Triệu chứng của đau đầu Migraine, độ tuổi thường gặp, có điều trị khỏi không, khi nào bệnh chuyển sang mạn tính… là vấn đề nhiều người thường thắc mắc.

TS.BS Lê Văn Tuấn (Cố vấn chuyên môn Khoa Nội Thần Kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, đau đầu là bệnh lý về thần kinh phổ biến. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 50% số người lớn trên thế giới ít nhất bị đau đầu một lần trong năm. Người từ 18 - 65 tuổi chiếm từ 1/3 - 1/4 trong số đó và ít nhất 30% trong số đó thuộc về bệnh đau đầu Migraine.

Migraine là một loại đau đầu nguyên phát. Migraine không chỉ là đau đầu mà là một bệnh thần kinh đặc trưng bởi các cơn đau đầu tái phát, cường độ đau thường nặng. Ngoài triệu chứng đau đầu, bệnh nhân còn có thể có các triệu chứng khác về thị giác, cảm giác, vận động... Migraine còn có thể biểu hiện các triệu chứng khác mà không kèm đau đầu.

Migraine có hay gặp ở trẻ em, người lớn tuổi?

Migraine hay gặp ở trẻ em. Tuổi trung bình của bé trai bị Migraine là 7 tuổi và ở bé gái là 11 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 5% trẻ em bị Migraine, trong đó có khoảng 20% ở trẻ nhỏ hơn 5 tuổi. Ở trẻ trong độ tuổi đi học thì Migraine chiếm khoảng 5-10%.

Migraine cũng thường gặp ở người lớn tuổi. Trong số người lớn tuổi bị đau đầu thì Migraine chiếm khoảng 10-25%. Migraine có khuynh hướng giảm dần theo tuổi. Các nghiên cứu cho thấy, ở tuổi 70, chỉ 10% phụ nữ và 5% đàn ông bị đau đầu Migraine. Khoảng 40% người bị Migraine không có cơn đau đầu Migraine sau 65 tuổi.

1 Cac Thac Mac Thuong Gap Ve Dau Dau Migraine

Đau đầu thường gặp ở người lao động trí óc nhiều. Ảnh: Freepik

Dấu hiệu nhận biết

Có ba câu hỏi tầm soát để chẩn đoán Migraine. Nếu trả lời ít nhất hai trong số ba câu hỏi này thì có khả năng bạn bị Migraine. Các câu hỏi như sau:

- Trong ba tháng vừa qua, đau đầu có thường ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn không?

- Bạn có thường cảm thấy buồn nôn khi đau đầu không?

- Ánh sáng và âm thanh có thường làm bạn khó chịu mỗi lúc bị đau đầu không?

Cơn đau đầu Migraine thường trải qua 4 giai đoạn, bao gồm:

Các triệu chứng báo trước: có thể xuất hiện vài giờ hoặc vài ngày trước đó với biểu hiện mệt mỏi, buồn ngủ hoặc hưng phấn.

Tiền triệu: là triệu chứng thần kinh trước khi cơn đau đầu xuất hiện.

Giai đoạn đau đầu: cơn đau đầu điển hình kéo dài 4-72 giờ nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả.

Giai đoạn sau cơn: giai đoạn này có thể kéo dài 1-2 ngày với các biểu hiện khó tập trung, cảm giác mệt mỏi, trầm cảm, khó nhớ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân mắc Migraine vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, Migraine được cho là do những yếu tố bên ngoài và các yếu tố di truyền gây ra. Có một số gene được tìm thấy liên quan đến Migraine như gene KCN K18, CKIdelta, CACNA1A, ATP1A2, SCN1A.

Khoảng 90% bệnh nhân Migraine có tiền sử gia đình có người bị Migraine. Nghiên cứu ghi nhận, nếu cha hoặc mẹ bị Migraine thì 40% khả năng con cái cũng mắc chứng đau đầu này. Nếu cả cha và mẹ bị Migraine thì 75% con cái có thể bị Migraine.

Khi đi khám, nếu bệnh nhân ghi rõ tiền sử Migraine của gia đình sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán tốt hơn.

Mặt khác, đau đầu Migraine cũng do những thay đổi nội tại của bệnh nhân. Có những yếu tố thúc đẩy làm xuất hiện cơn đau chẳng hạn như: bỏ bữa ăn, do thực phẩm, đồ uống, mất ngủ, ngủ nhiều, thay đổi hormon theo chu kỳ kinh ở nữ giới, tiếng ồn, thay đổi thời tiết, mất nước...

Người bị Migraine thường hay có các bệnh khác kèm theo (bệnh đồng mắc) bao gồm mất ngủ, trầm cảm, loét dạ dày, đau ngực, động kinh... Cường độ đau đầu Migraine tăng nếu bạn có các bệnh viêm đồng mắc như vảy nến, dị ứng, các rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, mất ngủ.

2 Cac Thac Mac Thuong Gap Ve Dau Dau Migraine

Đau đầu khiến người mắc chóng mặt, mất thăng bằng, có thể té ngã. Ảnh: Shutterstock

Điều trị đau đầu Migraine như thế nào?

Hiện nay, không có thuốc hay phương pháp nào có thể điều trị khỏi bệnh Migraine. Tuy nhiên, Migraine có thể được điều trị để làm giảm các triệu chứng bằng việc dùng các loại thuốc cắt cơn đau.

Có một tỷ lệ khá cao những người bị Migraine vẫn chưa được chẩn đoán hoặc chưa từng được điều trị hoặc điều trị bằng phương pháp chưa phù hợp. Người bị Migraine nên đến khám ở chuyên khoa nội thần kinh để được tư vấn và điều trị hiệu quả.

Migraine thường biểu hiện là các cơn đau đầu cấp và khoảng thời gian giữa các cơn thường không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số người có các cơn đau đầu thường xuyên nếu mắc Migraine mạn tính. Migraine mạn tính khó điều trị hơn và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người bệnh. Migraine có thể chuyển thành mạn tính nếu điều trị không còn hiệu quả so với trước đây như có nhiều cơn Migraine mỗi tháng, phải dùng thuốc giảm đau mỗi ngày để cắt cơn đau, thường bị đau đầu quanh chu kỳ kinh, không tìm được thuốc điều trị Migraine hiệu quả.

Gánh nặng của Migraine được xác định bởi tần số, độ nặng và thời gian cơn đau cũng như các triệu chứng kết hợp trong cơn đau. Gánh nặng Migraine ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh và xã hội. Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) xác định, Migraine là một trong những bệnh thường gặp ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trong cơn đau đầu Migraine, khoảng 50% bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng phải nằm nghỉ.

TS.BS Lê Văn Tuấn

Khoa Nội Thần Kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC