Nghiên cứu mới của CDC Mỹ
Nghiên cứu của CDC Mỹ cho thấy biến thể Omicron ít gây bệnh nặng hơn các đợt bùng dịch trước đây, bao gồm làn sóng dịch do Delta.
Theo đó, người mắc Omicron có thời gian nhập viện ngắn hơn, ít cần săn sóc đặc biệt hơn và ít tử vong hơn. Dù vậy, biến thể Omicron dễ lây lan hơn đã dẫn đến số ca nhiễm và nhập viện tăng kỷ lục, gây căng thẳng cho hệ thống y tế Mỹ.
Tuy số ca nhiễm tăng chóng mặt, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện được đưa vào phòng săn sóc đặc biệt (ICU) trong suốt đợt bùng dịch do Omicron hiện nay thấp hơn 29% so với đợt bùng dịch mùa đông trước, và thấp hơn 26% so với đợt bùng dịch do Delta.
Nghiên cứu cho biết mức độ bệnh ít nghiêm trọng hơn trong suốt đợt dịch do Omicron là nhờ có tỉ lệ phủ vắc xin cao hơn, việc tiêm tăng cường cho những người đủ điều kiện, cũng như việc một số người có miễn dịch do từng là F0.
Số ca tử vong trung bình trong giai đoạn từ ngày 19-12-2021 đến 15-1 - khi số ca nhiễm Omicron đạt đỉnh tại Mỹ - là 9/1.000 ca, so với 16/1.000 ca trong đỉnh dịch vào mùa đông trước đó và 13/1.000 ca trong đợt bùng dịch do Delta.
Theo Hãng tin Reuters, các phát hiện trong nghiên cứu của CDC Mỹ phù hợp với các dữ liệu được phân tích trước đây tại Nam Phi, Anh và Scotland - nơi các ca nhiễm Omicron đạt đỉnh trước Mỹ.
Nghiên cứu của CDC Mỹ bao gồm các phân tích dữ liệu từ một hệ thống dữ liệu y tế lớn và ba hệ thống giám sát các đặc điểm của COVID-19 trong giai đoạn từ ngày 1-12-2020 đến 15-1-2022.
Điểm nóng dịch bệnh tại châu Âu
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại điểm nóng châu Âu vẫn đang diễn tiến phức tạp.
Theo Hãng tin AFP, ngày 25-1, Pháp ghi nhận thêm 501.635 ca COVID-19 trong 24 giờ qua, mức tăng theo ngày cao nhất từ đầu dịch. Đây cũng là lần đầu tiên Pháp có hơn nửa triệu ca nhiễm trong một ngày.
Pháp đang là nước có tỉ lệ ca COVID-19 theo ngày cao nhất tại châu Âu, với trung bình hơn 360.000 ca bệnh/ngày trong tuần qua.
Biểu tình leo thang tại Đức để phản đối các biện pháp chống dịch của chính phủ - Ảnh: REX
Hơn 30.000 người đang nhập viện điều trị bệnh trên khắp nước Pháp, mức tăng cao nhất kể từ tháng 11-2020. Tuy nhiên, chỉ có hơn 3.700 bệnh nhân cần săn sóc đặc biệt, thấp hơn so với các đợt bùng dịch trước.
Từ đầu tuần, Pháp đã áp dụng một số biện pháp phòng dịch mới, trong đó có việc yêu cầu người dân tiêm chủng để được phép vào quán bar, nhà hàng, tàu điện ngầm và máy bay.
Tính đến nay, hơn 77% dân số Pháp đã tiêm đủ hai liều vắc xin.
Trong khi đó, ngày 25-1, Ý ghi nhận 186.740 ca bệnh trong 24 giờ, tăng gấp đôi so với ngày trước đó. Số ca tử vong cũng tăng lên 468 ca trong ngày 25-1, so với 352 ca của ngày trước đó.
Cùng ngày, Anh ghi nhận hơn 94.300 ca bệnh và 439 ca tử vong trong 24 giờ, mức tăng ca tử vong theo ngày cao nhất trong 11 tháng qua.
Chính phủ Anh đã dỡ bỏ tất cả biện pháp phòng dịch sau khi số ca bệnh theo ngày giảm dần trong những ngày qua.
Tại Đức, theo báo Guardian, những cuộc biểu tình phản đối các biện pháp chống dịch đang ngày càng leo thang, với hơn 2.000 cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp cả nước trong ngày 24-1.
Việc Chính phủ Đức muốn áp dụng tiêm chủng bắt buộc để ngăn làn sóng dịch do Omicron đang là tâm điểm của các cuộc biểu tình.
IMF cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu vì Omicron
Ngày 25-1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết Omicron đang tạo ra chướng ngại cho nền kinh tế toàn cầu, vốn sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng trong năm nay, đặc biệt là với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Theo Hãng tin AFP, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 xuống còn 4,4%, thấp hơn so với dự báo hồi tháng 10-2021 là 4,9% vì "những trở ngại" trong đợt bùng dịch mới nhất.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online