CDC Mỹ: liều thứ 3 của vắc xin Pfizer, Moderna giảm hiệu quả từ tháng thứ tư - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin AFP, hiện đã có nhiều dữ liệu chứng tỏ hiệu quả của vắc xin COVID-19 giảm dần sau vài tháng sau hai liều tiêm cơ bản, nhưng còn tương đối ít nghiên cứu về thời gian bảo vệ của vắc xin sau khi tiêm mũi vắc xin nhắc lại.
Nghiên cứu mới dựa trên hơn 241.204 lượt đến phòng cấp cứu hoặc phòng khám, và 93.408 trường hợp nhập viện với tình trạng nghiêm trọng hơn ở người trưởng thành có triệu chứng bệnh giống COVID-19 trong thời gian từ 26-8-2021 đến 22-1-2022 tại Mỹ.
Hiệu quả của vắc xin trong nghiên cứu được tính bằng cách so sánh tỉ lệ chênh lệch giữa xét nghiệm COVID-19 dương tính ở người đã tiêm và người chưa tiêm theo tuần, khu vực địa lý và có điều chỉnh theo độ tuổi, mức độ lây nhiễm tại địa phương cùng các đặc điểm của bệnh nhân như bệnh lý nền.
Trong giai đoạn biến thể Omicron chiếm ưu thế, hiệu quả của liều vắc xin thứ 3 trong bảo vệ người tiêm khỏi nhiễm bệnh nhẹ (phải đi khám) liên quan đến COVID-19 là 87% trong hai tháng sau tiêm, nhưng giảm xuống 66% vào tháng thứ tư.
Hiệu quả của liều vắc xin thứ 3 trong bảo vệ người tiêm khỏi nhập viện là 91% trong hai tháng đầu nhưng giảm xuống 78% vào tháng thứ tư.
Các tác giả kết luận: "Việc biết được mức độ bảo vệ của vắc xin mRNA dần suy yếu sau khi tiêm mũi thứ ba cho phép các chuyên gia xem xét sự cần thiết của việc tiêm thêm các liều bổ sung (thứ tư) để duy trì hoặc cải thiện khả năng bảo vệ".
Trước đó, ngày 9-2, phát biểu tại cuộc họp về COVID-19 ở Nhà Trắng, cố vấn y tế hàng đầu của Tổng thống Joe Biden, ông Anthony Fauci cho biết có thể sẽ cần tiêm liều thứ tư cho những người có phản ứng miễn dịch kém hơn như người già và người bị suy giảm miễn dịch.
Trên thế giới, Israel đã triển khai tiêm liều thứ tư cho những người trên 60 tuổi và nhân viên y tế từ tháng 12-2021.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online