Cha mẹ cần lưu ý gì khi mua đồ chơi cho con?Gấu bông, búp bê, ô tô , vv đã làm cho phòng chơi của con bạn trở nên vô cùng sinh động. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần chú ý phân loại đồ chơi cho con em mình, vì theo khảo sát của Warentest, hầu hết đồ chơi của trẻ đều bị nhiễm độc!

Viện nghiên cứu Warentest đã khảo sát 50 đồ chơi (từ những loại giá rẻ cho tới các sản phẩm có thương hiệu) cho trẻ em dưới 3 tuổi. Kết quả cho thấy: 80% trong số đó chứa chất độc, và 2/3 số đồ chơi thậm chí còn nhiễm độc ở mức mạnh tới rất mạnh.

Chuyên gia Hubert Primus thuộc Warentest khuyến cáo các bậc cha mẹ cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn khi chọn mua đồ chơi cho con em mình.

Các chất độc thường được tìm thấy trong đồ chơi của trẻ em là Formaldehyd (gây kích thích da, có thể gây ung thư), nickel (nguy cơ gây dị ứng), Nonylphenol (ảnh hưởng tới khả năng sinh sản), PAHs (gây ung thư, tổn hại đến khả năng sinh sản, gây đột biến ), kim loại nặng như chì và cadmium (gây tổn thương cho não và thận ) và nhiều hợp chất độc hại khác bất lợi cho hệ miễn dịch.

Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cũng chỉ ra nhiều mô hình đồ chơi an toàn cho trẻ như máy bay của hãng Fisher Price và Playmoble, heo con Lego, cậu bé Petits-Mauri của Its magical, chiếc xe thú vị Ravensburger, các con thú SmartVille của vTech, thú nhồi bông Hello-Kitty, hay búp bê Curly-Girly của Sigikid.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu kết luận: Đất nước sản xuất ra đồ chơi thực sự không quyết định tới chất lượng sản phẩm, ngoại trừ hàng hóa made in China vẫn tiếp tục giữ mức thu hồi cao nhất. Đồng thời, người tiêu dùng cũng không nên tin tưởng hoàn toàn vào các sản phẩm được gán nhãn đã kiểm nghiệm bởi CE, GS, hay TÜV Süd., bởi 50 sản phẩm đồ chơi trong cuộc khảo sát này đều được gắn mác CE.

Vậy cha mẹ nên chọn đồ chơi cho con như thế nào?

- Hãy chú ý tới nguồn gốc xuất xứ và nhà sản xuất của sản phẩm.
Về nguyên tắc, trên bao bì sản phẩm luôn phải chứa các thông tin về nhà sản xuất cũng như đất nước sản xuất. Tuy nhiên, cũng có không ít bao bì chỉ ghi nơi sản phẩm được hoàn thành. Vì vậy, bạn không nên mua những loại đồ chơi thiếu các thông tin về nhà sản xuất.

- Tìm hiểu về các nhãn kiểm nghiệm được gán trên bao bì sản phẩm.
Ví dụ, nhãn GS cho biết sản phẩm thỏa mãn được các điều kiện an toàn theo luật pháp, CE chứng tỏ sản phẩm phù hợp với các quy định sản xuất của EU, vv. Các nhãn được này được các viện nghiên cứu độc lập (ví dụ TÜV ) có uy tín gán cho sản phẩm sau khi chúng được kiểm nghiệm. Đi kèm với các ký tự như GS, CE, bao giờ cũng có cả tên của tổ chức kiểm nghiệm. Vì vậy, bạn nên chú ý đến cả điều này, phòng khi những nhãn hiệu này bị làm giả.

- Kiểm tra bằng cách ngửi sản phẩm
Nếu đồ chơi được đóng gói kín trong hộp, bạn nên nhờ người bán hàng mở bao gói để có thể ngửi được sản phẩm bên trong. Nếu thấy mùi hăng hoặc nặng mùi hóa chất, bạn nên từ bỏ ý định mua loại đồ chơi đó.

- Kiểm tra thú bông
Bạn có thể kiểm tra độ an toàn của thú nhồi bông và các con thú được làm bằng sợi khác bằng cách dùng tay vuốt thân chúng, nếu lông, sợi rơi ra nhiều sau đó, bạn không nên chọn. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất có thể sẽ nuốt phải những thứ không tốt đó.

Hương Vũ - ©tintucvietduc.de




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC