất vẫn cần ngăn chặn chủng này để có chuẩn bị phù hợp.
Các nhà khoa học nên nghiên cứu chủng mới này có tác động tới vắc xin, vắc xin có phòng được, có thay đổi độc lực hay không? Việt Nam cũng cần phối hợp với các nhà khoa học trên thế giới theo dõi tiến triển của nó.
Còn bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, từ trước tới nay các virus sau thời gian sẽ xuất hiện các biến chủng và các biến chủng nào ra sau bao giờ cũng lây lan nhanh hơn các biến chủng nguyên bản. Ví dụ như biến chủng Alpha, Beta, Delta hay các biến thể mới này sẽ 'thuần' với con người hơn nên độc lực sẽ không tăng nặng như biến chủng trước.
Hiện Nam Phi vẫn chưa ghi nhận ca tử vong nào nhiễm biến chủng Omicron. BS Khanh cho rằng có thể trong tương lai, biến thể này có thể thành một dạng cảm lạnh dễ lây lan nhưng ít gây nguy hiểm.
Độc lực giảm đi nhưng không thể chủ quan vì số ca mắc tăng, lây lan nhanh thì những người bị bệnh nền, người già vẫn có thể bị tấn công. Vì vậy, ngay lúc này cần có các biện pháp bảo vệ những người có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, hệ miễn dịch suy giảm..., do đó không nên chủ quan mà cần tăng cường bảo vệ nhóm này.
Biến chủng Omicron được ghi nhận lần đầu ở Nam Phi hôm 24/11, một số ca nhiễm khác cũng được phát hiện tại Botswana, Bỉ, Israel và đặc khu Hong Kong của Trung Quốc.
Phân tích của các nhà khoa học Nam Phi cho thấy Omicron có tới 50 đột biến, trong đó 32 đột biến trên protein gai, cấu trúc virus sử dụng để bám dính và xâm nhập tế bào người.
Theo Infonet