Liên tiếp 2 trường hợp từ Angola về Việt Nam được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai do sốt rét. Bác sĩ cảnh báo nguy cơ "nhập khẩu' sốt rét với người từ châu Phi về nước.

1 Canh Bao Nguy Co Nhap Khau Sot Ret Tu Chau Phi

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo thông tin từ Trung tâm bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, hiện trung tâm đang điều trị cho 2 bệnh nhân sốt rét sau khi trở về nước từ Angola.

Anh Nguyễn Đình Th. (38 tuổi, trú tại Hà Tĩnh) từ Angola về nước được 1 tuần. Trước đó, bệnh nhân làm việc và sinh sống tại Angola đã được 12 năm. Trước khi nhập viện 5 ngày, anh Th. xuất hiện sốt cao, rét run, kèm đau đầu nhiều khi sốt. Tình trạng sốt tập trung chủ yếu vào buổi chiều, ngày thường có 2 cơn sốt, kèm tiểu buốt, đại tiện phân lỏng.

Anh Th. đi khám tại cơ sở y tế gần nhà nhưng không phát hiện bệnh, sau đó được chuyển tới Trung tâm bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai. Sau khi khai thác yếu tố dịch tễ bệnh nhân có đi Angola về kết hợp xét nghiệm máu thì các bác sĩ phát hiện ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum trong máu.

Trường hợp thứ 2 là chị H. (32 tuổi, trú tại Hà Nội) mang thai tháng thứ 6. Chị H. đi lao động tại Angola được 8 năm và từng bị sốt rét vào năm 2021, chị mới trở về từ Angola được 1 tuần.

Trước khi vào viện 3 ngày chị xuất hiện sốt cao, rét run thành cơn, chủ yếu sốt về chiều tối. Sau cơn sốt vã mồ hôi nhiều, kèm nôn, buồn nôn, đau đầu nhiều. 

Chị đi khám phòng khám tư, sau đó được đưa vào Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương làm xét nghiệm và được chẩn đoán là sốt rét. Sau đó, chị được chuyển đến Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai theo dõi và điều trị

Chia sẻ về bệnh sốt rét, PGS.TS Đỗ Duy Cường - giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới - cho biết: "Thời gian gần đây chúng tôi tiếp nhận một số bệnh nhân sốt rét đi từ châu Phi về, nên được gọi là sốt rét "nhập khẩu". 

Nguyên nhân là do giao thương, đi lại nhiều, sau một thời gian dịch bệnh, việc khôi phục các đường bay cho người Việt Nam đi lao động, công tác tại châu Phi, đặc biệt là Angola trở về nước gia tăng".

TS Cường khuyến cáo người dân trở về nước từ vùng dịch tễ có sốt rét cần được khám sàng lọc, điều tra dịch tễ và xét nghiệm ngay xem trong máu có ký sinh trùng sốt rét hay không và cần khai báo y tế với cơ quan chức năng.

Khi có biểu hiện sốt cần đi khám ngay để tránh nhầm lẫn và bỏ sót. "Cả 2 bệnh nhân hiện đang điều trị tại trung tâm bị sốt ngay sau khi về Việt Nam nhưng y tế ở địa phương không phát hiện, không để ý yếu tố dịch tễ là đi từ châu Phi về nên dễ bỏ sót. 

Do các triệu chứng sốt rét không điển hình rầm rộ, dễ gây nhầm với các bệnh khác như cảm cúm, COVID-19, sốt xuất huyết, hay nhiễm trùng tiết niệu,…", ông Cường nhấn mạnh.

Trong những năm qua đã có nhiều cảnh báo về những trường hợp sốt rét đi từ châu Phi về, đặc biệt là các trường hợp công nhân, người lao động làm việc tại Angola về thì phải lưu ý yếu tố dịch tễ, cần khai báo với cơ quan y tế hoặc đi xét nghiệm bởi sốt rét có thể trở thành sốt rét ác tính và nguy hiểm đến tính mạng.

"Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp sốt rét trở thành ác tính với triệu chứng sốt cao liên tục, có thể đi vào hôn mê sau 3-5 ngày, nguy hiểm đến tính mạng. Kèm theo hôn mê là suy đa phủ tạng (gan, thận, phổi...) hoặc thiếu máu, co giật, hạ đường huyết. 

Tuy nhiên nếu được điều trị kịp thời, đúng thuốc và thuốc tốt thì các chức năng sẽ dần hồi phục. Các thuốc sốt rét hiện nay có sẵn (Artesunate, Arterakin) được Bộ Y tế cung cấp theo chương trình", ông Cường nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC